NGÔI NHÀ TRÁI TIM
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

NGÔI NHÀ TRÁI TIM

Hãy cho - Hãy nhận - Hãy sống bằng cả con tim
 
Trang ChínhTrang Chính  Latest imagesLatest images  Tìm kiếmTìm kiếm  Đăng kýĐăng ký  Đăng NhậpĐăng Nhập  

 

 BỆNH TỰ KỶ Ở TRẺ NHỎ

Go down 
2 posters
Tác giảThông điệp
chuong gio

chuong gio


Tổng số bài gửi : 14
Join date : 24/06/2009
Age : 33
Đến từ : Đồng Nai yêu thương

BỆNH TỰ KỶ Ở TRẺ NHỎ Empty
Bài gửiTiêu đề: BỆNH TỰ KỶ Ở TRẺ NHỎ   BỆNH TỰ KỶ Ở TRẺ NHỎ Icon_minitimeSat Jan 30, 2010 7:58 am

BỆNH TỰ KỶ Ở TRẺ NHỎ
I.Tự kỷ là gì?

Hiểu một cách đơn giản, tự kỷ là hội chứng rối loạn sự phát triển bình thường trong đó bao gồm sự khiếm khuyết về khả năng quan hệ xã hội, sự khiếm khuyết về khả năng giao tiếp (ngôn ngữ) và sự rối loạn về hành vi. Trẻ trai mắc bệnh này gấp 4 lần trẻ gái.
Những rối loạn này làm cho trẻ không có khả năng hoà nhập cộng đồng. Điều đó cho thấy mức độ ảnh hưởng của hội chứng này tới trẻ về mặt thể chất và tinh thần là rất đáng quan ngại.

II.Những dấu hiệu nhận biết trẻ mắc bệnh tự kỷ

Theo Tiến sĩ Trần Thị Thu Hà (Phó trưởng khoa Phục hồi chức năng-Bệnh viện Nhi Trung Ương) thì việc phát hiện sớm trẻ mắc phải hội chứng này không khó, và chỉ cần dựa trên một vài dấu hiệu cơ bản nhất.
Ta có thể nhận thấy một số dấu hiệu sau:

1.Khiếm khuyết về mặt quan hệ xã
Đây là đặc điểm trung tâm của bệnh tự kỷ. Trẻ mắc bệnh tự kỷ có khuynh hướng tránh tiếp xúc và ít biểu lộ sự lưu tâm đến giọng nói của người khác. Chúng không thay đổi tư thế hoặc không giơ tay khi sắp được bồng bế như trẻ bình thường. Biểu hiện cảm xúc thường thờ ơ, vẻ mặt không diễn cảm.
Ở trẻ tự kỷ có trí tuệ khá, dấu hiệu khiếm khuyết quan hệ xã hội có thể không rõ rệt cho đến năm 2 tuổi. Lúc nhỏ, trẻ có thể tránh tiếp xúc bằng mắt (eye contact), nhưng có thể chấp nhận nếu được vuốt ve và đặt ngồi trong lòng mẹ. Tuy nhiên, trẻ thường không phát triển hành vi gắn bó, không “theo đuôi” bố mẹ trong nhà như những trẻ bình thường khác
Hầu hết trẻ tự kỷ không sợ người lạ, không lo âu khi chia lìa bố mẹ. Không chơi chung với trẻ cùng tuổi và chủ động tránh những trẻ này. Khi lớn lên, trẻ có thể phát triển khả năng gắn bó với cha mẹ và những người lớn khác. Một số trẻ có thể chơi chung với bạn hoặc tham gia một số trò chơi vận động thể lực. Tuy nhiên trẻ vẫn khiếm khuyết về mặt xã hội. Trẻ thường ít quan tâm đến trò chơi nhóm và không thiết lập được quan hệ với bạn cùng tuổi
Những trẻ tự kỷ rất “ngoan” và cực kỳ dễ tính, cha mẹ đặt đâu thì ngồi yên đó. Trẻ thờ ơ với chung quanh và mọi việc, không sợ hãi khi người lạ ẵm bồng (thường thì ở tháng 7-8, trẻ đã biết lạ, khóc khi tiếp xúc với người không thân quen). Đặc biệt, trẻ không có một phản ứng nào khi cha mẹ bỏ đi; không có thái độ vồn vã, vui mừng (như quay đầu, đưa tay đòi bế, cười) khi gặp người thân quen… Khi được bồng bế, cơ thể bé như đờ ra, không có trương lực hoặc gồng cứng thái quá mà mặt không hề biểu lộ cảm xúc nào. Cũng có thể trẻ từ chối mọi sự tiếp xúc cơ thể như ẵm bồng, nựng nịu, vỗ về mà ngồi một chỗ, có khi chui vào góc kẹt, chỗ tối, mắt nhìn một chỗ, trống rỗng, vô hồn…

2.Gặp vấn đề trong giao tiếp

Khoảng 40% trẻ tự kỷ không nói được. Đa số có thể chậm nói (trẻ 16-17 tháng phải nói được các từ đơn), hoặc biết nói sớm nhưng sau đó lại thôi..
Trẻ có thể nói thuộc lòng những lời quảng cáo trên ti vi hoặc trong máy vi tính, nhưng không thể dùng lời nói để giao tiếp một cách có ý nghĩa hoặc có hiệu quả. Một số trẻ chậm phát triển ngôn ngữ và không thể giao tiếp với những nhu cầu đơn giản, nhưng cũng có khả năng đọc những chữ phức tạp . Nhiều trẻ tự kỷ ít bập bẹ trong năm đầu tiên. Nhiều trẻ gần như câm nín cho đến 5 tuổi. Khoảng 1/2 trẻ tự kỷ sẽ bị câm nín suốt đời.
Nếu trẻ phát triển lời nói, thường lời nói cũng sẽ có bất thường. Trẻ không hiểu lời người khác và cũng không biểu đạt được ý nghĩ của mình nên hay nói những câu, từ vô nghĩa hoặc không ăn nhập với hoàn cảnh. Trẻ có thể nhại lại lời nói của người khác một cách chính xác, nhưng thường ít hoặc chẳng hiểu được ý nghĩa của chúng. Nhại lời nặng có thể khiến câu cú bị méo mó và rời rạc. Khi được hỏi, nhiều trẻ không trả lời được mà nhại lại câu hỏi một cách máy móc (chẳng hạn, hỏi "cháu tên gì" thì cũng đáp là "cháu tên gì"). Một số trẻ có thể sao lại chính xác những cụm từ của người khác nói, đôi khi nhại đúng cả âm sắc giọng nói.
Trong giai đoạn đầu của sự phát triển ngôn ngữ, trẻ có thể có hiện tượng hoán đổi đại từ nhân xưng. Giọng nói có thể giống robot, đặc trưng bởi sự đơn điệu, phẳng lặng, không thay đổi, ít nhấn giọng và không diễn cảm.
Một số trẻ nói với mục đích “tự kích thích”, lời nói có tính chất lập đi, lập lại, không liên quan đến những việc thực sự đang diễn ra xung quanh. Trẻ nhỏ có thể gặp các vấn đề về phát âm, khi lớn lên tình trạng này có thể giảm.
Đối lập với khả năng nhại lời chính xác, những lời nói tự nhiên của trẻ lại có nội dung rất nghèo nàn, vốn từ ít ỏi. Bé có thể dùng kiểu nói như đang hát, kéo dài một số âm hoặc từ nào đó trong câu. Câu nói thường được kết thúc kiểu câu hỏi (lên giọng ở cuối câu). Cấu trúc ngữ pháp bất thường, không thành thục, thường gặp trong lời nói tự nhiên của trẻ.
Trẻ tự kỷ có thể đặt tên riêng cho đồ vật theo cách của mình, hoặc dùng những từ riêng mà người khác không thể hiểu được .Nhưng bé không biết sử dụng hoặc sử dụng không đúng các giới từ, liên từ và đại từ. Trẻ có khuynh hướng không sử dụng lời nói để giao tiếp. Thường nói rập khuôn, lập đi lập lại. Không biết dùng lời nói để diễn tả ý trừu tượng. Không biết nói về chuyện quá khứ, chuyện tương lai hoặc chuyện không xảy ra trước mắt.
Tiến bộ hơn, một ít trẻ tự kỷ có thể nói về điều trẻ quan tâm, nhưng một khi người lớn đáp ứng và bắt đầu nói chuyện với trẻ thì trẻ lại bỏ dở và rút khỏi cuộc nói chuyện ấy. Nói chung, trẻ vẫn thiếu khả năng tương tác qua lại.
Trẻ có thể giỏi trong một số lĩnh vực (ví dụ chơi lắp ghép, đếm số, âm nhạc) nhưng kỹ năng nói và giao tiếp vẫn thấp so với lứa tuổi.
Trẻ không hoặc ít tiếp xúc bằng ánh mắt .Trẻ có thể lặp đi lặp lại nhiều chữ không hợp lý và ít hiểu những khái niệm trừu tượng (ví dụ nguy hiểm) hoặc những cử chỉ biểu tượng (ví dụ vẫy tay chào), thường được gọi là “giao tiếp biểu tượng nghèo nàn”. Trẻ nhỏ không biết chỉ đồ vật bằng ngón tay trỏ. Trẻ khó làm chủ cường độ và âm lượng giọng nói.

3.Chơi tưởng tượng

Trẻ tự kỷ thường sống khép kín, trầm lặng, lãnh đạm hoặc thờ ơ với việc thiết lập quan hệ xã hội. Không quan tâm hoặc có ác cảm với các hoạt động thể chất. Trẻ thường chơi tưởng tượng từ 2-2 tuổi rưởi trong các trò chơi đồ hàng, chơi súng hoặc đồ chơi bác sĩ . Việc hướng dẫn trẻ tự kỷ biết chơi một trò nào đó thường rất gian nan. Trẻ không biết dùng đồ chơi, chỉ cầm lên đập đập rồi ném, hoặc chơi không đúng chức năng Trẻ tự kỷ có khả năng tưởng tượng nghèo nàn và thường chơi một cách khác thường, thường chỉ chơi một hoặc một vài trò chơi. Trẻ có thể quay một đồ vật hoặc chơi kiểu lặp đi lặp lại (ví dụ xếp hàng xe ô tô hoặc khối). Vài trẻ có vẻ chơi tưởng tượng nhưng thường chơi cách thuộc lòng hoặc giới hạn. Trẻ tự kỷ thường không thích chơi với bạn bè mà chỉ thích chơi một mình. Không đa dạng trong cách chọn trò chơi, chỉ theo một mô típ. Kỹ năng chơi hạn chế, lặp đi lặp lại một động tác. Chơi những đồ vật bất thường như tăm, đũa, điều khiển ti vi.... Gần 100% trẻ tự kỷ xem quá nhiều quảng cáo trên ti vi, tay chân hay vê xoắn, hay đi vòng quanh không có mục đích.

4.Có hành vi kỳ lạ:
a. Những sự gắn bó bất thường
Nhiều trẻ tự kỷ có sự gắn bó mạnh mẽ với những đồ vật khác thường, ví dụ một món đồ chơi nào đó như trái banh chẳng hạn.
Trẻ có thể luôn mang theo món vật nào đó bên mình, và nếu có ai đó lấy vật này đi thì trẻ sẽ giận dữ, phản kháng lại ngay. Nếu vật này vẫn không được trả lại, trẻ thường sẽ quay sang tìm kiếm một món đồ khác để thay thế.
Các đáp ứng không bình thường với những trải nghiệm giác quan
Trẻ tự kỷ có thể bị mê hoặc bởi các bóng đèn, các hoa văn, những vật có chuyển động xoay tròn, hoặc một thứ âm thanh nào đó.
Trẻ thao tác trên đồ vật, đồ chơi không theo các cơ năng thông thường của món đồ đó, mà như để thỏa mãn sự kích thích của các giác quan.
Trẻ có thể kiên trì làm đi làm lại các thao tác xếp đồ vật thành hình dài, xếp chồng đồ vật lên nhau hoặc xoay một món đồ để nó xoay tròn. Trẻ cũng có thể làm đi làm lại những việc như dội nước bồn cầu hoặc liên tục tắt mở các bóng đèn.
Tuy tránh né các tiếp xúc cơ thể, nhưng một số trẻ tự kỷ rất thích các trò chơi mạnh bạo, ví dụ: tung hứng, cù lét, đánh đu, “bay tàu bay”…
b. Rối loạn về vận động
Các mốc chuyển tiếp trong quá trình phát triển vận động của trẻ tự kỷ có thể bị chậm trễ hơn các trẻ bình thường. Các em thường gặp khó khăn trong việc bắt chước các động tác. Nhiều trẻ rất hiếu động, nhưng sẽ giảm bớt khi đến tuổi thiếu niên.
Trẻ hay nhăn nhó, vỗ đập cánh tay, xoắn vặn bàn tay, đi nhón gót, chạy chúi đầu về phía trước, nhảy, đi đều bước, lắc lư hoặc đu đưa thân mình, xoay đầu hoặc đập đầu xuống đất, vào tường.
Một số trẻ có trạng thái căng cơ khi phấn khích hoặc khi quá chăm chú.
c. Các khiếm khuyết về trí tuệ và nhận thức
Hầu hết trẻ tự kỷ đều có chậm phát triển trí tuệ. Khoảng 40-60% có IQ < 50. Chỉ khoảng 20-30% có IQ >= 70. Do đa số trẻ tự kỷ khó làm các test trí tuệ (nhất là các test dùng lời nói) nên các kết quả IQ vẫn còn bàn cãi .
Trẻ tự kỷ có IQ thấp thường kèm theo các khiếm khuyết nặng về kỹ năng quan hệ xã hội và có nhiều đáp ứng xã hội lệch lạc, cẳhng hạn trẻ hay sờ mó hoặc ngửi đồ vật và người khác, có những hành vi định hình và tự gây thương tích bản thân.
1/3 trẻ tự kỷ có chậm phát triển trí tuệ sẽ bị động kinh, còn trẻ tự kỷ có trí tuệ khá thì tỷ lệ này thấp hơn. Vì vậy, những bài trắc nghiệm IQ cũng phần nào có ý nghĩa tiên lượng mà thôi.
Khác với những trẻ chậm phát triển tâm thần, tình trạng chậm phát triển của trẻ tự kỷ vẫn còn chừa lại những “khoảng” trí tuệ bình thường hoặc gần như bình thường (thể hiện trong phần thao tác của các test trí tuệ).
Về nhận thức, trẻ tự kỷ không thể bắt chước, không hiểu ý nghĩa của lời nói, cử chỉ và điệu bộ, thiếu hẳn tính uyển chuyển, sáng tạo, không thể hiểu biết về luật lệ, không thể xử lý hoặc sử dụng các thông tin.

d.Chống lại sự thay đổi
Trẻ tự kỷ thường khó chịu trước những thay đổi trong môi trường sống quen thuộc của chúng. Một sự thay đổi nhỏ trong thông lệ thường ngày có thể làm trẻ nổi giận.
Nhiều trẻ hay xếp đồ chơi và vật dụng thành hàng dài và rất khó chịu nếu như trật tự này bị thay đổi. Hiện tượng này gặp ở trẻ tự kỷ có chậm phát triển trí tuệ nhiều hơn gấp hai lần so với trẻ tự kỷ có trí thông minh bình thường.
Hầu hết trẻ tự kỷ đều chống lại việc học và thực hành một hoạt động mới.
Hành vi mang tính nghi thức, thúc ép
Các hành vi mang tính nghi thức, thúc ép ở trẻ tự kỷ thường liên quan đến những thông lệ cứng nhắc như: từ chối ăn một loại thức ăn nào đó; hoặc những hành vi có tính rập khuôn, lặp đi lặp lại (VD: vung vẩy hai cánh tay, hoặc đưa bàn tay lên gần mặt rồi xoắn vặn hoặc bật bật các ngón tay…)
Khi lớn lên, trẻ có thể có các hành vi mang tính ám ảnh, chẳng hạn hỏi đi hỏi lại cùng một câu hỏi, hay sờ đụng vào một số đồ vật nào đó…
Các hành vi mang tính nghi thức, thúc ép thường xảy ra ở bệnh nhân tự kỷ không bị chậm phát triển trí tuệ hơn là bệnh nhân có trí tuệ kém
e.Các rối loạn khác
Ở trẻ tự kỷ, những biểu hiện cám xúc nhiều khi diễn ra rất trái ngược: có khi khí sắc phẳng lặng, có lóc cảm xúc lại quá mức hoặc không phù hợp. Bé có thể mau thay đổi, khóc cười vô cớ hoặc la hét khó kiểm soát.
Trẻ cũng có thể leo trèo, chạy nhảy không sợ nguy hiểm, nhưng lại có thể sợ những sự vật hoặc tình huống mà bình thường là vô hại, ví dụ sợ các thú nuôi (chó, mèo…) hoặc sợ đến một nơi chốn nào đó.
Xuất hiện những thói quen kỳ dị: nhổ tóc, cắn móng tay, cườm tay, cổ tay hoặc các phần khác của cơ thể. Các thói quen này thường gặp ở trẻ tự kỷ có chậm phát triển, tự xoay người vòng vòng mà không bị chóng mặt.
Tình trạng động kinh xảy ra ở 1/4 đến 1/3 trường hợp. Thường cơn đầu tiên xảy ra ở tuổi thiếu niên.Những trẻ tự kỷ có khuynh hướng định hình - định tính mọi việc có liên quan đến mình. Có thể đây là nhu cầu tối cần thiết nhằm duy trì một trật tự, một môi trường chung quanh y hệt như cũ để tự thỏa mãn và có cảm giác an toàn. Vì vậy, trẻ có thể phản ứng mãnh liệt nếu ai đó lấy đi một món đồ chơi kỳ dị, cái gối cũ, một cái áo sờn rách… của nó. Sự thay đổi kiểu tóc, quần áo của người trực tiếp chăm sóc cũng có thể gây ra phản ứng như trên
Ở những trẻ này, thường xuất hiện những động tác được thực hiện lặp đi lặp lại thành nhịp (gật đầu liên tục, đập cằm xuống bàn, lắc lư thân mình, vặn xoắn tay chân, nhấp nháy mắt) và các hành vi bất thường (đánh hơi đồ ăn thức uống, đồ vật trước khi ăn hay tiếp xúc). Có khi trẻ cười sằng sặc kéo dài, hoặc khóc lóc không dừng được (xen lẫn những giai đoạn mệt lả hay kích động hành vi). Ngoài ra, trẻ cũng hay cười ngây ngô vô cớ, vùng chạy bất chợt, hành vi kỳ quặc, dị hợm, gây hấn với người thân
Nói về hiện tượng thần đồng ở trẻ em, tiến sĩ Thu Hà cũng cảnh báo rất có thể trẻ thần đồng là trẻ mắc phải hội chứng tự kỷ "bởi thực tế trẻ tự kỷ có rất nhiều khả năng bất thường mà những trẻ khác ở cùng lứa tuổi không có" như có khả năng đọc sách đọc báo dù chưa được dạy, hoặc khả năng nhớ số điện thoại, đọc chữ số lên tới hàng vạn hàng triệu… Tiến sĩ cho biết trong các trường hợp đến chẩn đoán tại Bệnh viện Nhi Trung ương, có vài trẻ cách đây mấy năm gây xôn xao báo chí và dư luận về những khả năng đặc biệt của mình nhưng đến giờ chúng vẫn không thể theo học trường lớp như các trẻ bình thường khác. Đây chính là lời cảnh báo cho các bậc cha mẹ luôn phải theo sát con mình và không vội chủ quan khi phát hiện thấy con có những biểu hiện khác lạ.

III. Hậu quả của bệnh tự kỷ

Thu Mai cầm miếng bìa chữ nhật màu đỏ đưa ra trước mặt cậu bé chừng năm tuổi, nhẹ nhàng hỏi: “Màu gì đây con?”.Câu hỏi được lặp lại tới lần thứ ba mà cậu bé vẫn nhìn ra cửa sổ, tay nắm chặt cây bút chì không ngừng xoáy những vòng tròn vào cuốn vở trên bàn. Cậu không chú ý cả vào cây bút lẫn cô giáo. Mười phút sau, cậu mới lơ đãng quay lại, bất ngờ đập bàn hét toáng lên: “Á á á...!”.
Trong những năm gần đây, việc phát hiện ra các trường hợp trẻ tự kỷ tăng lên nhanh chóng. Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, số lượng trẻ tự kỷ đến trị liệu phục hồi chức năng tăng gấp 3 lần so với cách đây vài năm. Tuy vậy, chỉ có một vài bệnh viện tuyến trên mới có khả năng can thiệp điều trị cho trẻ tự kỷ, và con số các trung tâm trẻ khuyết tật tham gia vào việc can thiệp điều trị cũng còn rất khiêm tốn. Trong khi đó, tỉ lệ mắc phải hội chứng này ở trẻ không hề nhỏ (và tỷ lệ mắc phải ở bé trai cao gấp 3-4 lần bé gái). Nếu làm một phép tính đơn giản cũng có thể thấy đang có hàng ngàn trẻ em Việt Nam bị tự kỷ mà bản thân gia đình các em không biết. Hơn thế, hấu hết các bệnh viện tuyến dưới chưa có khả năng phát hiện và can thiệp với hiểu biết về hội chứng này ở người dân chưa cao nên số trẻ tự kỷ thực tế chắc chắn cao hơn nhiều, đặc biệt là ở nông thôn. Các bác sĩ chuyên môn về hội chứng tự kỷ ở trẻ em cũng đưa ra lời khuyên "trẻ từ 18 đến 36 tháng tuổi nếu được sớm phát hiện và can thiệp điều trị thì có 30% khả năng sẽ trở lại trạng thái bình thường. Quá độ tuổi này, việc can thiệp sẽ gặp khó khăn và lâu dài hơn rất nhiều". Hậu quả của Hội chứng tự kỷ rất nghiêm trọng: Nó ảnh hưởng không chỉ bản thân đứa trẻ, gia đình mà còn ảnh hưởng đến xã hội. Một đứa trẻ tự kỷ nếu được phát hiện và can thiệp sớm thì 30% có cơ hội khỏi hoàn toàn, 70% còn lại phát triển nói chung là tốt, có thể có trẻ giao tiếp được bằng lời nói hoặc không thể giao tiếp bằng lời nói, nhưng ý thức được hành vi và độc lập được cuộc sống. Còn trẻ tự kỷ không được phát hiện sớm, hoặc phát hiện sớm nhưng gia đình không chấp nhận can thiệp và rơi vào tình trạng nặng, kèm theo chậm phát triển trí tuệ thì sau này sẽ dẫn đến tình trạng rối loạn tâm thần. Tự kỷ là một hội chứng không nguy hiểm đến thế chất nhưng có ảnh hưởng lớn đến tương lai của các trẻ em bị tự kỷ sau này. Có thể nói nếu như không được điều trị, hầu hết trẻ không bao giờ có thể giao tiếp hoặc sống cuộc sống bình thường. Lớn lên, chúng sẽ rở thành người đần độn, ngớ ngẩn, hâm hấp, lơ ngơ như bò đội nón", ăn nói rất kém cỏi, chân tay vụng dại, chậm hiểu, chỉ làm được những việc chân tay đơn giản. Xét về bảng phân loại bệnh tật của Tổ chức y tế thế giới rất có thể trẻ tự kỷ sẽ trở thành bệnh nhân tâm thần.
Kết luận mới đây của các nhà khoa học Mỹ cho rằng : Khi so sánh những trẻ mắc bệnh tự kỷ và trẻ không mắc bệnh này từ 8-15 tuổi, tất cà trẻ này đều có khả năng nói, đọc và viết, các nhà khoa học phát hiện những trẻ mắc bệnh gặp nhiều rắc rối hơn khi thực hiện các nhiệm vụ phức tạp, chẳng hạn như phân biệt sự khác nhau giữa những người trông có vẻ giống nhau hay buộc dây giày. Điều này cho thấy nhiều khu vực của não trẻ đã bị ảnh hưởng. Thông thường, các bệnh nhân tự kỷ được xác định là những người có các vấn đề trong giao tiếp với người khác, cả giao tiếp bằng lời nói và không lời nói. Họ cũng có thể có những hành vi lặp đi lặp lại và đặc biệt chú ý vào những điều họ thích. Tuy nhiên nghiên cứu mới đây cho thấy bệnh tự kỷ có thể ảnh hưởng đến cả sự nhận thức giác quan, hành vi và trí nhớ do bệnh cản trở nhiều phần khác nhau của não - những phần này làm việc với nhau để thực hiện những nhiệm vụ phức tạp. Nancy Minshew, một chuyên gia thần kinh và tâm thần tại Trường ĐH y Pittsburgh và là trưởng nhóm nghiên cứu cho rằng các nhà nghiên cứu cần quan tâm xem xét nguyên nhân vì sao bệnh tự kỷ lại ảnh hưởng đến nhiều vùng não như vậy thay vì chỉ đơn giản xem xét mối liên quan giữa các vùng não này với vấn đề giao tiếp và những hành vi lặp lại hay các sở thích ám ảnh người bệnh, từ đó có cái nhìn đúng đắn hơn về căn bệnh này và có cách xử trí thích hợp.
Có đến lớp học trị liệu của các cháu tự kỷ và bại não Bệnh viện Nhi Trung ương và chứng kiến những gương mặt, những ánh mắt ngơ ngác, những cử chỉ vụng về... của các em mới thấy được phần nào hậu quả của hiệu chứng này. Dù ngày nắng hay ngày mưa, bố mẹ vẫn đưa các em đến đây, để các em được hướng dẫn học những hành vi bình thường nhất như tập ăn, tập xúc,… trong 45’ ngắn ngủi của buổi tập. Mỗi ngày tập là một ngày những người bố người mẹ ấy lại thêm một niềm hy vọng con mình sẽ trở lại bình thường, sẽ hoà nhập được với cộng đồng và xã hội. Bởi tương lai trẻ tự kỷ sẽ đi về đâu? Điều đó không phải ai cũng biết được, chỉ có những bậc cha mẹ có con đang mắc phải hội chứng này mới cảm thấy được hết nỗi xót xa khi nhìn con mình không vui tươi đến lớp đến trường như bao đứa trẻ bình thường khác. Nếu không được trị liệu phục hồi chức năng, nhiều em bé sẽ mãi là những đứa “trẻ sơ sinh” kể cả khi đã lớn!

IV. Nguyên nhân của bệnh tự kỷ

Hiện tại trên thế giới người ta vẫn đang nghiên cứu nguyên nhân dẫn đến tự kỷ. Nhưng có thể nói rằng người ta đưa ra 3 giả thuyết về nguyên nhân cơ bản sau:
1. Tổn thương não thực thể:

Có thể xảy ra trước khi sinh, do bà mẹ bị nhiễm siêu vi trùng trong 3 tháng đầu mang thai và các bệnh khác trong thời kỳ mang thai. Hoặc xảy ra trong khi sinh như: Trẻ sơ sinh đẻ non, bị ngạt hoặc vàng da nhân. Hoặc trẻ sau sinh như: Trẻ suy hô hấp phải thở máy, thở ô xy...Nguyên nhân này chiếm tỷ lệ khá lớn
2. Di truyền (gien):

Nghiên cứu qua các bệnh nhân đã điều trị thì thấy rằng yếu tố di truyền cũng là một trong những nguyên nhân của Hội chứng tự kỷ. Thực tế chữa bệnh ở Viện nhi Trung ương đã có trường hợp 2 trẻ mắc Hội chứng tự kỷ trong cùng một gia đình. Hoặc có gia đình thì bà ngoại, dì ruột đều tự tử, cháu bị tự kỷ. Có gia đình thì 6 người đàn ông trong nhà không nói chuyện với nhau, lầm lũi như những cái bóng và có một đứa cháu bị tự kỷ...
Joseph Buxbaum ở trường Đại học Y Mount Sinai, New York, cùng các nhà nghiên cứu đã tiến hành đánh giá việc sử dụng phương pháp khuếch đại thăm dò đa thành phần (MLPA), được phát triển để nghiên cứu ADN hỗ trợ nghiên cứu di truyền .Trong nghiên cứu này, các nhà khoa học đã sử dụng phương pháp MLPA với một nhóm 279 đứa trẻ mắc chứng tự kỷ. Họ tìm kiếm triệu chứng bất thường gây ra tổn thương về nhận thức. Khi những triệu chứng bất thường về mặt di truyền gây ra chứng tự kỷ được xác định, cần phải thăm dò kỹ hơn bằng phương pháp chiếu chụp.
Các nhà nghiên cứu cũng đã xác định được một số yếu tố thay đổi mới về di truyền có ảnh hướng tới chứng tự kỷ, chẳng hạn như sự nhân đôi thừa (dôi ra các bản sao về vật chất di truyền) trong các nhiễm sắc thể 15 và 22, đây là nhân tố làm tăng hoặc biến đổi các triệu chứng tự kỷ.

3. Môi trường:

Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến tự kỷ. Có thể do ô nhiễm môi trường như hoá chất, bụi khói... Một số gia đình có lối sống quá hiện đại như: thiếu sự quan tâm của bố mẹ, trẻ phải ở với người giúp việc đa số thời gian trong ngày, trẻ không được giao tiếo ra bên ngoài mà chỉ ở nhà xem ti vi...đó là ô nhiễm về lối sống . Nhiều bậc cha mẹ vì mải làm ăn nên thường phó mặc con cái cho ông bà hoặc thậm chí cho "Osin" trông, và một đứa trẻ lớn lên không có sự hoà nhập sẽ dễ trở nên thích cô lập và không quan tâm đến thế giới xung quanh.

V. Tự kỷ có chữa được không.

Để khắc phục hội chứng tự kỷ ở trẻ, các nhà chuyên môn phảI dùng đến các biện pháp “can thiệp sớm”. Gọi là “can thiệp sớm”, chứ không gọi là “điều trị” để tránh ngộ nhận rằng sẽ cho trẻ uống thuốc để khắc phục hội chứng tự kỷ. Kỳ thực, các nhà chuyên môn sẽ kết hợp những biện pháp khác nhau như y tế, giáo dục để can thiệp, tác động vào tâm lý trẻ. Tại Việt Nam, Khoa phục hồi chức năng viện Nhi Trung ương đã thiết kế ra một mô hình can thiệp sớm Hiện tại, Khoa phục hồi chức năng viện Nhi Trung ương điều trị rất nhiều trẻ tự kỷ cũng như các trẻ tàn tật khác. Ngoài ra, Hội cứu trợ trẻ em TP Hà Nội thành lập Trung tâm hy vọng số 1 (nhà 35, ngõ 84 Trần Quang Diệu, Đống Đa, Hà Nội) và phòng khám nhi ABCD (29 - Giang Văn Minh - Kim Mã - Ba Đình - Hà Nội). .
Đáng mừng là não bộ ở con người khi còn rất nhỏ tuổi có khả năng tự thích nghi, điều chỉnh những khiếm khuyết của mình và kỹ năng giao tiếp, vì thế, áp dụng các liệu pháp tâm lý có thể dạy được cho những trẻ em tự kỷ.
Những nhà tâm lý học và bác sĩ khoa tâm thần cho biết "nếu phát hiện sớm và điều trị tập trung, đúng cách có thể cải thiện được điều kiện sống của hầu hết, nếu không nói là tất cả trẻ em bị tự kỷ". Những nghiên cứu cho biết, nếu được phát hiện sớm và can thiệp sớm thì 30% trẻ tự kỷ có cơ hội khỏi hoàn toàn, 70% còn lại có thể phát triển tốt.
Tự kỷ không cần chữa bằng thuốc, tuy đôi khi cũng dùng thuốc an thần chẳng hạn để hỗ trợ, góp phần điều trị một triệu chứng nào đó như hành vi hung hăng hoặc sự mất tập trung ở trẻ.
Chương trình điều trị hội chứng tự kỷ, với mục đích dạy giao tiếp và đưa trẻ trở lên với xã hội, với cộng đồng, huấn luyện cho chúng những kỹ năng sống là một chương trình tổng hợp, từ dạy nói, trị liệu bằng những phương pháp vật lý, trị liệu bằng âm nhạc, thay đổi thực đơn, trị liệu chuyên nghành (occupational therapy), trị liệu bằng phương pháp nghe - nhìn... chương trình chăm sóc và rèn luyện ấy đòi hỏi phải có những giáo viên có phương pháp sư phạm tốt, có kinh nghiệm, hết sức nhẫn nại, kiên trì, thực sự thương yêu các học sinh "đặc biệt" của mình.
Khả năng phục hồi của trẻ tự kỷ phụ thuộc vào thời điểm can thiệp thích hợp nên đòi hỏi gia đình phải can thiệp sớm để đưa trẻ đến những trung tâm điều trị, tốt nhất là khi trẻ từ 18 đến 36 tháng tuổi, khi não ở thời kỳ phát triển nhanh nhất. Nội dung can thiệp và sự kiên trì của bố mẹ các em là điều hết sức quan trọng. Chương trình "chuẩn" của thế giới quy định việc điều trị phải là "một thầy một trò", tiến hành hết sức tập trung trong nhiều đợt, mỗi đợt 6 tháng liên tục.
Sự phối hợp của gia đình theo hướng dẫn của các chuyên gia tâm lý là rất quan trọng. Chắc chắn vì tương lai của con cái, chẳng vị phụ huynh nào thiếu kiên nhẫn theo đuổi việc điều trị công phu này.
Trên thế giới không ít những người tự kỷ rất thành công. Cô Temple Grandin (Mỹ) thuở nhỏ bị tự kỷ nặng (hiện vẫn còn di chứng và vẫn phải tập luyện hàng ngày) đã kiên trì học xong Đại học, lấy được bằng tiến sỹ, có chồng con và được bổ nhiệm làm giáo sư của chính nhà trường. Cô là tác giả cuốn sách nổi tiếng: " Suy nghĩ bằng hình ảnh và những câu chuyện khác từ cuộc đời sống chung với chứng tự kỷ của tôi" đã trở thành Best - Seller một thời.
Theo như Tiến sĩ Thu Hà thì ngoài tầm quan trọng của thời điểm phát hiện hội chứng, việc kiên trì cho trẻ luyện tập mới là yếu tố quyết định khả năng phục hồi nhìêu hay ít. Nếu hiểu rằng tự kỷ là một hội chứng phức tạp về cả tâm thần, tâm lý, vận động thì sẽ hình dung được quá trình can thiệp điều trị là một quá trình rất lâu dài, "phải cần thời gian can thiệp tối thiểu là 6 tháng liên tục với 8h một ngày, 5 ngày một tuần và 22 ngày một tháng thì khả năng phục hồi cho trẻ mới đạt hiệu quả”, TS Thu Hà cho biết thêm. Vì thế, không ít gia đình nản lòng và đã bỏ cuộc khi mới cho con đến điều trị một thời gian. Như chị L, (Đống Đa, Hà Nội) cho biết: “Cách đây một năm chị đã cho cháu đi khám và phát hiện triệu chứng rồi. Nhưng vì công việc quá bận nên không cho cháu đi tập thường xuyên được, bây giờ tình hình của cháu xấu đi nhiều!”. TS Thu Hà còn cho biết có trường hợp trẻ được điều trị có biểu hiện rất tốt nhưng do gia đình nóng vội cho cháu nghỉ tập, mấy năm sau quay lại thì tình trạng của cháu đã rất xấu và hy vọng phục hồi là rất ít. Do đó khi phát hiện con mình bị tự kỷ, các gia đình cần cho các cháu đến các trung tâm để can thiệp và điều trị trong một thời gian dài. Chỉ có như vậy khả năng phục hồi sự phát triển ở trẻ mới có hiệu quả. Hơn nữa, việc điều trị sẽ giúp trẻ có khả năng cải thiện được hành vi và phần nào giảm được những khó khăn trong cuộc sống đối với chính đứa trẻ và gia đình sau này.

VI.Cần nâng cao sự hiểu biết của các bậc cha mẹ

Không ngạc nhiên khi có nhiều bậc cha mẹ lần đầu tiên biết đến hội chứng tự kỷ ở trẻ nhỏ khi con mình được bác sĩ chuẩn đoán. Theo tiến sĩ Thu Hà, sự chủ quan của các bậc phụ huynh là nguyên nhân lớn dẫn đến việc trẻ tự kỷ không được can thiệp sớm để trở lại trạng thái bình thường. Tâm lý “Thánh Gióng 3 tuổi mới biết nói” đã khiến nhiều người coi thường dấu hiệu chậm nói của con mình. Hoặc có những gia đình không chú ý đến những biểu hiện bất thường của con cái, như chị Phương (Từ Liêm, Hà Nội) "Lúc đầu thấy cháu cả ngày chỉ ngồi chơi ô tô lại nghĩ cháu… chơi ngoan không quấy bố mẹ", trong khi sự quá tập trung vào một đồ vật nhất định cũng là dấu hiệu của hội chứng này. Ngoài ra, theo các bác sĩ Nhi khoa, đến 24 tháng tuổi mà trẻ chưa nói được hoặc nói được rất ít từ thì cần phải nghi ngờ đến hội chứng tự kỷ. Do thiếu hiểu biết, nhiều gia đình thấy con chậm nói lại tìm đến những phương pháp "truyền miệng" dân gian như cho con "trồng cây chuối" hoặc tìm đến các thầy châm cứu, bấm huyệt, các thầy thuốc đông y và thậm chí là cả… thầy cúng! Anh M.Đ (Ba Đình, Hà Nội) có con trai hơn 2 tuổi mà chưa biết nói, nghe người quen nói "cháu bị "ông đấm mồm đấm miệng bắt đi nên phải năng lễ bái” anh cũng sợ. Chẳng biết lễ bái có thiêng không, chỉ biết giờ đây khi con lên 4 tuổi rồi mà vẫn còn ú ớ, anh mới hốt hoảng đưa cháu đi điều trị. Vì thế mà vai trò của cha mẹ trong những trường hợp này là vô cùng quan trọng, phải biết, phải hiểu rõ về căn bệnh mới có thể nhận biết hoặc giúp con trẻ vượt qua hoặc tránh khỏi căn bệnh này.
Về Đầu Trang Go down
Đỗ Văn Sự

Đỗ Văn Sự


Tổng số bài gửi : 162
Join date : 22/06/2009
Đến từ : DUNG QUẤT(QUÃNG NGÃI)+LONG HÃI (VŨNG TÀU)

BỆNH TỰ KỶ Ở TRẺ NHỎ Empty
Bài gửiTiêu đề: note....???   BỆNH TỰ KỶ Ở TRẺ NHỎ Icon_minitimeSat Feb 27, 2010 9:13 pm

xin lỗi bạn bí yêu dấu....bạn đã đăng bài sai vị trí rồi....bài này sự nghĩ bạn nên đăng ở mục tâm lý học trị liệu, hoặc tâm bệnh học trẻ em, hoăc tâm lý học phát triển nhé.....
còn trong này là đăng kết quả thảo luận nhóm hoặc bài làm nhóm của các bạn thôi....
ddht
Về Đầu Trang Go down
http://NGOINHATRAITIM.TK
 
BỆNH TỰ KỶ Ở TRẺ NHỎ
Về Đầu Trang 
Trang 1 trong tổng số 1 trang
 Similar topics
-
» bệnh sợ nói...
» Bệnh tâm lý là gì?
» TÂM LÝ BỆNH HỌC VỀ NGHIỆN MA TÚY Ở TUỔI THIẾU NIÊN
» chăm sóc bệnh nhân ung thư
» Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP. Hồ Chí Minh

Permissions in this forum:Bạn không có quyền trả lời bài viết
NGÔI NHÀ TRÁI TIM :: TÂM LÝ - GIÁO DỤC HỌC :: Kiến thức chuyên ngành :: Tâm lý học :: Tâm lý học trị liệu-
Chuyển đến