NGÔI NHÀ TRÁI TIM
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

NGÔI NHÀ TRÁI TIM

Hãy cho - Hãy nhận - Hãy sống bằng cả con tim
 
Trang ChínhTrang Chính  Latest imagesLatest images  Tìm kiếmTìm kiếm  Đăng kýĐăng ký  Đăng NhậpĐăng Nhập  

 

 Nhân Cách Tôn Giáo

Go down 
Tác giảThông điệp
xin làm một điểm tựa
Admin
xin làm một điểm tựa


Tổng số bài gửi : 411
Join date : 18/06/2009
Age : 35
Đến từ : heart

Nhân Cách Tôn Giáo Empty
Bài gửiTiêu đề: Nhân Cách Tôn Giáo   Nhân Cách Tôn Giáo Icon_minitimeThu Oct 01, 2009 9:19 am

CHƯƠNG 2: NHÂN CÁCH TÔN GIÁO VIÊN MÃN - PHẦN 1-3

1. NHÂN CÁCH VÀ TRƯỞNG THÀNH

Như chúng ta đã thấy, hiện sinh tự phân hóa và hội nhập dần dần theo một dự định hiện hữu. Trong phần này, chúng ta cố gắng mô tả nhân cách tôn giáo khi nó đã đạt đến mức độ phân hóa và hội nhập cần thiết. Nói cho đúng, con người, và hơn nữa con người tôn giáo, vẫn luôn là một huyền nhiệm mà chúng ta không bao giờ hoàn toàn thấu triệt. Tuy nhiên, một nhân cách đích thực được bộc lộ cho chúng ta dưới muôn vàn khía cạnh và trong trăm ngàn hoàn cảnh. Mỗi một quan điểm mới cho ta thấy nhân cách dưới một khía cạnh mới. Bởi đó ta sẽ xem xét nhân cách dưới nhiều quan điểm khác nhau với hy vọng là những cái nhìn này, sau khi được tổng hợp, có thể cho chúng ta biết một phần nào về yếu tính của nhân cách.

Trước tiên, khi chú trọng đến vấn đề nhân cách và trưởng thành, chúng ta cần phải thận trọng. Hạn từ “nhân cách" và “trưởng thành" gợi lên ý niệm của những đặc tính đáng quý, đáng chuộng nơi con người. Nếu không cẩn thận, chúng ta có thể tập trung mọi ý lực một cách lệch lạc để trở nên một nhân cách hay để trở nên trưởng thành. Lối tập trung lệch lạc đó dễ trở thành không tự nhiên và không lành mạnh, vì nó làm cho con người quá bận tâm đối với chính mình thay vì phải sống hết mình với Thiên Chúa, tha nhân và thế giới. Như đã thấy, chúng ta tăng trưởng nhờ sự tham gia vào điều mà chúng ta không có. Chúng ta nới rộng hữu thể của mình, không phải bằng cách chìm sâu vào chính mình nhưng bằng cách vượt qua chính mình. Các nhân cách thực sự vĩ đại: thánh nhân, anh hùng, những người hiền triết và những bậc lãnh tụ anh minh, không bao giờ nghĩ đến việc họ trở nên một nhân cách hay một người trưởng thành. Họ không có thời giờ để suy nghĩ viễn vông như vậy. Họ quá bận bịu với công việc viết sách soạn nhạc, cải tiến đời sống xã hội, tổ chức các định chế mới và xoa dịu các khổ đau của đồng loại. Trong khi làm những công việc đó với một tâm hồn yêu mến và một trí tuệ cởi mở, họ phát huy một nhân cách sung mãn, cả khi không ý thức về điều đó. Họ lớn lên trong sự khôn ngoan, thánh thiện và hiệu năng, bằng cách đáp ứng lời mời gọi của cảnh sống cụ thể của họ. Có thể họ sẽ ngạc nhiên khi nghe nói đến sự bận tâm của chúng ta để trở thành nhân cách và trưởng thành thực sự. Họ có thể nói: điều này xem ra quyến rũ, nhưng tốt hơn là bắt đầu làm việc. Hãy làm điều gì hữu ích cho nhân loại rồi các bạn sẽ thấy không còn giờ để bàn cãi về việc phát triển nhân cách. Các bạn sẽ trở nên một nhân cách cả khi không ý thức về điều đó, và nhờ đấy thế giới sẽ trở nên tết đẹp hơn. Quá chú tâm vào việc phát triển nhân cách có thể làm tê liệt thay vì giúp đớ nó. Quá lo lắng về chính mình có thể làm giảm bớt sự sẵn sàng tham gia và cởi mở đối với anh em thay vì làm cho ta luôn mở rộng đối với thực tại và hiện diện đầy đủ đối với người khác.

Cách chung, sinh hoạt của chúng ta được hiệu năng cao nhất khi chúng ta hoàn toàn dấn thân vào công việc mình làm. Lúc đó chúng ta không còn giờ để nghĩ về chính mình và cả về cách chúng ta làm việc: chúng ta hoàn toàn ở trong công việc của mình. Bao lâu chúng ta bị bắt buộc phải chú ý đến chính mình và cách hành động của mình, chúng ta trở nên vụng về, lúng túng và thiếu hiệu năng. Ví dụ một tài xế giỏi ở giữa đường đầy xe cộ, không tập trung vào mình hay vào cách dùng tay lái, tay thắng. Sự chú ý của ông ta ở “ngoài kia", ở ngoài con người ông, ở ngoài chiếc xe của ông: ở nơi các chiếc xe khác, nơi các người bộ hành, các dấu hiệu chỉ đường hay nhân viên cảnh sát công lộ. Ông càng chú ý đến những yếu tố sau thì việc lái xe càng bảo đảm. Nếu ông chú ý nhiều đến chính mình và các máy móc trong xe thì càng dễ xảy ra tai nạn.

Điều đó cũng giống như sự chú ý của chúng ta để thành một nhân cách hay để được trưởng thành. Tuy nhiên, vào một lúc nào đó, sự chú ý đến nhân cách là cần thiết. Người lái xe giỏi cũng có lúc phải nghĩ đến các máy móc trong xe. Ông cũng phải học cách sử dụng xe cộ trước khi thi lấy giấy phép lái xe. Sau đó cũng phải nghĩ đến máy xe, khi gặp trục trặc. Một người tài xế dở và một chiếc xe cũ kỷ đòi hỏi nhiều săn sóc hơn là một tài xế giỏi và một chiếc xe mới. Có lẽ sự quá chú trọng về việc phát huy nhân cách và trưởng thành trong văn hóa đương thời là một dấu hiệu trục trặc trong nhân cách và thiếu trưởng thành. Sự chú trọng mỗi ngày một gia tăng về hai đặc tính nhân bản này có thể được giải thích như là nhân loại đang gặp khủng hoảng về chúng. Nếu chúng ta ý thức về mối nguy cơ của một sự quá chú ý không lành mạnh đối với nhân cách và sự thiếu trưởng thành của chúng ta thì chúng ta có thể cứu xét nhân cách tôn giáo một cách ích lợi, từ nhiều phương diện.

2. NHÂN CÁCH LÝ TƯỞNG TRONG KINH NGHIỆM VỀ CHÍNH MÌNH VÀ TỪ NGƯỜI KHÁC

“Nhân cách tôn giáo" là một thành ngữ diễn tả một nhân cách mà nơi đó thể thức hiện hữu tôn giáo chiếm vai trò ưu thắng đồng thời hội nhập và thấm nhuần các thể thức hiện hữu khác. Nhân cách tôn giáo vì thế mang tất cả mọi đặc tính của điều mà chúng ta có thể gọi là một nhân cách đích thực. Chỉ có một sự khác biệt là nơi đó, mối quan tâm về tôn giáo là chính yếu, cũng như trong những loại nhân cách khác có một quan tâm chính yếu khác.

A. KINH NGHIỆM VỀ CHÍNH MÌNH.

Quan niệm thứ nhất mà chúng ta sẽ chọn để mô tả một nhân cách đích thực là kinh nghiệm chủ quan về chính mình. Một người đạt đến sự phát triển nhân cách, kinh nghiệm về chính mình như thế nào?

Ý thức về chính mình.

Trước tiên, một nhân cách có một ý thức về chính mình rất phong phú, rộng lớn và toàn vẹn. Điều này không có nghĩa là người ấy luôn nghĩ về mình. Trái lại, người ấy cảm nghiệm một sự hiện diện hồn nhiên đối với chính dự định hiện hữu của mình. Cảm nghiệm này thường có tính cách tiền phản tỉnh (nghĩa là hiện hữu trước khi người ta bắt đầu suy nghĩ. - Chú thích của người dịch) và nó không đưa tới thái độ quá chú ý về mình (mà kết quả là sự nhút nhát lúng túng - theo nghĩa của chữ self-consciousness). Sự hiện diện đối với chính mình cách mặc nhiên hàm chứa một ý thức về dự định hiện hữu của mình như một điều có tính cách độc đáo và cá biệt. Do cảm nghiệm tiền ý thức, một nhân cách lý tưởng biết rằng mình không thể là “bản sao" của một ai khác, một sự "tái bản" của cha mẹ, thầy dạy hay là sự mô phỏng của một tài tử hoặc một lãnh tụ được ngưỡng mộ. Người ấy đã hoàn thành nhân cách đích thực và ý thức sâu xa về tính cách độc nhất và không thể thay thế của mình.

Ơn gọi độc nhất.

Một nhân cách tôn giáo biết mình như là một thụ tạo độc đáo với một ơn thiêu triệu không thể thay thế. Người ấy biết rằng Thiên Chúa đã gọi mình từ vĩnh cửu để trở nên một biểu thị độc đáo về sự tốt lành, chân thật và tuyệt mỹ của Ngài. Nếu người ấy là Kitô hữu thì chắc sẽ ý thức rằng Chúa Kitô muốn sống trong họ một cách đặc biệt. Mỗi nhân cách Kitô giáo là một sự bày tỏ Chúa Kitô một cách mới mẻ và đặc thù. Trước đó và sau đó, sẽ không có điều gì giống như vậy. Mới thấy bao lâu một Kitô hữu không trở nên một nhân cách, người ấy chưa hoàn thành dự định của Thiên Chúa đối với mình. Người ấy chưa cho Chúa Kitô khả năng toàn vẹn là nhập thể một cách mới mẻ và lạ lùng giữa nhân loại. Bởi vì sự nhập thể của Chúa là một mầu nhiệm mà mỗi nhân cách Kitô giáo được tham dự. Nhưng nghịch lý thay,họ sẽ đạt đến thượng đính của sự tham dự này vào lúc mà họ là mình nhiều nhất và cũng là mình ít nhất, khi mà họ dìm mình sâu thẳm nhất trong Chúa Kitô và đồng thời lại là chính mình cách độc đáo nhất. Trở nên một nhân cách tôn giáo là trở nên Chúa Kitô đích thực và cũng trở nên chính mình một cách đích thực. Đó là quên mình để tìm thấy chính mình và tìm gặp chính mình để đánh mất chính mình. Chỉ khi nào tôi ý thức về mình và chấp nhận chính mình hoàn toàn, tôi mới có thể hiến dâng con người đích thực của tôi cho Chúa Kitô. Nếu tôi là một thực thể nặng nề, buồn chán, không có một diện mạo riêng biệt, sống một cuộc đời tầm thường hòa lẫn với đám đông, thì tôi không thể dâng hiến cho Chúa Kitô một nhân tính riêng biệt, nơi đó Người có thể sống một cách mới mẻ và độc đáo. Một nhân cách Kitô giáo không phải là một cách sống vô ý thức; nó là một trung tâm độc nhất và chiếu tỏa tư tưởng cũng như xúc cảm. Nó là một nhân vị luôn thăng tiến, thúc đẩy bởi ý thức về một ơn gọi không thể thay thế, một sứ mạng cá nhân, một sự hiện diện độc nhất. Dĩ nhiên, điều này không có nghĩa là họ làm mọi sự một cách kỳ lạ. Nó có nghĩa là họ làm mọi việc thông thường một cách độc đáo, với một tình thương đặc biệt, một ý thức trách nhiệm, một sự cam kết đặc biệt và theo đường lối riêng biệt của chính mình. Họ không phải là một phần tử chết trong xã hội loài người song là một tham dự viên tích cực trong việc xây dựng cộng đồng.

Duy nhất tính.

Sự ý thức về chính mình như là đặc tính của một nhân cách đích thực không chỉ là sự ý thức về tính cách độc nhất mà còn là ý thức về tính cách thuần nhất của mình. Bao lâu con người còn bị phân chia nơi chính mình, bao lâu dự định hiện hữu của nó còn lưỡng nghi phân đôi và gãy đổ, nó chưa phải là một nhân cách. Bởi đó, việc trở thành một nhân cách là kết quả một tiến trình hội nhập dài đằng đẵng. Vì lý do đó mà người trẻ tuổi chưa phải là những nhân cách đầy đủ. Họ còn đang dò dẵm tìm con đường của mình. Họ chưa biết mình đang đi đâu. Và có khi biết, họ cũng còn phải đương đầu với một sự chiến đấu lâu dài trước khi dự định hiện hữu của họ trở thành những đơn vị thiết thực để hội nhập mọi thể thức hiện hữu có thể chấp nhận được. Cũng thế, sự phát triển một nhân cách tôn giáo đòi hỏi thời gian trước khi một người sẵn sàng coi thể thức hiện hữu tôn giáo như mối bận tâm chính yếu của cuộc đời mình. Và còn phải nhiều thời giờ hơn nữa trước khi người đó có thể sống thể thức tôn giáo trong mọi hành động và suy nghĩ của mình. Khi đạt đến tình trạng này, nhân cách toàn diện vui thích thấy rằng mình đã hoàn thành sự duy nhất của con người. Ý thức đó đem đến cho người ấy sức mạnh trong quyết định, can đảm trong hành động và thanh thản trong tâm trí.

Ý thức về giới hạn.

Đặc điểm thứ nhất trong kinh nghiệm trở nên một nhân cách là sự ý thức về chính mình trong khía cạnh độc đáo và duy nhất của nó. Đặc điểm thứ hai là ý thức về giới hạn của chính mình, như một sự đối chiếu với ý thức về sự độc nhất và thuần nhất. Trong ý thức về mình, một người biết mình phải làm gì: sứ mạng của hiện hữu và nhiệm vụ của đời sống mình. Khi biết về giới hạn của mình, người ấy ý thức về điều mình không có. Người ấy nhìn nhận Thiên Chúa và ân sủng Ngài như là nguồn mạch của hữu thể, của sự tốt lành và bảo đảm cho hiện hữu của mình. Người ấy cũng ý thức rằng: mình cần đến những người đã đi trước, hiện đang ở với mình và sẽ đến sau mình. Người ấy cần họ để sống còn, tăng trưởng và làm cho cuộc đời mình có ý nghĩa. Người ấy luôn luôn cần đến kẻ khác. Nếu ở một mình, người ấy là hư không. Với kẻ khác, người ấy là tất cả. Trong cô lập người ấy thật cằn cỗi. Trong sự hợp nhất, người ấy mang nhiều hoa trái. Khi đóng kín nơi chính mình, người ấy không có tài năng, cảm hứng; nhưng trong cộng đoàn nhân loại người ấy thấy nhiều hứng khởi và thêm phong phú. Nhân cách đích thực ý thức về giới hạn của chính mình và về sụ liên tục cần nhờ đến Thiên Chúa và người khác.

Chấp nhận chính mình.

Một khía cạnh thứ ba của kinh nghiệm nhân cách là sự chấp nhận chính mình. Biết khả năng và giới hạn, lời lãi và thua thiệt của mình không thôi thì chưa đủ. Một nhân cách vững mạnh nhưng bình thản nhẹ nhàng, được xây dựng trên việc vui lòng chấp nhận sứ mạng độc nhất và giới hạn duy nhất của mình. Chỉ khi nào một người chấp nhận chính thực tại của mình thì mới thấy được bình an nơi chính mình. Nếu sự hiểu biết về mình đưa đến sự từ rảy chính mình, thì việc biết mình đó có thể trở nên khủng khiếp, phá hoại. Điều này không có nghĩa là người ấy trở nên kiêu hãnh; trái lại người ấy tôn trọng và chấp nhận nhiệm vụ độc nhất và giới hạn mà Chúa giao phó cho. Người ấy không tìm kiếm một sứ mạng khác, không ghen tương, thèm thuồng tài năng của người khác, chẳng nỗ lực tìm kiếm điều mình không thể có, không mù quáng bắt chước một con người nào khác.

Thực hiện chính mình.

Một dấu hiệu thứ tư của kinh nghiệm về nhân cách đích thực là sự thực hiện chính mình. Một nhân cách ý thức rằng mình thể hiện các khả năng cụ thể trong hoàn cảnh sống mình đang đối phó. Kinh nghiệm thực hiện hữu thể của mình làm cho người ấy cảm thấy một sự thoát xác vui thỏa, một sự tăng triển lành mạnh và một sinh khí luôn gia tăng. Người ấy cảm thấy ngày càng trở nên một con người đích thực. Tuy nhiên cảm thức về sự biến đổi nơi mình chỉ ở hậu trường của ý thức. Nó không phải là đích điểm của chú ý, vì sự chú ý trong một nhân cách tôn giáo luôn luôn là Thiên Chúa, nhiệm vụ, người khác, và thế giới. Dầu thế, cảm thức về cái tôi đang tăng trưởng cũng luôn luôn đi theo kinh nghiệm hiện hữu này. Nếu đích điểm của chú ý là cái “tôi” thì có một cái gì lệch lạc và cái “tôi" trở thành duy ngã. Nói cách khác cái tôi tự đóng kín nơi chính mình. Sư thực hiện cái tôi đích thực luôn luôn là thực hiện trong một hoàn cảnh. Bởi đó khi kinh nghiệm về sự thực hiện chính mình trở nên kinh nghiệm của cái tôi đơn độc, thì cái tôi lúc ấy trở nên một thứ ảo tưởng. Bản chất của cái tôi là không thể tự mãn, nhưng là xuất hiện đi ra, tham gia vào Thiên Chúa, người khác và thế giới. Sự tham gia này không phải là một điều gì thứ yếu, có thể thêm bớt vào cái tôi. Nó là một yếu tố thiết yếu cấu tạo nên cái tôi. Không có nó, con người không có một cái tôi thực thụ nhưng chỉ là sự giả định của tưởng tượng. Khi nó chú ý và tập trung năng lực trên cái tôi cô lập giả định nầy, thì cái tôi đích thực - là sự tham gia và xuất hiện hướng ngoại - không được phát triển, không tăng trưởng và lần lần trở nên khô héo cùng chết dần vì thiếu thức ăn từ thực tại. Nhân cách trưởng thành, bởi đó kinh nghiệm về sự thể hiện chính mình một cách nào đó giống như kinh nghiệm về sức khỏe thể xác. Khi một người hăng say làm việc và cảm thấy sức mạnh của bắp thịt mình và sức kháng cự của toàn thân mình, người đó không nghĩ một cách minh nhiên: "Tôi khỏe mạnh quá. Máu của tôi lưu tràn trong huyết quản. Bắp thịt tôi hoạt động tuyệt vời"; người đó chỉ nghĩ đến công việc đang làm. Nhưng đồng thời người ấy cảm nghiệm một thứ nhận định mặc nhiên về tình trạng sức khỏe tốt đẹp của mình. Chỉ khi nào cảm thấy ốm đau, yếu liệt, người ta mới ý thức là việc cảm nghiệm thường ngày về sức khỏe của thể xác đã mất đi. Thực ra, nếu một người khỏe mạnh cứ luôn nghĩ đến cơ thể mình thì có vẻ không tự nhiên và bệnh hoạn nữa. Cũng vậy, việc liên tục chú ý về chính mình sẽ đưa đến tình trạng bệnh hoạn, lệch lạc.

Tự quyết định.

Thể thức thứ năm trong kinh nghiệm về chính mình nơi nhân cách đích thực là ý thức về khả năng quyết định chính mình. Nhân cách đích thực cảm thấy chính mình quyết định cuộc đời mình, mình không phải là một vật dụng để cho người khác điều khiển. Sự kinh nghiệm về tự quyết định liên tục tăng trưởng trong người ấy và mỗi ngày trở nên mạnh hơn một chút. Người ấy bình thản làm công việc bổn phận được chỉ định qua cảnh sống, dự định hiện hữu và nhu cầu thực tiễn của môi trường. Vì muốn dấn thân vào cuộc đời, người ấy không từ chối đáp ứng các nhu cầu thực nhưng biết rằng mình có thể từ chối. Và nhiều khi người ấy bị cám dỗ không đáp ứng các nhu cầu của thực tại. Mặc dầu biết thế, người ấy tự do làm điều gì cuộc đời mong đợi nơi mình. Người ấy vừa là một người vâng phục nhất và cũng là người độc lập nhất, vì sự vâng phục của mình là vâng phục tự do. Như chúng ta đã thấy: yếu tính của cuộc đời là vâng phục.Sự vâng phục theo nguyên ngữ La tinh obaedire (ob-audire) là lắng nghe. Theo nghĩa đó, chúng ta có định nghĩa căn bản nhất của chính nền tảng của hiện sinh: lắng nghe tiếng gọi của hữu thể, đòi hỏi của thực tại, nhu cầu của cuộc đời, ràng buộc của hoàn cảnh, là chính nền tảng của sự xuất hiện trong thực tại trong hữu thể. Bởi đó, kinh nghiệm tự quyết trong nhân cách là một sự ý thức hoan hỉ và thanh thản, ý thức rằng mình tự do chọn lựa để trở nên vâng phục và lắng nghe, trong khi vẫn biết là mình có thể quyết định không làm như vậy. Người ấy không vâng phục vì bị cưỡng bách, vì áy náy, vì muốn được người khác đề cao hay vì muốn được người chung quanh quý chuộng, yêu mến, nhưng vì quyết định vâng phục một cách tự do trong khi có thể tự do từ chối. Một con người tôn giáo, nếu là một nhân cách đích thực thì rất tự do trong việc hiến dâng cuộc đời mình cho Thiên Chúa. Người ấy không phải theo Chúa vì đó là tập tục của xã hội hay vì sẽ bị khinh dễ nếu không đi nhà thờ. Sự dâng hiến chính mình cho tôn giáo chính là sự dâng hiến của tình yêu trong tự do và niềm vui chứ không phải vì tập tục, truyền thống hay vì nể sợ dư luận của người khác.

Kinh nghiệm về tự do.

Hiến vật cao cả nhất của con người là sự tự hiến trong tự do. Chỉ có nhân cách đích thực đã đạt đến cao độ của sự nhận thức về chính mình mới có thể tự hiến như vậy. Bởi đó, một khía cạnh khác của kinh nghiệm về chính mình là kinh nghiệm về sự tự do. Một nhân cách đích thực tự ràng buộc trong tự do và duy trì sự ràng buộc này cũng trong tự do. Đối với họ, tự do không có nghĩa là gạt bỏ hết mọi thứ ràng buộc một cách ấu trĩ. Trái lại, họ chấp nhận các sự ràng buộc ấy vì họ muốn chọn lựa và quyết định chấp nhận ràng buộc. Người nào không thể chấp nhận sự ràng buộc nào cả, cũng không thể tự do. Hắn là nạn nhân của các bản năng vốn luôn khuấy phá con người hắn. Hắn lẫn lộn tự do với sự buông thả. Sự tự do của nhân cách đích thực không phải là tự do khỏi điều gì nhưng là tự do để làm điều gì . Đó là sự tự do để dấn thân, để tự hiến, để tự nguyện phục vụ kẻ khác và phục vụ Đấng lớn hơn mình. Các điều này dĩ nhiên cũng đưa chúng ta đến việc suy nghĩ về ý thức trách nhiệm. Trách nhiệm là khả năng đáp ứng nhu cầu thực tại mót cách cá biệt và tự do, theo linh ứng của Thiên Chúa và sự nhủ bảo của Chúa Thánh Thần. Chỉ có một nhân cách sung mãn mới đáp ứng toàn vẹn. Nhân cách thiếu trưởng thành chỉ biết phản ứng, và phàn ứng này có thể là mù quáng, máy móc, thiếu suy nghĩ. Nhân cách đích thực đáp ứng với toàn thể tâm hồn và con tim, với lòng hăng say và yêu mến chân chính. Người ấy không có một sự phúc đáp nhưng là một sự phúc đáp. Đối với người ấy, trở nên một lời phúc đáp không còn gì là khó khăn nữa. Một trong những niềm vui của cuộc đời là kinh nghiệm liên tục về khả năng phúc đáp, với ân sủng của Thiên Chúa, mỗi hoàn cảnh mình gặp một cách vui tươi.

B. NHÂN CÁCH DƯỚI CÁI NHÌN KHÁCH QUAN

Chúng ta đã đưa ra vài đặc điểm của nhân cách đích thực như là kinh nghiệm về chính mình. Bây giờ chúng ta sẽ ghi nhận một vài khía cạnh khác của nhân cách dưới cái nhìn khách quan nghĩa là do sự nhận định của người ngoài cuộc. Người ta có thể mô tả nhân cách đích thực như thế nào? Có lẽ trước tiên người ta sẽ chú ý về tính cách độc đáo của đời sống, lề lối phô diễn và tác phong của nhân cách. Có một cái gì riêng biệt được bộc lộ trong một con người trưởng thành. Cả tư tưởng của họ cũng mang nét độc đáo. Nó là cái gì của riêng họ. Điều này không có nghĩa là tư tưởng của họ đối lập với tư tưởng của người khác, hoặc họ không chia xẻ tư tưởng của cộng đồng hay không chấp nhận truyền thống khôn ngoan. Tính cách độc đáo của nhân cách chỉ có nghĩa duy nhất này là: họ hấp thụ và suy nghĩ các tư tưởng của cộng đồng một cách đặc biệt. Họ đã thâu nhận kho tàng truyền thống một cách mới mẻ. Họ làm cho kiến thức của cộng đồng và xã hội thành của mình, bằng cách đào sâu và hấp thụ nó một cách tiệm tiến. Họ áp dụng kiến thức ấy một cách khôn ngoan vào đời sống của mình và làm cho nó sinh kết quả trong hoàn cảnh của mình. Kiến thức đó không phải là một cái gì chết, hay là một đống tài liệu lộn xộn vô nghĩa. Kiến thức của họ, dầu lớn hay nhỏ, vẫn là một kiến thức sống động, là sự khôn ngoan được hấp thụ và đã trở nên máu thít trong đời sống của họ. Bởi đó, cả một kiến thức đơn giản, hoặc nhỏ mọn nữa, mà họ có, đều mang dấu vết của cá tính họ. Một con người chưa thành nhân cách thường mang đặc điểm là có một thứ kiến thức khô cằn, chỉ biết "có và không". Trái lại, một nhân cách đích thực có một kiến thức được khai triển và thông hiểu cách sâu xa và hoàn toàn được hội nhập trong toàn bộ cuộc đời. Bởi đó mà một nhân cách đích thực luôn luôn đánh động người khác bởi cách diễn tả độc đáo đối với sự khôn ngoan chung mà người ấy thu nhận cách đặc thù và sáng tạo.

Sự toàn vẹn, viên mãn.

Một dấu hiệu khác có thể thấy được nơi một nhân cách đích thực là sự toàn vẹn. Toàn thể tác phong của người ấy cho thấy: mọi thể thức hiện hữu tạo thành một sự tổng hợp viên mãn. Thực sự, nhân cách là một tổng hợp các thể thức hiện hữu có thể xem như đối nghịch nhau nhưng lại làm thành một toàn thể hòa hợp nơi một con người trưởng thành. Sự viên mãn này, gồm sự hòa hợp và hội nhập, làm cho một nhân cách biểu lộ một sự duy nhất trọn hảo không phân chia cũng không gãy đổ. Trong mỗi khía cạnh của tác phong, người ta thấy được toàn thể con người. Lời nói và việc làm người ấy đi theo nhau như một bản hòa tấu mà chủ đề được liên tục nhắc lại. Đời sống người ấy là một sự cấu tạo tuyệt vời nơi đó chủ đề chính được lập lại bằng nhiều cách khác nhau. Người ấy phát triển một sự sung mãn nội tại, mặc dầu có thể khó nhận thấy đối với thế giới bên ngoài nhưng được thông giao liên tục. Người ấy là một con người có can đảm sống tạm thời với những lập trường thoạt tiên khó có thể dung hòa được và có thể làm cho họ mất thăng bằng trong một thời gian. Tuy nhiên, sư toàn vẹn căn bản, sợi dây liên kết cấu tạo nên duy nhất trong mọi việc làm, chắc chắn dẫn tới sự hòa hợp các thể thức hiện hữu có thể hòa hợp được.

Chiều hướng năng động

Đến bây giờ chúng ta chỉ cứu xét các yếu tố nhân cách theo khía cạnh tĩnh. Tuy nhiên chiều hướng năng động mới thực sự là thiết yếu đối với một nhân cách đích thực. Không bao giờ được coi nhân cách như một sản phẩm đã hoàn thành, một gói các đức tính đáng quý được cất kỹ trong kho tàng. Nhân các đích thực là phát triển, tăng trưởng và bành trướng. Chân lý này có thể áp dụng cho nhân cách tôn giáo. Nó không phải là một tình trạng người ta đã hoàn thành một lần cho tất cả, nên bây giờ chỉ có việc là ngồi nghỉ. Người ta không bao giờ ngưng trở thành một nhân cách. Người ta không bao giờ có thể nói: "Như vậy đã đủ. Tôi đã hoàn thành nhân cách của tôi. Bây giờ tôi có thể hưởng thụ”. Lúc mà người ta nhìn nhân cách mình dưới nhãn quan đó, người ta không còn là một nhân cách nữa, bởi vì người ta đã mất sự cởi mở năng động, vốn là một đặc tính của đời sống nhân bản đích thực. Đức tính của một nhân cách tôn giáo giống như một đóa hoa tươi. Khi người ta bứng nó ra khỏi đất, nó sẽ khô héo và chết đi. Trái cây rơi khỏi cành sẽ bị hư thối. Nếu nhân cách của một người chỉ trở nên đối tượng để mình tự thán phục, thì cũng giống như một thứ đồ cổ đem ra khỏi viện bảo tàng, nơi làm cho nó có ý nghĩa. Bản chất năng động của nhân cách đích thực bao hàm một lịch sử và một định hướng cho tương lai. Chúng ta hiểu lịch sử ở đây như là sự hiện điện sống động của quá khứ riêng biệt của mỗi người trong đời sống và sinh hoạt của mình. Định hướng về tương lai bao hàm cái nhìn của họ đối với tương lai, các lý tưởng và những sự mong chờ có tính cách thực tế. Nếu là một nhân cách đích thực, thì cả quá khứ lẫn tương lai đều hiện diện một cách sống động trong hoàn cảnh hiện tại. Sự hiện diện của quá khứ và tương lai trong quyết định hiện tại là một đặc tính của nhân cách tôn giáo theo một nghĩa đặc biệt: nhân cách tôn giáo tăng dần ý thức về chương trình của Chúa Thánh Thần. Chương trình này được bộc lộ trong kinh nghiệm quá khứ và các thúc đẩy của ân sủng để đưa đến một vài thực hiện của đời mình trong tương lai. Cuộc sống của người ấy trở nên một sự khám phá lý thú về chương trình mầu nhiệm của Thiên Chúa cho chính mình.

3. CÁC YẾU TỐ CẤU TẠO NHÂN CÁCH

Bây giờ chúng ta xét thêm về các yếu tố cấu tạo nhân cách như: ý chí, cảm tính, trí tuệ, hiện hữu trong thân xác và sự cố định trong hành động.

Ý chí.

Trước hết chúng ta hãy cứu xét ý chí. Nhân cách chỉ có thể là nhân cách bao lâu mà cuộc sống không dựa trên sự bấp bênh, vô định nhưng lựa trên sự thấu triệt và quyết định tự do. Chỉ có một chương trình sống được tự do chọn lựa trên cơ sở của thấu triệt mới là một dự định nhân bản và cá biệt. Chỉ có người có khả năng giữ khoảng cách đối với vô số những gì mà cuộc đời có thể hiến cho, mới thực sự trở nên một nhân cách. Chữ "khoảng cách" ở đây có nghĩa là người ấy không mù quáng nghe theo các sự thúc đẩy sơ khởi của bản năng, nhưng biết chờ đợi, biết hoãn lại việc tìm thỏa mãn những nhu cầu hay khát vọng của mình. Người ấy như đặt một khoảng cách tâm lý giữa kích thích và việc thỏa mãn kích thích. Nhờ khoảng trống mà người ấy tạo nên, người ấy có thể dừng lại, trầm tĩnh, cẩn thận suy nghĩ, cân lường điều phải trái. Chính vào giai đoạn này của kinh nghiệm mà ý chí. có thể can thiệp và đóng vai trò của nó. Như vậy, khoảng cách làm cho tự do có thể hoạt động. Khoảng cách nầy là nơi trú ngụ của quyết định, sự bắt đầu của một đời sống cá nhân, nguyên lý của nhân cách. Nó cho mỗi người có dịp đắn đo suy nghĩ về các điều gì mà cuộc đời có thể đem đến cho mình. Chính trong sự tự do này mà nhân cách quyết định phải trở nên điều gì và cách nào. Như vậy chúng ta thấy rõ: đức tính tối cần cho ý chí là sự luôn luôn sẵn sàng để đặt khoảng cách giữa mình và những yếu tố hết sức lôi cuốn trong một hoàn cảnh nào đó hoặc những phản ứng nhất thời đối với các yếu tố này. Đây là một trong những lý do tại sao một nhân cách duy trì khả năng đặt khoảng cách trong tình trạng sẵn sàng và uyển chuyển bằng những phương thế của một đời sống khổ chế.

Cảm tính.

Một yếu tố cấu tạo khác của nhân cách là cảm tính. Một nhân cách đích thực không bao giờ dứt bỏ mọi khả năng cảm xúc. Ngược lại, sự dễ cảm của họ giúp họ hiểu người khác tốt đẹp hơn. Người ấy biết phải chú ý đến cảm tính của mình như thế nào, hoặc phải sử dụng nó ra sao để nó thành nguồn mạch quý giá của kiến thức. Đời sống nhân linh không thể trở nên viên mãn nếu con người dồn nén cảm nghĩ và cảm xúc của mình. Chiều kích tâm cảm là một sắc thái rất quan trọng trong hiện hữu của con người. Nó đem đến cho nhân cách sự ấm cúng và tươi mát, sự sống động và hồn nhiên rất lôi cuốn.

Trí tuệ.

Khi chúng ta nói về trí tuệ của một nhân cách, chúng ta không muốn bảo: người ấy phải thông thái, phải là nhà khoa học hay bác học. Một người có thể trở nên nhân cách đích thực cả khi không có những điều kiện này, trong lúc một người khác có nhiều bằng cấp cao hay kiến thức rộng có thể chẳng phải là một nhân cách chút nào cả. Khi chúng ta nói một nhân cách đích thực phải thông minh, chúng ta chỉ muốn bảo là người ấy phải có một cái nhìn sáng suốt về mọi hoàn cảnh mình gặp phải. Một tầm nhìn sáng suốt thì không bị xáo trộn bởi thành kiến, âu lo và nông nổi, nhưng ít lệ thuộc vào tình trạng kiến thức hoặc bác học. Nhiều người học hành thông thái nhưng rất mù mờ trong việc đối xử với các hoàn cánh mỗi ngày. Trái lại nhiều phụ nữ ít học lại biết lo lắng cho chồng mình vốn là những nhà bác học nhưng rất mù mờ, không biết nhận định đúng mức về các hoàn cảnh cụ thể. Một cái nhìn sáng suốt minh mẫn trong đời sống hàng ngày có liên hệ với sự quân bình và thanh thản nội tại cùng sự sẵn sàng bình tĩnh đáp ứng các nhu cầu của thực tại chứ không phải những ảo ảnh xa vời do tưởng tượng và đam mê đem đến. Nhưng có điều nghịch lý là những người thông thái thường sống trên mây gió của trừu tượng hay trong tháp ngà của các lý tưởng cao siêu, nên họ có vẻ bất lực khi phải đương đầu với hoàn cảnh cụ thể, nơi đòi hỏi phải có những giải đáp cho những vấn đề cụ thể và những sự căng thẳng phức tạp. Nhân cách tôn giáo đích thực bộc lộ một thứ thông minh nào đó. Người ấy phát triển một cái nhìn sáng suốt, quân bình về thánh ý Chúa trên chính mình cũng như trên những người khác trong cuộc sống hằng ngày. Người ấy không bị mù quáng vì tưởng tượng, vì các thành kiến ti tiện của mình. Người ấy có khả năng giữ khoảng cách với chính mình để tránh khỏi những cảm xúc nông nổi bất thần. Bởi đó người ấy có thể nhìn thấy rõ ràng điều gì không đúng và điều gì phải làm trong một hoàn cảnh nào đó. Một tu sĩ chưa trở thành một nhân cách có thể đồng hóa các thúc bách vô lý của mình với sự linh ứng của Chúa Thánh Thần. Người ấy có thể coi các chương trình và tưởng tượng quá khích của mình như ý muốn của Thiên Chúa. Nói cách khác, một nhân cách có được sự thấu triệt khách quan vì đã giảm được sự chủ quan, hậu quả của tính ích kỷ. Đó là một ân sủng nhờ thế người ấy ngày càng được giải thoát khỏi tình trạng lấy mình làm trung tâm. Tình trạng này thường đưa đến phán đoán chủ quan với hậu quả là làm sai lệch sự nhận định về thực tại.

Hiện hữu trong thân xác.

Nhân cách cũng được nhìn nhận ở một mức độ nào đó bởi sự “nhập thể" của nó. Thân xác của mỗi người, không phải dưới khía cạnh vật chất nhưng như là sự biểu thị của đời sống nội tại, là một thành tố đích thực của nhân cách. Diện mạo, cử chỉ, điệu bộ và tư thế bộc lộ thực tại của một người. Sự độc đáo của mỗi người, các cảm hứng, thái độ đối với cuộc đời cũng được biểu thị qua sự hiện diện của thân xác Trong một nhân cách đích thực, chúng ta thấy có sự hoà hợp luôn gia tăng giữa hiện hữu cá biệt và lề lối tác phong của người ấy. Tuy nhiên, sự hòa hợp này phải là kết quả của một sự tăng trưởng hữu cơ và bộc phát. Không thể áp đặt cho một người nào một lề lối tác phong của thể xác mà không phù hợp với bản chất độc đáo của người ấy. Trái lại sự áp đặt giả tạo một lề lối hành động ngoại lai có thể làm ngăn trở sự phát triển lành mạnh của nhân cách. Nhiều khi các tu sĩ rơi vào sự sai lầm là muốn bắt chước người khác một cách không đích thực. Ví dụ một người á đông với nền văn hóa tĩnh và thụ động dè dặt muốn bắt chước một kiểu mẫu giao tế bộc phát và ồn ào của tây phương. Hay khi các tu sĩ, muốn bắt chước gương lành “trong sạch thiên thần” của thánh Luy Gonzaga, luôn luôn cúi nhìn xuống đất, chẳng dám nhìn người đối diện, ngay cả với mẹ mình!

Ổn định trong tác phong và hành động.

Ổn định trong tác phong và hành động là một đặc tính khác của nhân cách đích thực. Nơi họ, người ta thấy được một đường hướng hành động trong đời sống. Người ấy không bị lung lay bởi các thứ ảnh hưởng bên ngoài; trái lại người ấy biết mình đi đâu. Bởi đó, toàn thể con người họ biểu lộ một bầu khí ổn định, chắc chắn, kiên vững và bình an. Đối với một nhân cách tôn giáo, điều này có nghĩa là: cuối cùng người ấy đã khám phá chương trình của Thiên Chúa cho mình. Người ấy đã tìm được cách thức cầu nguyện và hiện diện trước Thiên Chúa cho riêng mình. Người ấy đã biết nhiệm vụ mà Chúa Quan Phòng đã giao phó cho mình. Người ấy đã tìm được chỗ đứng của mình trong lịch sử cứu rỗi, bởi đó họ thấu hiểu và chấp nhận một cách vui vẻ vai trò nhỏ bé của mình trong thảm kịch lớn lao của việc cứu chuộc. Nhân cách tôn giáo đích thực là đầy tớ trung thành, hằng ngày chu toàn công việc của Chúa và khi Chúa trở về vào một giờ không chờ đợi, Người vẫn gặp tôi tớ ấy luôn trung thành với bổn phận. Không nên lẫn lộn sự ổn định và cuồng tín. Người cuồng tín không ổn định, an bình và cởi mở, trái lại rất cứng rắn, căng thẳng và đóng kín. Người ấy đã bị đóng khung thay vì được định hướng. Sự ổn định đích thực bao hàm sự luôn luôn sẵn sàng điều chỉnh hướng đi của mình bao lâu bác ái, quyền bính hợp pháp hay thực tại hằng ngày đòi hỏi sự điều chỉnh đó.

Khi nhìn lại các đặc tính của nhân cách đích thực như chúng ta mô tả ở trên, chúng ta có thể thấy các đặc tính ấy như những biểu thị khác nhau của chính nhân cách. Nhân cách đích thực trong bản chất của nó là một nhân vị cá biệt và độc đáo, làm chủ chính mình trong sự ý thức về chính mình và chấp nhận chính mình. Sự chấp nhận này gồm cả ý thức và chấp nhận về giới hạn của mình. Hơn nữa, nhân cách hướng về sự duy nhất hóa và hội nhập chính mình. Nó phát triển nơi chính mình một sự duy nhất bao gồm quá khứ, hiện tại và tương lai, một sự hội nhập mọi thể thức hiện hữu có thể hòa hợp được, và một sự ổn định trong tác phong cũng như hành động. Tuy nhiên, nhân cách như một toàn thể được xếp đặt này không phải là cái gì cố định nhưng năng động. Nó phát huy chính mình trong cuộc sống bằng sự gia tăng tự quyết, tự do và trách nhiệm trong một sự đối thoại liên tục với hoàn cảnh sống.


Tác giả: Adrian Van Kaam C.S.Sp
Về Đầu Trang Go down
 
Nhân Cách Tôn Giáo
Về Đầu Trang 
Trang 1 trong tổng số 1 trang
 Similar topics
-
» Các mức độ và đặc điểm của nhân cách
» TIẾP CẬN NHÂN CÁCH THEO TÂM LÝ HỌC NHÂN VĂN
» Nhà Tâm lý học nhân cách và Tâm lý học xã hội
» Nhân cách trẻ
» Thần giao cách cảm có thật hay không?

Permissions in this forum:Bạn không có quyền trả lời bài viết
NGÔI NHÀ TRÁI TIM :: TÂM LÝ - GIÁO DỤC HỌC :: Kiến thức chuyên ngành :: Tâm lý học :: Tâm lý học nhân cách-
Chuyển đến