NGÔI NHÀ TRÁI TIM
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

NGÔI NHÀ TRÁI TIM

Hãy cho - Hãy nhận - Hãy sống bằng cả con tim
 
Trang ChínhTrang Chính  Latest imagesLatest images  Tìm kiếmTìm kiếm  Đăng kýĐăng ký  Đăng NhậpĐăng Nhập  

 

 KHỦNG HOẢNG TÂM LÝ Ở TRẺ TUỔI LÊN 3

Go down 
Tác giảThông điệp
Đỗ Văn Sự

Đỗ Văn Sự


Tổng số bài gửi : 162
Join date : 22/06/2009
Đến từ : DUNG QUẤT(QUÃNG NGÃI)+LONG HÃI (VŨNG TÀU)

KHỦNG HOẢNG TÂM LÝ Ở TRẺ TUỔI LÊN 3 Empty
Bài gửiTiêu đề: KHỦNG HOẢNG TÂM LÝ Ở TRẺ TUỔI LÊN 3   KHỦNG HOẢNG TÂM LÝ Ở TRẺ TUỔI LÊN 3 Icon_minitimeThu Apr 01, 2010 7:47 am

ĐÂY LÀ BÀI TIỂU LUẬN 70% MÔN TÂM LÝ HỌC PHÁT TRIỂN DO CÔ TS. NGUYỄN THỊ TỨ DẠY,
CÁC BẠN THAM KHẢO VÀ GÓP Ý ĐÓNG GÓP, BỔ SUNG CHO SU.PR0 NHÉ....THANKS TẤT CẢ CÁC BẠN
ĐẠI HỌC SƯ PHẠM TP. HỒ CHÍ MINH
KHOA TÂM LÝ GIÁO DỤC
HỌC PHẦN: TÂM LÝ HỌC PHÁT TRIỂN


KHỦNG HOẢNG TÂM LÝ Ở TRẺ TUỔI LÊN 3

ĐỀ TÀI KIỂM TRA CUỐI HỌC KỲ ( ĐIỂM 70%)
GIÁO VIÊN HƯỚNG DẪN:
TS. Nguyễn Thị Tứ
SINH VIÊN THỰC HIỆN :
Đỗ Văn Sự


Thaønh phoá Hoà Chí Minh, 2009





MỤC LỤC
MỤC LỤC 2
LỜI GIỚI THIỆU 3
I) KHỦNG HOẢNG TÂM LÝ Ở TRẺ TUỔI LÊN 3 4
II) NGUYÊN NHÂN CỦA HIỆN TƯỢNG KHỦNG HOẢNG TUỔI LÊN 3. 5
1) một số đặc điểm phát triển tâm sinh lý: 5
2) Nhân cách của trẻ lên 3 đang dần được hình thành với những đặc điểm như: 8
3) Hiện tượng khủng hoảng tuổi lên 3 gắn liền với nguyện vọng độc lập ở trẻ 10
III) BIỂU HIỆN KHỦNG HOẢNG TUỔI LÊN 3. 12
1) Bướng bỉnh 12
2) Ngang ngạnh 13
3) Tự tiện 13
4) Vô lễ với người lớn 14
5) Chống đối 14
6) Chuyên quyền 14
IV) Ý NGHĨA CỦA KHỦNG HOẢNG TUỔI LÊN 3. 16
V) CÁC BIỆN PHÁP GIÚP TRẺ VƯỢT QUA THỜI KỲ KHỦNG HOẢNG. 16
TÀI LIỆU THAM KHẢO 20


LỜI GIỚI THIỆU
Mọi sự vật trong tự nhiên, xã hội và con người luôn luôn vận động, biến đổi. đời sống tâm lý một con người, một nhóm hay một cộng đồng người cũng luôn luôn vận động, biến đổi và phát triển. nhiều nghiên cứu trên cả bình diện cá thể cũng như các nhóm lứa tuổi từ lúc nảy sinh, hình thành, phát triển và tàn lụi.
Quy trình phát triển tâm lý con người thường trải qua nhiều thời kỳ, nhiều giai đoạn khủng hoảng, cụ thể như: khủng hoảng lúc chào đời, khủng hoảng tuổi lên 1, khủng hoảng tuổi lên 3, khủng hoảng tuổi thiếu niên, khủng hoảng giữa đời, khủng hoảng tuổi về hưu. Mỗi thời kỳ khủng hoảng mang một màu sắc khác nhau.
Khi trẻ lên 3, tự ý thức ở trẻ phát triển mạnh. Khi ấy, trẻ tìm mọi cách để khẳng định mình, khẳng định cái tôi của mình trong môi trường gia đình và nhà trường. trẻ trở nên lầm lì, bướng bỉnh, ngang ngạnh, đỏng đảnh, khó chịu, thậm chí chống đối và làm ngược lại ý của người lớn…
Thực tế cho thấy: không tí các bậc phụ huynh thường khó chịu, hay nổi nóng và thậm chí la rầy đánh đập trẻ trước những biểu hiện ngang ngạnh, cứng đầu của trẻ ở thời kì trẻ lên 3 tuổi. chính điều này ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển tâm lý của trẻ. Do đó, cha mẹ cần có nhận thức đúng về sự biến đổi tâm sinh lý ở thời kỳ trẻ lên 3, hiều và thông cảm trước những biểu hiện khủng hoảng tâm lý ở trẻ. Từ đó phụ huynh có thể động viên, khuyến khích, tạo ra môi trường phát triển tốt cho trẻ.
Ví dụ: Thuỷ Tiên (37 tháng tuổi) muốn làm mọi việc như người lớn: muốn đi chợ mua cặp tóc mầu đỏ, muốn cắt tóc cho em, muốn lái xe ôtô và muốn vẽ cả bức tranh to như bác, nhưng bố mẹ em lại không thể thoả mãn được những ý muốn đó, vì thế xảy ra cái gọi là “cuộc khủng hoảng của tuổi lên 3”.
Bài viết này đề cập đến một số khía cạnh lý luận của khủng hoảng tâm lý tuôiỉ lên 3, và một số biện pháp giúp trẻ vượt qua giai đoạn khủng hoảng này. nhằm góp phần hoàn thiện hơn nữa những thành tựu đã có về đề tài. Vì trình độ của người viết bài còn nhiều hạn chế, nên không tránh khỏi những sai sót, mong Cô và các bạn góp ý, để bài viết ngày càng hoàn thiện hơn. Xin chân thành cảm ơn.

I) KHỦNG HOẢNG TÂM LÝ Ở TRẺ TUỔI LÊN 3
Bước sang tuổi ấu nhi, trẻ em không còn là một thưc thể bất lực nữa. Nhờ hoạt động và khả năng đi lại theo tư thế thẳng đứng trong không gian mà đời sống tâm lý của trẻ có một bước phát triển to lớn. Những biến đổi về chất của đứa trẻ trong 3 năm vừa qua quan trọng đến mức mà nhiều người cho đó là giai đoạn quyết định cho cả đời người.
Thật vậy, đứa trẻ lên 3 tuổi dùng nhiều đồ vật trong sinh hoạt hằng ngày, biết tự phục vụ, biết giao tiếp bằng ngôn ngữ với mọi người xung quanh và biết thực hiện những quy tắc hành vi sơ đẳng trong xã hội. nên có những sự biến đổi tâm lý nổi bật của trẻ em ở giai đoạn này.
Sự phát triển tâm lý của trẻ là sự biến đổi tâm lý từ thấp đến cao, từ đơn giản đến phức tạp, đó là quá trình tích lũy dần về lượng dẫn đến sự nhảy vọt về chất, là quá trình nảy sinh cái mới trên nền cái cũ do sự đấu tranh giữa các mặt đối lập nằm ngay trong bản thân mỗi đứa trẻ. Sự phát triển con người gồm 3 mặt: sinh vật, tâm lý, xã hội.
Sự phát triển tâm lý con người có những giai đoạn cân bằng, ổn định tạm thời, xen kẽ với những thời kỳ “khủng hoảng” với những sự biến đổi sâu sắc. Khủng hoảng là quy luật tất yếu do sự phát triển nhanh mạnh về sinh lý và tâm lý. Vậy khủng hoảng là gì?
- Theo Từ điển Tiếng Việt : “Khủng hoảng là tình trạng rối loạn, mất cân bằng, bình ổn do nhiều mâu thuẫn chưa được giải quyết”
- Theo Từ điển tâm lý học: “Khủng hoảng lứa tuổi là biểu hiện của trạng thái xung đột xuất hiện trong thời kỳ chuyển biến từ giai đoạn phát triển lứa tuổi này sang giai đoạn phát triển của lứa tuổi kia… Nguồn gốc xuất hiện của khủng hoảng lứa tuổi là các mâu thuẫn giữa những khả năng trưởng thành về thể lực và tâm lý với những hình thức của các quan hệ qua lại, với những người xung quanh và với các dạng hoạt động được hình thành trước đó. Cá tính của trẻ cũng bị ảnh hưởng lớn đến tính chất gay gắt của khủng hoảng lứa tuổi”.
- Theo Vưgốtxki, khủng hoảng tâm lý là những giai đoạn ngắn của sự phát triển. Trong đó, thường diễn ra sự biến đổi với tốc độ và nhịp độ rất nhanh, rất mạnh, tạo ra bước ngoặt trong nhân cách trẻ em, làm thay đổi hoàn toàn những nét cơ bản trong nhân cách.
Tóm lại, Khủng hoảng tuổi lên 3 là khủng hoảng tâm lý ở giai đoạn trẻ lên 3 tuổi do sự phát triển nhanh, mạnh về tâm lý lẫn sinh lý. Từ đó dẫn đến tình trạng rối loạn, mất cân bằng ở trẻ do nhiều mâu thuẫn chưa được giải quyết. Cụ thể, đó là mâu thuẫn giữa nhu cầu làm người lớn của trẻ với khả năng thực tế của trẻ (mâu thuẫn nội tại), mâu thuẫn giữa nhu cầu làm người lớn của trẻ với sự cấm đoán, sự không cho phép của người lớn (mâu thuẫn trong mối quan hệ).
II) NGUYÊN NHÂN CỦA HIỆN TƯỢNG KHỦNG HOẢNG TUỔI LÊN 3.
Trong quá trình phát triển của đời người, bên cạnh những giai đoạn cân bằng, ổn định tạm thời là những thời kỳ “khủng hoảng” với những biến đổi sâu sắc. Khủng hoảng là quy luật tất yếu do sự phát triển nhanh, mạnh về sinh lý và tâm lý.
Tuổi lên ba đánh dấu sự trưởng thành trong ba năm đầu tiên, một thời kỳ hết sức quan trọng, được coi là chặng giữa trên con đường phát triển thành người, kể từ lúc sơ sinh đến lúc trưởng thành.
Ở độ tuổi lên 3, bé tiếp tục quá trình hoàn thiện thể chất và trí tuệ. Sự phát triển ở mỗi bé là khác nhau; tuy nhiên, bé có một số kỹ năng vận động như thích chạy nhảy, leo trèo; bé có thể lên – xuống cầu thang mà không cần sự giúp đỡ của cha, mẹ.
1) một số đặc điểm phát triển tâm sinh lý:
 Bé vận hành được xe đạp 3 bánh.
 Bé dễ dàng rửa tay và lau khô đôi tay như yêu cầu của cha, mẹ.
 Bé dùng thìa và tự xúc thức ăn.
 Bé có thể đứng nhón chân bằng các đầu ngón chân.
 Bé có khả năng đóng – cởi cúc áo tương đối chính xác.
 Bé có thể tập trung vào một phần việc (hoặc một hoạt động vui chơi) trong vòng 8-10 phút.
 Bé có khoảng 20 chiếc răng.
 Thị giác của bé có thể đạt 10/10.
 Bé ngủ khoảng 11-13 giờ đồng hồ mỗi ngày, kết hợp với một giấc ngủ trưa ngắn.
 Bé thành thạo kỹ năng ngồi bô.
Kỹ năng ngôn ngữ của bé
Bé có thể phát âm rõ tiếng và biết phản ứng lại những câu hỏi từ phía cha mẹ. Sự phát triển ngôn ngữ ở mỗi bé là khác nhau; tuy nhiên, các bé có một số đặc điểm chung về ngôn ngữ như sau:
 Bé có thể nói được khoảng 500-900 từ.
 Một số từ của bé có thể không có nghĩa hoặc khiến người đối diện không hiểu.
 Bé liên kết được 2-3 câu có nghĩa.
 Bé nhớ được giai điệu và lời ca của những bài hát ngắn.
 Bé biết sử dụng từ “xin lỗi”, “cảm ơn” đúng lúc.
 Bé phản ứng với tên gọi của mình.
 Bé có thể nhận diện được những màu sắc cơ bản.
Những điều bé có thể hiểu được
 Bé biết được sự khác nhau của kích thước như ngắn – dài; to – nhỏ…
 Bé nhận diện được thời quá khứ (ngày hôm qua).
 Bé hiểu được một đoạn hội thoại dài.
 Bé phân biệt được vị trí của đồ vật: đằng sau – đằng trước; ở trên - ở dưới…
 Bé dùng đại từ nhân xưng chính xác (con, bố, mẹ, bà…)
 Bé liên tục hỏi: “Tại sao”.
 Bé có thể đọc được đầy đủ họ và tên của mình.
 Bé xuất hiện nỗi sợ hãi với một số thứ xung quanh như bóng tối, ma quỷ dưới gầm giường, sấm chớp…
 Bé có thể vẽ một bức tranh đơn giản qua lời mô tả của bạn.
Cân nặng và chiều cao trung bình của bé 3 tuổi
 Bé cao khoảng 90-100cm.
 Nặng trung bình 14-16kg.
 Về mặt sinh lý và hình thái ở trẻ lên 3:
+ Cân nặng của não đạt 1200 gram, gần bằng não người lớn (1300 – 1400 gram), quá trình myêlin hóa phát triển mạnh.
+ Trẻ đi đứng vững chãi. Trẻ có thể đi đứng, chạy nhảy trong một không gian ngày càng rộng lớn hơn trước. Điều này có ý nghĩa quan trọng đến sự phát triển tâm lý của trẻ, dẫn tới khả năng giao tiếp với thế giới bên ngoài rộng rãi hơn, độc lập, tự chủ hơn.
 Trẻ lên 3 đã bắt đầu có khả năng tự phục vụ và tham gia vào các mối quan hệ qua lại với những người lớn xung quanh. Đây là điểm mới trong quá trình phát triển của trẻ vì trước đó trẻ hoàn toàn lệ thuộc vào người lớn (người lớn đút trẻ ăn cơm, mặc áo quần, mang giầy dép cho trẻ…)
Đ.B.Encônhin khẳng định: khủng hoảng 3 tuổi là khủng hoảng về quan hệ xã hội. Cụ thể ở trẻ lên 3 là mối quan hệ giữa trẻ với người lớn. Mọi khủng hoảng quan hệ xã hội đều là khủng hoảng đề cao “cái tôi” của bản thân.
Khủng hoảng tuổi lên 3 là do sự phá vỡ quan hệ qua lại có từ trước giữa trẻ và người lớn. Cuối tuổi ấu nhi, xuất hiện xu hướng hoạt động độc lập, bởi trẻ đã nắm được cơ bản đặc điểm của đồ vật và phương thức hành động với đồ vật. Trẻ không còn lệ thuộc vào người lớn như trước đây. Hiện tượng “tự con làm” chứng tỏ hình thành sự độc lập rõ nét bên ngoài và sự tách trẻ ra khỏi người lớn. Do ảnh hưởng của sự phân cách giữa trẻ và người lớn, người lớn dường như lần đầu xuất hiện trong thế giới trẻ em với tư cách là đối tượng nhận thức của trẻ. Thế giới cuộc sống của trẻ chuyển biến từ thế giới giới hạn bởi đồ vật sang thế giới người lớn.





Hình 1: sơ đồ mối quan hệ giữa trẻ với thế giới xung quanh.
Trong giai đoạn ấu nhi (15 tháng – 3 tuổi), hoạt động chủ đạo ở trẻ là hoạt động với đồ vật, người lớn được xem là cầu nối giữa trẻ với thế giới đồ vật. Đến cuối tuổi ấu nhi, trẻ mong muốn độc lập, muốn tách mình ra khỏi người lớn, không muốn người lớn bảo bọc, điều khiển, chỉ huy. Trẻ muốn tự do tìm hiểu, khám phá thế giới theo ý thích của trẻ. Sự gắn bó giữa trẻ với cha mẹ mờ nhạt dần.
2) Nhân cách của trẻ lên 3 đang dần được hình thành với những đặc điểm như:
 Trẻ biết tên, họ, giới tính của mình.
 Hành vi ứng xử theo chuẩn mực của con người phù hợp với yêu cầu đòi hỏi của xã hội: trẻ biết cầm đũa, thìa xúc cơm ăn, biết mặc quần áo, đi dép, chải đầu.
 Nhận của ai cái gì, trẻ biết chìa tay ra đón và biết nói cảm ơn…
 Trẻ nhận thức được rằng muốn xin, mượn ai cái gì phải hỏi, được sự đồng ý của họ mới được phép lấy.
 Dáng đi thẳng của người, hiên ngang, ngẩng đầu đi với tư thế dứt khoát…
 Ngôn ngữ của con người (tiếng nói mẹ đẻ, trẻ nói được hàng trăm từ, có thể nói bằng câu 5 từ, diễn đạt được ý nghĩ mong muốn của mình, hiểu đa số các câu và tuân theo câu mệnh lệnh gồm nhiều từ).
 Biết và thể hiện những sắc thái, cảm xúc của con người một cách khá chính xác (vui, buồn, cười, khóc giận hờn…).
 Ý thức của trẻ tuy chưa hoàn thiện nhưng đang trong giai đoạn hình thành (trẻ ý thức được tên, tuổi, giới tính của mình…). Trẻ dần ý thức được phải gìn giữ vệ sinh nơi công cộng (bỏ rác vào thùng rác), tôn trọng người khác (không nói to nơi đông người, khi bạn đang ngủ), ý thức khiêm tốn, chỉ nói điều mình biết, trung thực, thật thà, lễ độ…
 Cùng với sự phát triển của ngôn ngữ, tư duy ở trẻ bắt đầu phát triển mạnh (biết xếp đồ chơi phân loại theo hình dạng, màu sắc, hoàn thành ghép hình với 3 hoặc 4 mảnh ghép, biết đếm vài số, nhận biết vài màu sắc).
 Trẻ tích cực, chủ động tham gia vào hoạt động vui chơi (trẻ thường chơi song song, cạnh bạn, chưa có sự phối hợp, tương tác nhiều với bạn trong quá trình chơi); trẻ tập các hành vi ứng xử của con người khi sử dụng các đồ dùng, vật dụng xung quanh trẻ (ly thủy tinh trẻ biết cầm và đặt nhẹ nhàng…).
Đó chỉ là những nền tảng ban đầu, thiết nghĩ để trẻ phát triển nhân cách toàn diện thì toàn bộ những đặc trưng trên phải được luyện tập, củng cố theo những chuẩn mực nhất định do xã hội quy định thông qua sự dạy dỗ, hướng dẫn, chăm sóc của các cô giáo mầm non, cha mẹ và những người lớn xung quanh. Ông bà ta vẫn thường nói “dạy con từ thuở còn thơ”, trẻ chỉ có thể phát triển nhân cách toàn diện, trở thành những con người “vừa hồng vừa chuyên” dựa trên nhân cách gốc - nhân cách xây dựng được trong thời thơ ấu. Trên nền tảng nhân cách gốc, trẻ lớn lên phát triển theo hướng đi từ gốc này, để vào đời có ích cho xã hội.
Từ những cấu trúc tâm lý mới của khủng hoảng 3 tuổi xuất hiện xu hướng hoạt động học tập, bản thân người lớn là hình mẫu và trẻ hành động theo hình mẫu đó. Ở trẻ lên 3 có xu hướng cùng sống với người lớn và càng có những quan hệ sâu sắc hơn với người lớn.
3) Hiện tượng khủng hoảng tuổi lên 3 gắn liền với nguyện vọng độc lập ở trẻ
 Nếu như trước 1 tuổi, trẻ phụ thuộc hoàn toàn vào mẹ thì sau 1 tuổi, trẻ đã từng bước khám phá thế giới đồ vật khi trí nhớ, tri giác bắt đầu phát triển, thế giới nội tâm có cơ sở xuất hiện.
 Ở 2 tuổi, cấu tạo mới về mặt tâm lý bắt đầu xuất hiện khi trẻ hành động theo ý của mình. Ở trẻ bắt đầu tự ý thức về bản thân mình, thích khám phá bản thân. Không những thế, trẻ còn có nguyện vọng, nhu cấu, hứng thú khám phá thế giới.
 Vào cuối tuổi vườn trẻ xuất hiện một mâu thuẫn giữa trẻ em và người lớn: người lớn vẫn muốn đứa trẻ hoàn toàn phụ thuộc vào mình, phải do mình điều khiển và chỉ huy; trong khi đứa trẻ bắt đầu phát triển tính độc lập, bắt đầu muốn tách mình ra khỏi người lớn. Đây là một mâu thuẫn tích cực, chứng tỏ sự trưởng thành của trẻ mà chính nhu cầu đó đưa trẻ lên mức phát triển cao hơn. Đứa trẻ lên 3 đã tích lũy được một số kinh nghiệm về phương thức hành động do sự phát triển mạnh về ngôn ngữ, trẻ có thể hành động một cách độc lập hơn, đã bắt đầu biết tự phục vụ.
 Tính tự ý thức của trẻ lên 3 cũng manh nha ở thời kỳ này. Đứa trẻ mong muốn người lớn thừa nhận nó, khen ngợi nó. Trẻ thật sự khổ tâm khi mọi người xung quanh không bằng lòng với trẻ. Sự khen ngợi, tán thưởng của người xung quanh là nguồn cổ vũ quan trọng giúp trẻ hình thành tình cảm tự hào, tự khẳng định mình. Trẻ thường tự cố gắng trong hành động để được người lớn khen thưởng, để chứng tỏ trẻ đã lớn, thậm chí trẻ làm những việc vượt quá khả năng của trẻ. Lúc này trong bản thân trẻ luôn tồn tại mâu thuẫn giữa nhu cầu làm người lớn của trẻ với khả năng thực tế của trẻ (nhu cầu vượt quá khả năng), chính vì thế trẻ muốn thể hiện mình, muốn làm mọi việc; trẻ làm hỏng nhiều việc do vượt quá khả năng của mình (trẻ đòi cắt rau, rửa chén, rửa ly, nấu ăn…), các bậc cha mẹ không hiểu, không thông cảm với trẻ, la mắng, cấm đoán trẻ, điều này khiến trẻ dễ ấm ức, nổi cáu, bướng bỉnh, chống lại cha mẹ
Như vậy, đến 3 tuổi quá trình tự ý thức ở trẻ phát triển mạnh, đưa trẻ vào trạng thái khẳng định mình. Trẻ bắt đầu tự so sánh mình với người lớn, muốn giống người lớn, muốn tự chủ trong mọi công việc, không cần sự can thiệp của người lớn. Muốn tự đi dép, tự mặc quần áo, tự xúc cơm mà không phải nhờ đến mẹ; và còn làm cả những việc người lớn cấm đoán để chứng tỏ mình. Nhiều bậc cha mẹ không hiểu nhu cầu muốn khẳng định mình ở trẻ lên 3, vẫn muốn kiểm soát, chỉ huy trẻ như trước đây, thậm chí còn cấm đoán, không cho trẻ làm bất kỳ việc gì; điều này khiến trẻ càng trở nên bướng bỉnh, chống đối lại người lớn.
Tóm lại, nguyện vọng độc lập của trẻ lên 3 thể hiện ở việc: trẻ ý thức mình là một chủ thể độc lập, trẻ so sánh mình với người lớn, trẻ muốn trở thảnh người lớn. Đây là những điều đáng ghi nhận trong quá trình phát triển của trẻ, chứng tỏ trẻ đã khôn lớn hơn trước.
tóm lại, hiện tượng khủng hoảng tuổi lên 3 là do:
 Thứ nhất: Sự phát triển nhanh, mạnh về sinh lý và tâm lý ở trẻ, trẻ ý thức rõ hơn về những khả năng của mình, muốn khẳng định mình, Trẻ so sánh mình với người lớn, muốn giống như người lớn, muốn làm được như người lớn, muốn độc lập, tự chủ. Nhưng khả năng của trẻ còn hạn chế, trẻ chưa thể làm được tất cả những gì trẻ muốn, trẻ dễ rơi vào trạng thái ấm ức, nổi cáu.
Có thể thấy, nhiều trẻ muốn nói với người lớn những mong muốn của mình nhưng khả năng ngôn ngữ chưa phát triển hoàn thiện khiến các bé chưa biết cách diễn đạt những mong muốn của mình. Chính điều này gây ức chế, làm các bé dễ cáu bẳn và nổi khùng. Thay vì nói cho cha mẹ biết suy nghĩ của mình thì nhiều trẻ hét toán lên, “mè nheo”, khóc nhè khi người lớn yêu cầu trẻ làm điều gì.
 Thứ hai: mâu thuẫn trong mối quan hệ giữa trẻ với người lớn. Trẻ có nhu cầu độc lập, tự khẳng định mình, muốn làm những điều trẻ muốn, trong khi người lớn cấm đoán, áp đặt, điều khiển, chỉ huy trẻ vì nghĩ trẻ còn nhỏ, chưa thể tự lập được… Từ đó khiến trẻ có thái độ bướng bỉnh, ngang ngạnh, khó bảo và chống đối lại người lớn.
III) BIỂU HIỆN KHỦNG HOẢNG TUỔI LÊN 3.
Có thể thấy một số biểu hiện của hiện tượng khủng hoảng tuổi lên ba ở trẻ độ tuổi từ 2,5 tuổi (30 tháng tuổi) đến gần 4 tuổi. Khi đứa trẻ lên 2,5 tuổi, hầu như những gì trẻ làm đều ngược lại ý của cha mẹ, trẻ trở nên bướng bỉnh, hay đòi hỏi quá đáng, ra lệnh và định đoạt mọi thứ, không chịu nhượng bộ ai. Bé D (31 tháng tuổi), D thích leo lên bàn salon ngồi để xem tivi, mặc dù ba mẹ đã giải thích cho bé nghe, cấm không được leo lên bàn ngồi nhưng bé vẫn làm, không cho bé lăn ra khóc tức tưởi.
Trong tác phẩm “Về nhân cách trẻ 3 tuổi”, tác gỉả V.Keler đã ghi lại các hiện tượng cơ bản nhất của khủng hoảng trẻ 3 tuổi: bướng bỉnh, ngang ngạnh, tự tiện, vô lễ với người lớn, chống đối, chuyên quyền.
1) Bướng bỉnh
Trẻ thể hiện thái độ ngang ngạnh, khó bảo ban, không chịu nghe theo lời người khác, cứ làm theo ý mình. Phản ứng đối với những quyết định của chính mình một cách ngoan cố. Sự bướng bỉnh thể hiện ở chỗ trẻ kiên quyết nghiêng về sự thoả mãn đòi hỏi của bản thân, sự quyết định của mình.
Theo tác giả Nguyễn Ánh Tuyết, “ Tính bướng bỉnh đã xuất hiện từ lúc trẻ lên hai, nhưng giờ đây nó lại được tăng lên gấp đôi ba lần và mang nhiều hình thức mới. Nếu trước đây chỉ thỉnh thoảng trẻ mới làm trái ý người lớn, thì ở tuổi lên ba, nó thường xuyên làm ngược lời người lớn bảo, không những thế nó còn làm trái với ý của chính nó. Nó cảm thấy khó khăn khi phải có một quyết định, nhưng khi có quyết định rồi nó lại thay đổi ý kiến. Nó xử sự gần giống như một người tự cảm thấy bị bắt nạt mặc dù chẳng có ai bắt nạt nó cả. Trẻ rất dễ nổi giận khi có ai xen vào công việc của trẻ. Nó muốn tự mình quyết định hết thảy, chống lại mọi sức ép từ bên ngoài, và rất bực bội nếu bố mẹ tỏ ra độc đoán”
Khi “cái tôi” về bản thân bắt đầu được hình thành để phân biệt trẻ với người khác, trẻ bắt đầu bướng. Thực ra đây là sự chống đối của trẻ đối với người lớn; và nó có tính lựa chọn rõ rệt. Đứa trẻ chỉ tỏ ra bướng bỉnh, chống đối đối với những bậc phụ huynh có tính độc đoán, muốn hạn chế tính tự do, tính độc lập của trẻ.
2) Ngang ngạnh
Trẻ không chịu nghe lời người lớn và còn cố tình chống lại bằng cách làm trái đi. Sự bướng bỉnh, ngang ngạnh là tiêu cực nhưng nó có đặc điểm đặc trưng là tính công khai và thiếu cá tính hơn. Đây là sự phản kháng lại trật tự trong gia đình. Ví dụ: trẻ lăn ra ăn vạ, đặp đầu, đạp tứ tung để đạt được mục đích, đòi người lớn làm theo ý trẻ.
3) Tự tiện
Thể hiện xu hướng giải thoát khỏi người lớn. Trẻ muốn tự mình làm điều gì đó. Đòi sự độc lập có chủ định. Trẻ 3 tuổi muốn tự làm mọi thứ giống người lớn. Trước mặt người lớn trẻ tỏ ra ngoan ngoãn, sau lưng người lớn trẻ lén làm mọi thứ.
4) Vô lễ với người lớn
Không lễ phép, trẻ thường không vâng lời người lớn, không làm theo yêu cầu người lớn, thậm chí còn tỏ thái độ chống đối người lớn.
5) Chống đối
Hiện tượng này xuất hiện trong các cuộc tranh luận thường xuyên với cha mẹ. Tất cả hành vi của trẻ đều thể hiện sự chống đối, dường như trẻ luôn nằm trong trạng thái chiến tranh với người xung quanh, trong trạng thái ẩu đả với người lớn. Có trẻ sẵn sáng cắn lại người lớn để không phải làm theo mệnh lệnh của người lớn.
6) Chuyên quyền
Thường gặp ở trẻ là con một hay là đứa con trai độc nhất trong gia đình. Trẻ tỏ ra có áp lực chuyên quyền trong quan hệ với tất cả mọi cái xung quanh, và nó đưa ra hàng loạt các phương thức chuyên quyền như trẻ có thể khóc ré lên, khóc tỉ tê, làm bộ mếu hay dãy đành đạch, làm mình làm mẩy… để điều khiển người lớn theo ý mình. Trong những lúc như vậy, trẻ thường liếc trộm để xem phản ứng của người lớn như thế nào, từ đó điều chỉnh phương thức chuyên quyển của mình.
Sự khủng hoảng ở trẻ lên 3 thường có những biểu hiện trong giao tiếp như sau:
 Nhu cầu giao tiếp với bạn, muốn tách mình ra khỏi người lớn để chơi với bạn. Khi đến gặp bạn cùng lứa tuổi, rời mẹ để chơi với bạn nhưng một lát sau lại quay lại với mẹ vì trẻ ở tuổi lên 3 tuy có nhu cầu chơi với bạn song chưa có khả năng hoạt động cùng nhau khi chơi (khả năng phối hợp), trẻ chỉ biết chơi cạnh nhau, và trẻ thường hay giành đồ chơi của bạn.
 Trẻ không còn ngoan ngoãn như trước, nếu trẻ không thích làm gì thì người lớn khó ép được, nếu ép trẻ sẽ ngoảnh mặt bỏ đi hay lăn ra hờn dỗi, khóc lóc.
 Khi tiếp xúc với cha mẹ và người lớn, trẻ hay dùng từ “không”, ví dụ:
Mẹ nói: - An đi ăn cơm đi!
Trẻ nói “Không, không ăn đâu!” hoặc trẻ nói “Không” rồi ngoảnh mặt, bỏ đi chỗ khác.
Hay khi có khách đến nhà, Mẹ nói: - An chào cô đi! An im lặng không chào, len lén bỏ đi nơi khác; nếu ép, cháu sẽ trả lời “Không chào!”…
+ Do tự ý thức được bản thân, trong giao tiếp với mọi người trẻ xuất hiện tính ích kỷ - đòi quyền được làm, được ăn, được sử dụng nhiều thứ (kể cả những việc làm, đồ vật người lớn cấm… như dao, kéo, nghịch hộp quẹt.v,v..), giành đồ chơi của bạn bè, đánh bạn, lấy lén đồ chơi của bạn.
+ Nhận thức trong giao tiếp có nhiều mâu thuẫn với chính bản thân. Ví dụ: trẻ vừa đồng ý đi học, nhưng mặc quần áo xong rồi lại không chịu đi nữa, dù thuyết phục thế nào cũng không đi.
Từ chỗ mâu thuẫn với bản thân mình đến nhõng nhẽo, mâu thuẫn với bố mẹ, những người thân trong gia đình.
+ Trong giao tiếp, trẻ lấy mình là trung tâm trong các quan hệ. Đó là tính tự kỷ. Một số nhà tâm lý học cho rằng đó là hiện tượng “tự kỷ trung tâm”: “ Thể hiện đặc điểm của cá nhân không có khả năng thay đổi ý kiến, biểu tượng hay quan điểm nhận thức của mình về một khách thể nào đó mặc dù những thông tin mà cá nhân có được hoàn toàn mâu thuẫn với kinh nghiệm đã có của bản thân... Hiện tượng này có biểu hiện rõ nhất ở tuổi ấu thơ và về cơ bản nó dần được khắc phục khi trẻ đến lứa tuổi từ 12 -14”.
Như vậy, có thể thấy khi trẻ lên ba song song với việc xuất hiện ý thức về bản thân mình (là một chủ thể độc lập), ở trẻ cũng xuất hiện những nhu cầu mới đối với người lớn. Đó là nhu cầu muốn khẳng định mình, muốn so sánh mình với người lớn, muốn trở thành người lớn. Để khẳng định mình, ở trẻ xuất hiện tính độc lập, nhu cầu muốn hành động độc lập ở trẻ rất lớn. Trẻ lên 3 thường nói “Con tự xúc ăn”, “Con tự rửa tay”, “Con tự mặc đồ”… trẻ không muốn người lớn can thiệp vào những việc đó. Nhu cầu tự khẳng định là một động lực mạnh mẽ, thúc đẩy trẻ bước sang một giai đoạn phát triển mới. Nhu cầu này nhiều khi còn lấn át các nhu cầu khác cũng đang phát triển mạnh ở trẻ, là dấu hiệu đáng mừng, chứng tỏ sự trưởng thành của trẻ.
Không những thế, có trẻ còn muốn “chỉ huy” người khác phải làm theo ý của trẻ; muốn mình có thẩm quyền với các đồ với các đồ vật xung quanh, đó là nguyên nhân nảy sinh tính ích kỷ ở trẻ, cái gì cũng muốn là của mình (giành đồ chơi của bạn, đòi bằng được những thứ của người khác mà trẻ thích…).
IV) Ý NGHĨA CỦA KHỦNG HOẢNG TUỔI LÊN 3.
Khủng hoảng tuổi lên 3 là hiện tượng tạm thời, thoáng qua trong quá trình phát triển của trẻ, mang tính chất chuyển tiếp. Những bước phát triển của trẻ ở tuổi lên ba sẽ gắn liền với trẻ. Chính việc bản thân trẻ muốn tách khỏi người khác, sự tự nhận thức về mình, mong muốn được độc lập, tự chủ, được khẳng định mình là một bước ngoặt trong sự phát triển tâm lý của trẻ, chứng tỏ bước đầu trẻ đã ý thức về bản thân mình (tự nhận thức), từng bước khôn lớn, trưởng thành, tạo tiền đề cho sự hình thành nhân cách của trẻ ở giai đoạn tiếp theo.
V) CÁC BIỆN PHÁP GIÚP TRẺ VƯỢT QUA THỜI KỲ KHỦNG HOẢNG.
 Với sự phát triển tâm sinh lý nhanh hơn giai đoạn trước, ở trẻ lên 3 có những nhu cầu mới như muốn độc lập, khẳng định mình, muốn mở rộng mối quan hệ với mọi người; vì thế cha mẹ kịp thời nhận ra những nhu cầu này của trẻ. Song song với đó, cha mẹ cần nhận ra những khả năng mới ở trẻ, tạo điều kiện, động viên. Khuyến khích để trẻ tự thực hiện lấy những việc vừa sức với trẻ (tự thay quần áo, mang giầy dép, xúc cơm…) và làm một số việc đơn giản giúp bố mẹ nhưng rót nước cho mẹ uống, cất ly cho mẹ, cất áo quần đúng vị trí… Bác Hồ đã từng nói: “ Trẻ nhỏ làm việc nhỏ, tùy theo sức của mình”. Chính những việc trẻ làm vừa sức với khả năng của trẻ khi lên ba sẽ dần dần hình thành ở trẻ tính tự lập.
 Khi tự bản thân trẻ làm được một việc gì, người lớn nên khen ngợi, động viên, khuyến khích trẻ bằng một nụ cười, tràng vỗ tay, hay những lời khen ngợi, động viên như “Con của mẹ giỏi lắm”, “Con ngoan của mẹ”… để trẻ thấy mình được tôn trọng, được khẳng định mình, được mọi người thừa nhận.
 Khi yêu cầu trẻ làm điều gì, cha mẹ nên nhẹ nhàng nói và giải thích vói trẻ, đừng tỏ thái độ ép buộc trẻ hay ra lệnh trẻ phải làm. Trẻ sẽ cảm thấy mình không được tôn trọng, do đó trẻ dễ trở chứng, bướng bỉnh, chống đối lại.
 Tạo điều kiện để trẻ lên 3 được chơi đùa thoải mái với đồ chơi, bạn bè; được đi dạo chơi ngoài trời, công viên để trẻ có thể chạy nhảy tung tăng, khám phá thế giới.
 Biết được nhu cầu muốn làm người lớn của trẻ, các bậc cha mẹ có thể cùng trẻ chơi trò chơi đóng vai ( đóng vai mẹ - con, bác sỹ - bệnh nhân, cô giáo – học sinh), trò chơi nấu ăn (cho trẻ giả vờ nấu ăn bằng các đồ chơi bên cạnh mẹ đang nấu ăn) hay bố cùng trẻ chơi trò chơi xây nhà, sửa xe…
 Kể cho trẻ nghe những mẩu chuyện vui, chuyện ngắn, có tính giáo dục. Thông qua các nhân vật trong những câu chuyện, gán cho trẻ những đức tính tốt của nhân vật như lòng yêu thương con người, trung thực, thật thà, dũng cảm… để trẻ phấn khởi và cố gắng thể hiện được những đức tính trong cuộc sống đời thường.
 Thay vì cấm đoán trẻ không được đụng vào cái này, không được sờ vào đồ vật kia, người lớn nên nhẹ nhàng, hướng dẫn trẻ khám phá và tìm hiểu thế giới, vừa giúp trẻ mở mang tầm hiểu biết, phát triển nhận thức, vừa là dịp cha mẹ có thể gần gũi và hiểu trẻ.
 “Trẻ lên ba, cả nhà học nói”, cha mẹ nên tiếp tục củng cố khả năng ngôn ngữ của trẻ, luôn gợi ý để trẻ diễn đạt những điều mình muốn thật rõ ràng. Điều này sẽ giúp trẻ giải tỏa được tâm lý và không bị ức chế khi muốn diễn đạt mà không thể diễn đạt được.
 Khi trẻ có những biểu hiện bướng bỉnh, ngang ngạnh, ăn vạ, “xấc láo” cha mẹ nên bình tĩnh, đừng nóng giận mà hãy nhẹ nhàng khuyên bảo trẻ, giải thích cho con trẻ, nói dứt khoát với trẻ “Con không nên có hành động như thế...”, “Mẹ không vui khi con làm như vậy”; cần thiết cha mẹ cũng nên nghiêm mặt với trẻ, thể hiện sự không hài lòng. Bên cạnh đó, các bậc cha mẹ nên di chuyển sự chú ý của trẻ sang việc khác. Khi bé vui vẻ trở lại, hãy cùng trẻ thảo luận về những việc làm trước đó, giải thích để trẻ hiểu điều gì nên và không nên.
 Trẻ lên 3 thường gặp khó khăn trong quan hệ với người lớn, trẻ cho rằng người lớn không hiểu trẻ. Vì lẽ đó, cha mẹ nên dành thời gian chơi đùa cùng trẻ, lắng nghe những tâm tư nguyện vọng của trẻ; khuyến khích trẻ nói lên những suy nghĩ, chính kiến của mình..., tạo sự gần gũi, gắn kết giữa trẻ với người lớn.
 Có thể thấy, sự chống đối của trẻ lên ba đối với người lớn có tính lựa chọn rõ rệt. Đứa trẻ chỉ tỏ ra bướng bỉnh, chống đối những bậc cha mẹ có tính độc đoán, muốn kiểm soát, áp đặt, điều khiển trẻ, hạn chế tính tự do, tính độc lập của trẻ. Vì thế, nếu cha mẹ biết khuyến khích tính độc lập của trẻ một cách hợp lý thì những khó khăn trong quan hệ giữa trẻ và người lớn sẽ được khắc phục, khủng hoảng ở trẻ sẽ nhanh chóng đi qua.
 Một số lưu ý khi cha mẹ giáo dục trẻ ở tuổi lên 3
 Cha mẹ không nên quá nuông chiều trẻ, trẻ thích gì, đòi gì được nấy, quá chú ý đến sự có mặt của trẻ. Chính những điều đó mà trẻ cảm thấy và tự cho rằng mình là “ông vua con”, “cái rốn của vũ trụ”, “trung tâm của cả nhà”. Những trẻ như thế thường trở nên rất bướng bỉnh và ích kỷ, không vâng lời người lớn, ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển nhân cách của trẻ (lớn lên trẻ dễ trở thành “cậu ấm cô chiêu”, không biết làm gì, luôn ỷ lại, vụng về). Sự bướng bỉnh ở trẻ lên 3 có tính lựa chọn, trẻ sẽ trở nên bướng bỉnh với những người quá quan tâm đến trẻ, muốn điều khiển trẻ, không để cho trẻ tự do làm bất cứ việc gì.
 Ngược lại với lối giáo dục nuông chiều trên, trước những biểu hiện của khủng hoảng tuổi lên ba, nhiều bậc cha mẹ cấm đoán mỗi khi thấy trẻ làm một việc gì khác thường, thậm chí còn đe dọa, nạt nộ trẻ khi thấy trẻ đang sờ mó, tìm hiểu một đồ vật nào đó. Cha mẹ luôn nghĩ rằng trẻ còn nhỏ, “không làm nên trò trống gì, đụng đâu phá đó”. Với lối giáo dục như thế, vô tình không khơi dậy được những tiềm năng ở trẻ lên ba, dần dần đứa trẻ trở nên thụ động, nhút nhát, chậm chạp vì sợ và không dám làm gì; một số trẻ do bản tính hiếu động mà bị cha mẹ cấm đoán nên tìm cách làm vụng trộm, dấu diếm để tránh bị la mắng, từ đó mà phát sinh tính gian lận, thói quen nói dối, luôn tìm cách đối phó với người lớn.
Tất cả những phương pháp giáo dục trên đều không đúng và ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển nhân cách của trẻ.
Tóm lại, Hiểu trẻ đã khó, dạy trẻ càng khó hơn, và làm gương cho trẻ càng không dễ. Không hiểu trẻ người lớn sẽ chủ quan áp đặt mong muốn của mình cho trẻ, như thế rất dễ đẩy trẻ lún sâu hơn vào cái gọi là “khủng hoảng của tuổi lên 3”, càng lún sâu thì lại càng khó giúp trẻ vượt qua. Vì vậy người lớn chúng ta cần có sự hiểu biết về tâm lý trẻ; cần kiên trì, bình tĩnh và sáng suốt để có thể mang lại cơ hội phát triển tích cực cho con mình. Và một điều nữa các nhà tâm lý học thực hành khuyên rằng: dạy trẻ bằng cách đánh đòn, doạ nạt là biện pháp rất bất đắc dĩ, dễ mang lại hiệu quả tiêu cực khó lường.







TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Vũ Thị Nho (2008), Tâm lý học phát triển, NXB Đại Học Quốc Gia Hà Nội
2. Nguyễn Ánh Tuyết, (1998), Tâm lý học trẻ em, NXB Giáo Dục.
3. Nguyễn Ánh Tuyết (chủ biên), (1994), Tâm lý học trẻ em lứa tuổi mần non (từ lọt lòng đến 6 tuổi), NXB Đại Học Sư Phạm Hà Nội I
4. Nguyễn Như Ý (1998), Đại từ điển Tiếng Việt, NXB Văn Hóa – Thông Tin.
5. Phan Hồng Hà, (2009), Nhận thức của cha mẹ về những biểu hiện khủng hoảng tâm lý của trẻ tuổi lên 3, khóa luận tốt nghiệp, trường Đại Học Sư Phạm TP Hồ Chí Minh.
MỘT SỐ WEBSITE
1. www.yeutre.com
2. www.mevabe.com
3. www.tamlyhoc.net
4. www.chamsocbe.vn

KHỦNG HOẢNG TÂM LÝ Ở TRẺ TUỔI LÊN 3 D:\HỌC TẬP\HỌC KỲ I NĂM 2\TLH PHÁT TRIỂN\khung hoang tuoi len 3\Kết quả tìm kiếm Google cho http--socola_vn-photos-Image-2009-Mebe-Thang1-12-1213-02_jpg_files
KHỦNG HOẢNG TÂM LÝ Ở TRẺ TUỔI LÊN 3 Images?q=tbn:zmvZVJTWNq-0RM[img][/img]KHỦNG HOẢNG TÂM LÝ Ở TRẺ TUỔI LÊN 3 Images?q=tbn:zmvZVJTWNq-0RMKHỦNG HOẢNG TÂM LÝ Ở TRẺ TUỔI LÊN 3 Images?q=tbn:zmvZVJTWNq-0RM
Về Đầu Trang Go down
http://NGOINHATRAITIM.TK
 
KHỦNG HOẢNG TÂM LÝ Ở TRẺ TUỔI LÊN 3
Về Đầu Trang 
Trang 1 trong tổng số 1 trang
 Similar topics
-
» KHỦNG HOẢNG SAU KHI SINH
» SỰ PHÁT TRIỂN TÂM LÝ Ở LỨA TUỔI NHI ĐỒNG ( 6- 12 tuổi )
» ĐẶC ĐIỂM NHÂN CÁCH LỨA TUỔI TIỂU HỌC - NỘI DUNG VÀ CÁCH THỨC GIÁO DỤC ĐỐI VỚI LỨA TUỔI NÀY
» Đời sống xúc cảm, tình cảm ở lứa tuổi tiểu học
» MỘT SỐ NÉT TÂM LÝ ĐẶC TRƯNG CỦA TUỔI THANH NIÊN

Permissions in this forum:Bạn không có quyền trả lời bài viết
NGÔI NHÀ TRÁI TIM :: TÂM LÝ - GIÁO DỤC HỌC :: Kiến thức chuyên ngành :: Tâm lý học :: Tâm lý học phát triển-
Chuyển đến