NGÔI NHÀ TRÁI TIM
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

NGÔI NHÀ TRÁI TIM

Hãy cho - Hãy nhận - Hãy sống bằng cả con tim
 
Trang ChínhTrang Chính  Latest imagesLatest images  Tìm kiếmTìm kiếm  Đăng kýĐăng ký  Đăng NhậpĐăng Nhập  

 

 Tổ chức hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp (P1)

Go down 
Tác giảThông điệp
peterduynguyen
Admin
peterduynguyen


Tổng số bài gửi : 143
Join date : 18/04/2010

Tổ chức hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp (P1) Empty
Bài gửiTiêu đề: Tổ chức hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp (P1)   Tổ chức hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp (P1) Icon_minitimeFri Dec 31, 2010 7:29 am

PHẦN:
A. Nội dung giáo dục tiểu học
I. Giáo dục thể chất
II. Giáo dục lao động
B. Tổ chức hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp ở trường tiểu học
I. Tổ chức hoạt động vui chơi giải trí
II. Tổ chức hoạt động xã hội

A. NỘI DUNG GIÁO DỤC:
I. Nội dung giáo dục thể chất:
1. Giáo dục ý thức về thể chất
Giúp cho học sinh có những tri thức về:
- Thể dục : các bài tập thể dục buổi sáng và giữa tiết học; các môn thể thao và các trò chơi…
- Vệ sinh cơ thể: giữ vệ sinh cơ thể, bảo vệ và phòng chống những bệnh thông thường khi thay đổi thời tiết, ..
- Vệ sinh dinh dưỡng: biết những loại thức ăn cần cho cơ thể phát triển, ăn uống hợp vệ sinh.
- Vệ sinh môi trường: vệ sinh trường lớp và nơi công cộng.

2. Giáo dục thái độ đối với thể chất
Giúp cho học sinh có nhu cầu, hứng thú, say mê đối với việc rèn luyện thân thể; giữ vệ sinh cơ thể, vệ sinh ăn uống và vệ sinh môi trường.

3. Rèn luyện kỹ năng và thói quen rèn luyện thân thể, vận động và vệ sinh
- Kỹ năng và thói quen rèn luyện thân thể được thực hiện qua các bài tập thể dục và thể thao hằng ngày.
- Hình thành và hoàn thiện các kỹ năng và kỹ xảo vận động như đi, chạy, nhảy cao, ném, thăng bằng…
- Kỹ năng vệ sinh cơ thể, vệ sinh môi trường, phòng và chữa các bệnh thông thường.

II. Nội dung giáo dục lao động:
1. Ý nghĩa của giáo dục lao động:
Xuất phát từ vai trò của lao động đối với sự phát triển xã hội và phát triển con người, giáo dục lao động trong nhà trường là một nội dung quan trọng của sự phát triển nhân cách toàn diện. Nó là một nội dung giáo dục cơ bản và là một con đường, một nhiệm vụ trung tâm của nền giáo dục toàn diện trong nhà trường Việt Nam.
Giáo dục lao động (GDLĐ) cho HS tiểu học có ý nghĩa rất quan trọng: Nó góp phần tạo nên thái độ và thói quen hoạt động tích cực cho thế hệ trẻ. GDLĐ, nếu được thực hiện tốt sẽ có ảnh hưởng mạnh mẽ đến hiệu quả của các mặt GD khác : GD trí tuệ, đạo đức, thẩm mĩ và thể chất. Đặc biệt là qua đó có thể hình thành cho HS tiểu học thái độ học tập tích cực, chủ động và sáng tạo.

2. Mục đích và nhiệm vụ:
Mục đích giáo dục lao động trong nhà trường là chuẩn bị cho thế hệ trẻ có những phẩm chất và năng lực cần thiết của người lao động và để phát triển nhân cách toàn diện cho HS.
Do đó, giáo dục lao động cho HS tiểu học cần phải thực hiện tốt những nhiệm vụ sau đây:
- Truyền đạt và lĩnh hội hệ thống tri thức cơ bản về các loại hình lao động phổ biến, giúp học sinh nắm vững nguyên tắc chung của lao động, những kĩ năng sử dụng các công cụ lao động phổ thông, phổ biến, những hiểu biết ban đầu về kinh tế, bước đầu hình thành tư duy kĩ thuật, sáng tạo và tổ chức lao động tập thể.
- Hình thành những cơ sở ban đầu của phẩm chất người lao động trong thời đại mới, những thói quen và kĩ năng lao động tập thể, kết hợp lao động trí óc và lao động chân tay, giữ gìn vệ sinh trong lao động .v.v.
- Tạo mọi điều kiện hợp lí để học sinh vận dụng tri thức, kĩ năng vào cuộc sống. Giúp học sinh bước đầu đóng góp sức mình xây dựng xã hội.
- Kết hợp với giáo dục trí tuệ, thể chất, thẩm mĩ và đạo đức nhằm hình thành và phát triển nhân cách toàn diện cho HS.
Những nhiệm vụ trên của giáo dục lao động được thực hiện bằng cách tổ chức học tập và các loại hình hoạt động lao động vừa sức.

3. Những loại hình giáo dục lao động chủ yếu:
a) Học tập:
- Tổ chức cho học sinh học tập một cách có kế hoạch, có tổ chức khoa học, yêu cầu học sinh thực hiện việc học tập có nền nếp, kỉ luật và nỗ lực ý chí, tích cực, tự giác cao là một con đường để rèn luyện phẩm chất của người lao động mới.
b) Học lao động
- Muốn trở thành người lao động, biết lao động thì phải học lao động. Trước hết là học tri thức văn hoá − khoa học. Đồng thời rèn luyện những kĩ năng thực hiện các loại hình lao động phổ biến.
- Việc học tri thức và rèn luyện kĩ năng lao động là hai mặt thống nhất biện chứng, tạo nên năng lực lao động cho học sinh. Do đó, trong quá trình giáo dục giáo viên cần phải chú trọng cả mặt lí thuyết về lao động lẫn thực hành, thực tế.
c) Thực hiện các loại hình lao động vừa sức:
- Tổ chức cho học sinh tham gia các hoạt động lao động phù hợp với trình độ, sức khoẻ và đặc điểm tâm lí như : lao động tự phục vụ, công ích .v.v.
- Việc tổ chức lao động cho học sinh còn có ý nghĩa to lớn đối với việc giáo dục những phẩm chất đạo đức con người lao động mới như tính tập thể, tính tổ chức, kỉ luật, ý thức tự giác, thói quen làm việc khoa học ...
- Nhà trường phải chủ động phối hợp với gia đình và địa phương để tổ chức cho học sinh. Nhà trường cũng cần tăng cường xây dựng những cơ sở vật chất cần thiết như: vườn trường, xưởng trường.
 Yêu cầu tổ chức lao động cho học sinh tiểu học :
- Đảm bảo tính giáo dục của LĐ, tránh sự lạm dụng sức lực của học sinh nhằm mục đích kinh tế đơn thuần.
- Chú ý đến đặc điểm lứa tuổi và đặc điểm cá biệt của học sinh tránh những công việc nặng nhọc hoặc thời gian lao động quá dài.
d) Lao động công ích
- Lao động công ích là loại hình lao động phục vụ lợi ích xã hội như : Giúp đỡ gia đình thương binh, liệt sĩ ; tu sửa, chăm sóc các công trình công cộng như công viên, nghĩa trang, đường phố ; lao động để lấy tiền cứu trợ (công tác từ thiện) ; trồng cây gây rừng, giúp đỡ các gia đình khó khăn, neo đơn .v.v.
 Yêu cầu tổ chức lao động công ích : Lựa chọn những công việc mang ý nghĩa xã hội cao để động viên đông đảo học sinh tự giác tham gia. Cần phải kết hợp với Đội TNTP Hồ Chí Minh để tổ chức các buổi lao động có ý nghĩa xã hội − nhân đạo.
e) Lao động tự phục vụ:
- Là loại hình lao động mà học sinh phải hoạt động trong cuộc sống hằng ngày, có liên quan đến việc phục vụ cho đời sống cá nhân và gia đình học sinh, có tính chất tự phục vụ.
Ví dụ : Ở nhà: công việc nội trợ, sắp xếp, sửa chữa đồ dùng gia đình và cá nhân, chăm sóc gia súc gia cầm, chăm sóc em nhỏ, làm các công việc phục vụ học tập, công việc nữ công gia chánh.
Ở trường: tu sửa, trang trí lớp học, xây dựng vườn trường, sân trường, trồng hoa, trồng cây, vệ sinh làm đẹp lớp, đẹp trường .v.v.
- Cần phối hợp chặt chẽ với gia đình để tổ chức tốt lao động tự phục vụ cho các em.
- Chú ý đến việc biến lao động tự phục vụ thành thói quen, nếp sống.
 Tóm lại : Có rất nhiều loại hình lao động khác nhau. Mỗi loại hình có có những ý nghĩa GD khác nhau. Trong QTGD, cần có sự lựa chọn, phối hợp chúng trong những hoàn cảnh cho phép, theo cơ cấu hợp lí để mang lại kết quả giáo dục cao.

4. Những yêu cầu chung:
- Hoạt động lao động phải tạo ra được giá trị vật chất, tinh thần phục vụ cho lợi ích xã hội. Giá trị đó càng lớn thì ý nghĩa GD của lao động càng cao.
- Giúp HS nhận thức đầy đủ những giá trị xã hội của hoạt động lao động.
- Ngăn ngừa, khắc phục những tư tưởng vụ lợi, ích kỉ, đặt lợi ích cá nhân lên trên lợi ích tập thể, lợi ích xã hội.
- Mọi hoạt động lao động của học sinh trong nhà trường phải được tổ chức trong tập thể, hoạt động chung, hoạt động cùng nhau.
- Đảm bảo vừa sức của hoạt động lao động. Công việc lao động phải phù hợp với khả năng của học sinh về mặt sức khoẻ, thể chất lẫn mặt tâm lí lứa tuổi cũng như những đặc điểm cá nhân học sinh.
- Tổ chức nhiều loại hình lao động khác nhau, lựa chọn, phối hợp chúng một cách hợp lí để tổ chức giáo dục lao động cho học sinh. Nó tránh được sự nhàm chán, tăng cường hứng thú và tạo điều kiện cho học sinh rèn luyện được các kĩ năng lao động trong các hoàn cảnh, các công việc khác nhau.
- Tổ chức lao động thường xuyên. Giáo dục lao động cần phải tiến hành thường xuyên, liên tục trong suốt QTGD : Làm cho tri thức, kĩ năng, thói quen lao động được rèn luyện, củng cố vững chắc, có hệ thống. Giáo dục lao động cần phải có nội dung, chương trình, kế hoạch, tránh tình trạng lao động một cách tuỳ tiện, theo thời vụ....
- Đảm bảo vệ sinh và an toàn lao động kết hợp với việc rèn luyện ý thức xây dựng và bảo vệ môi trường.

B. TỔ CHỨC HOẠT ĐỘNG NGOÀI GIỜ LÊN LỚP:
I. Vị trí:
- Quá trình sư phạm tổng thể gồm quá trình dạy học và quá trình giáo dục (theo nghĩa tương đối hẹp).
- Quá trình dạy học và quá trình giáo dục bổ sung, hỗ trợ, thống nhất, gắn bó hữu cơ với nhau, thúc đẩy lẫn nhau cùng phát triển trong toàn bộ quá trình phát triển chung của trẻ.
- Quá trình dạy học không những nhằm giúp người học lĩnh hội các tri thức khoa học một cách hệ thống mà còn nhằm hình thành nhân cách toàn diện thông qua các môn học cụ thể trong chương trình; Đồng thời tạo cơ sở cho toàn bộ quá trình giáo dục đạt hiệu quả.
- Quá trình giáo dục tổ chức giúp người học nắm được những nội dung: hệ thống tri thức, thái độ, kĩ năng, hành vi ứng xử và thói quen hành vi thể hiện trong cuộc sống của cộng đồng, của xã hội. Từ đó hình thành ở người học những mặt xã hội, tâm lí, thể chất, cách ứng xử đúng đắn thông qua các mối quan hệ cùng nhau trong tập thể, trong nhóm, trong các hoạt động học tập, lao động, vui chơi, văn nghệ, thể dục thể thao, hoạt động xã hội.
- Cùng với dạy học ở trên lớp, thì HĐGDNGLL là một bộ phận rất quan trọng và vô cùng cần thiết trong toàn bộ quá trình dạy học – giáo dục ở nhà trường phổ thông nói chung và của trường tiểu học nói riêng. Hai bộ phận này gắn bó hỗ trợ với nhau trong quá trình giáo dục.
- HĐGDNGLL là hoạt động được tổ chức ngoài giờ học các môn học. HĐGDNGLL là hoạt động nối tiếp và thống nhất hữu cơ với hoạt động giáo dục trong giờ học trên lớp. Nó là cầu nối giữa công tác giảng dạy trên lớp với công tác giáo dục học sinh ngoài lớp.
- HĐGDNGLL :
+ Giúp học sinh củng cố, bổ sung những kiến thức đã được học qua các môn học ở trên lớp.
+ Phát triển sự hiểu biết của học sinh trong các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội, từ đó làm phong phú thêm vốn tri thức của học sinh.
+ Làm cơ sở giúp học sinh tự so sánh bản thân với người khác.
+ Hình thành và phát triển ở học sinh các kĩ năng ban đầu, cơ bản, cần thiết phù hợp với sự phát triển chung của các em (kĩ năng giao tiếp, kĩ năng tham gia các hoạt động tập thể, kĩ năng nhận thức,…).
+ Giúp học sinh hình thành và phát huy tính chủ thể và tính tích cực, tự giác trong việc tham gia vào các hoạt động chính trị xã hội. Trên cơ sở đó, bồi dưỡng cho các em thái độ đúng đắn với các hiện tượng tự nhiên và xã hội, có trách nhiệm đối với công việc chung.
– Điều đó chứng tỏ HĐGDNGLL là cầu nối giữa hoạt động giảng dạy và học tập ở trên lớp với giáo dục học sinh ở ngoài lớp thông qua các hoạt động lao động, văn nghệ, xã hội, thể dục thể thao… Hay nói cụ thể hơn, đó là sự chuyển hoá giữa giáo dục với tự giáo dục, chuyển hoá những yêu cầu về những chuẩn mực hành vi đã được quy định thành hành vi và thói quen tương ứng. Muốn cho sự chuyển hoá này diễn ra thì phải thông qua các hoạt động học tập, lao động, sinh hoạt tập thể, xã hội, vui chơi giải trí và qua giao lưu với bạn bè, với các thầy, cô giáo, với cha mẹ và mọi người xung quanh…
− Học sinh tiểu học là lứa tuổi ngây thơ, hồn nhiên, sống bằng tình cảm. Vì thế, HĐGDNGLL lại càng cần thiết và quan trọng nhằm giúp trẻ làm quen với các hoạt động, tích luỹ dần dần những kinh nghiệm thực tiễn của cuộc sống; đồng thời, HĐGDNGLL cũng đáp ứng những nhu cầu, quyền lợi của trẻ. Và đây cũng là con đường để giúp trẻ hình thành và phát triển toàn diện nhân cách.

II. Vai trò:
HĐGDNGLL ở trường tiểu học có vai trò sau :
− Là nơi thể nghiệm, vận dụng và củng cố tri thức trên lớp.
− Là dịp, cơ hội để học sinh tự bộc lộ nhân cách toàn vẹn, từ đó tự khẳng định vị trí của mình.
− Là môi trường nuôi dưỡng và phát triển tính chủ thể cho học sinh: chủ động, tích cực, độc lập và sáng tạo.
− Là dịp tốt để thu hút cả ba lực lượng giáo dục cùng tham gia giáo dục.

TÓM LẠI: Từ vị trí, vai trò quan trọng của HĐGDNGLL chúng ta càng hiểu rõ hơn việc tổ chức HĐGDNGLL thực sự là cần thiết, và là một bộ phận không thể thiếu của quá trình sư phạm tổng thể ở trường tiểu học nói riêng và ở trường phổ thông nói chung.
Trường nào thực hiện HĐGDNGLL có nội dung, kế hoạch, biện pháp và có các phương pháp đa dạng phong phú, trường đó sẽ đạt hiệu quả giáo dục cao. Những chủ nhân tương lai sẽ có tinh thần dám nghĩ, dám làm, năng động, sáng tạo đáp ứng cho sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, hội nhập được với sự phát triển kinh tế trong khu vực và quốc tế.

III. Mục tiêu:
Mục tiêu giáo dục tiểu học : “Giáo dục tiểu học nhằm giúp học sinh hình thành những cơ sở ban đầu cho sự phát triển đúng đắn và lâu dài về đạo đức, trí tuệ, thể chất, thẩm mĩ và các kĩ năng cơ bản để học sinh tiếp tục học trung học cơ sở”. (Trích Mục tiêu giáo dục tiểu học − Theo Nghị định số 43/ 2001/ QĐ – BGD – ĐT ngày 9 –11 – 2001 của Bộ Giáo Dục và Đào tạo).
– Mục tiêu và nhiệm vụ giáo dục được quán triệt vào HĐGDNGLL ở trường tiểu học như sau :
+ Nhiệm vụ củng cố tăng cường nhận thức.
+ Nhiệm vụ bồi dưỡng hệ thống thái độ.
+ Nhiệm vụ hình thành hệ thống kĩ năng, hành vi.

Nhiệm vụ củng cố, tăng cường nhận thức góp phần phát triển năng lực trí tuệ, năng lực tư duy và hình thành thế giới quan khoa học. Thái độ, tình cảm được hình thành dựa trên cơ sở, nền tảng của thế giới quan và niềm tin của con người. Nhiệm vụ này thực hiện tốt sẽ có tác dụng tốt, có tính chất quyết định đối với sự hình thành thái độ, tình cảm đạo đức, tình cảm trí tuệ, tình cảm thẩm mĩ và hoạt động xã hội.
Nhận thức, ý nghĩ của con người được thể hiện, bộc lộ qua thái độ, tình cảm. Thái độ, tình cảm được biểu hiện ở hành vi. Thông qua các hoạt động sống hằng ngày tạo thành các kĩ năng, thói quen phù hợp với các giá trị của cuộc sống. Hệ thống thái độ, hành vi, kĩ năng, thói quen được hình thành trở thành phương tiện, công cụ hữu hiệu nhất cho việc bổ sung, tăng cường nhận thức, mở rộng tầm hiểu biết ở mức độ cao và sâu sắc hơn. Sự kết hợp giữa kiến thức, tình cảm, niềm tin, và biểu lộ ở thói quen và hành vi lối sống của con người trong mọi mối quan hệ xã hội chính là thước đo, là hiệu quả của hoạt động giáo dục.
 Ba nhiệm vụ này có mối quan hệ hữu cơ, gắn kết, bổ sung lẫn nhau và làm tiền đề cho nhau.

1. Nhiệm vụ củng cố tăng cường nhận thức:
Tri thức là kết quả của nhận thức hiện thực được kiểm tra bằng thực tiễn và được phản ánh ở tư duy con người. Tri thức cũng giúp người học hiểu được thế giới xung quanh, biết cách cư xử đúng đắn với mọi người, biết cách tiến hành công việc trong lao động, trong học tập, trong hoạt động nghệ thuật, trong rèn luyện sức khoẻ v.v…
Vì thế, làm bất cứ một việc gì, dù đơn giản đến đâu chăng nữa thì tri thức vẫn là cơ sở đầu tiên để xác định mục đích, nắm bắt một cách chính xác, cụ thể, rõ ràng, trình tự hành động, và thao tác của công việc… Với ý nghĩa đó, tổ chức HĐGDNGLL trước hết phải nhằm giúp học sinh tiểu học củng cố các tri thức của các bộ môn đã học ở trên lớp. Đồng thời bổ sung thêm những tri thức về tự nhiên, xã hội, về con người mà trong bài học trên lớp chưa có điều kiện mở rộng. Chính từ những hoạt động đa dạng, phong phú này mà các em có nhiều cơ hội tiếp xúc với khoa học kĩ thuật công nghệ mới, văn hóa nghệ thuật, thể thao, lao động, hoạt động xã hội, nền kinh tế tri thức và kinh tế thị trường… Từ đó trẻ em có điều kiện tìm hiểu các phát minh mới nhất của khoa học kĩ thuật công nghệ, các thành quả của lao động sáng tạo, những nét tinh tuý văn hoá của các nước trên thế giới cùng với các nét văn hoá độc đáo của các dân tộc trên đất nước Việt Nam.

2. Nhiệm vụ bồi dưỡng thái độ, tình cảm
Tri thức là cơ sở, là nền tảng, là cội nguồn để hình thành niềm tin. Tri thức, thái độ và niềm tin là những thành phần cơ bản của ý thức con người nói chung và trẻ em tiểu học nói riêng. Ý thức lại được tôi rèn trong hoạt động, chẳng hạn như việc tham gia vào các HĐGDNGLL sẽ làm bộc lộ hứng thú, sở trường, năng lực của các em, đồng thời thể hiện lòng tự tin, tự trọng, tôn trọng bạn bè và mọi người kể cả các em nhỏ tuổi hơn mình.
Trong lao động, học tập, vui chơi, thể thao, văn nghệ ở bất kì nơi nào các em cũng luôn chấp hành nghiêm chỉnh quy định pháp luật, tôn trọng thuần phong mĩ tục, tôn trọng chuẩn mực xã hội… Những hoạt động đó giúp trẻ phát triển hài hoà giữa tình cảm thẩm mĩ, tình cảm đạo đức, tình cảm trí tuệ, và hoạt động xã hội để tạo nên một nhân cách toàn diện.
Bồi dưỡng thái độ, tình cảm cho trẻ em là một nhiệm vụ hết sức quan trọng và phải thực hiện ngay từ lứa tuổi tiểu học. Sự tham gia vào các loại hình HĐGDNGLL sẽ góp phần tạo nên sự thành công trong giáo dục mà các nhà giáo đang mong đợi.

3. Nhiệm vụ hình thành hệ thống kĩ năng, hành vi:
Hệ thống kĩ năng, hành vi là điều kiện quan trọng để thực hiện hoạt động có hiệu quả. Nói đến hoạt động là phải nói tới hành vi, kĩ năng thực hiện hoạt động. Vậy đối với học sinh tiểu học đó là những hành vi, kĩ năng nào ?
Đó là những kĩ năng thực hiện các công việc lao động đơn giản, các kĩ năng sáng tạo nghệ thuật, thực hiện các bài thể dục, các môn thể thao, các trò chơi, các hành vi ứng xử đối với mọi người trong gia đình, trong nhà trường và trong xã hội. Những kĩ năng tham gia hoạt động tập thể, kĩ năng tổ chức những hoạt động chung cùng nhau, biết phối hợp với mọi người cùng thực hiện hoạt động chung, nâng cao ý thức tự chủ, tự tin, chủ động và kĩ năng giao tiếp với mọi người. Dựa vào những kĩ năng, hành vi này để rèn luyện những kĩ xảo, thói quen đạo đức bền vững và những kĩ năng tự quản trong sinh hoạt tập thể. Làm được như vậy chúng ta đã góp phần tích cực vào công cuộc xây dựng chiến lược con người cho tương lai của đất nước.

IV. Nguyên tắc lựa chọn nội dung và hình thức:
– Lựa chọn nội dung HĐGDNGLL ở bậc tiểu học phải theo nguyên tắc chung :
+ Phù hợp với tình hình phát triển của xã hội đất nước.
+ Phù hợp với nhu cầu, hứng thú, xu hướng phát triển của trẻ.
+ Đảm bảo tính tích cực, độc lập, sáng tạo của trẻ.
– Từ những nguyên tắc nêu trên chúng ta cần lưu ý khi xây dựng nội dung và hình thức tổ chức hoạt động cho học sinh tiểu học cần tuân theo những yêu cầu sau:

1.Về nội dung:
– Nội dung phải gắn liền với các nhiệm vụ, yêu cầu giáo dục đã đề ra.
– Nội dung phải phù hợp với đặc điểm của học sinh :
+ Lứa tuổi (khối lớp).
+ Trình độ nhận thức.
+ Giới tính.
+ Sức khoẻ.
– Nội dung phải phù hợp với điều kiện kinh tế :
+ Thời gian (kỉ niệm các ngày lễ lớn trong năm).
+ Trường, lớp (sân bãi, dụng cụ, phòng ốc... ).
+ Địa bàn dân cư (miền núi, đồng bằng, thành phố, nông thôn... ).
+ Kinh phí (từ nguồn quỹ của trường, học sinh đóng góp, phụ huynh hỗ trợ...).
+ Tác động từ phía ngoài (các ban ngành, hội phụ huynh...).
2. Về hình thức:
– Hình thức phải thu hút, hấp dẫn học sinh.
– Phải phù hợp với nội dung.
– Nên thay đổi, sáng tạo các hình thức mới, tránh lặp lại nhiều lần một hình thức.

V. Những nội dung chủ yếu của HĐGDNGLL:
Những nội dung của HĐGDNGLL ở trường tiểu học :
– Phản ánh cuộc sống học tập, sinh hoạt và rèn luyện của học sinh tiểu học ở nhà trường, gia đình và xã hội.
– Thông tin cập nhật trong các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội phù hợp với nhận thức của học sinh tiểu học.
– Tạo cơ hội để học sinh tiểu học phát triển các khả năng của mình trong các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp.

Những nội dung của HĐGDNGLL trong trường tiểu học được thể hiện ở các loại hình hoạt động sau đây :
1. Hoạt động văn hóa – nghệ thuật:
Đây là một loại hình hoạt động quan trọng, không thể thiếu được trong sinh hoạt tập thể của trẻ em, nhất là học sinh ở bậc tiểu học. Hoạt động này bao gồm nhiều thể loại khác nhau : Hát, múa, thơ ca, kịch ngắn, kịch câm, tấu vui, độc tấu, nhạc cụ, thi kể chuyện, vẽ…
– Tập một bài hát, điệu múa.
– Trình diễn một chương trình văn nghệ.
– Thi văn nghệ giữa các tổ học sinh.
– Tổ chức vẽ tự do hoặc vẽ theo chủ đề.
2. Hoạt động vui chơi giải trí, thể dục thể thao:
– Vui chơi giải trí là nhu cầu thiết yếu của trẻ, đồng thời là quyền lợi của các em. Nó là một loại hoạt động có ý nghĩa giáo dục to lớn đối với học sinh ở trường tiểu học.
– Hoạt động này làm thoã mãn về tinh thần cho trẻ em sau những giờ học căng thẳng.
– Góp phần rèn luyện một số phẩm chất: Tính tổ chức, kỉ luật, nâng cao tinh thần trách nhiệm, tinh thần đoàn kết, lòng nhân ái….
– Một số trò chơi :
+ Đứng ngồi theo lệnh (rèn khả năng tập trung).
+ Nhóm ba, nhóm bảy (rèn phản xạ nhanh, tinh thần tập thể).
+ Tập tầm vông (rèn khả năng phán đoán).
+ Chi chi chành chành (rèn phản xạ nhanh, khả năng tập trung).
+ Sáng tối (rèn phản xạ nhanh, khả năng quan sát, hài hước và cố định động tác…).
+ Chuyền bóng tiếp sức (rèn sự khéo léo, nhanh nhẹn và sự phối hợp).
3. Hoạt động xã hội:
– Bước đầu đưa các em vào các hoạt động xã hội để giúp các em nâng cao hiểu biết về con người, đất nước, xã hội nhằm giáo dục tình cảm đối với quê hương đất nước, con người v.v…
– Các hình thức hoạt động : Tham gia công tác từ thiện, quỹ nhi đồng, đóng góp ủng hộ cho nạn nhân chất độc màu da cam, làm vệ sinh sạch đẹp môi trường v.v…

4. Hoạt động lao động công ích:
– Là một loại hình đặc trưng của HĐGDNGLL. Thông qua lao động công ích sẽ giúp trẻ gắn với đời sống xã hội.
– Lao động công ích góp phần làm cho trẻ hiểu thêm về giá trị của lao động, từ đó giúp trẻ có ý thức lao động lành mạnh.
– Lao động công ích giúp trẻ vận dụng kiến thức vào đời sống như : Trực nhật, vệ sinh lớp học, sân trường, làm đẹp bồn hoa, cây cảnh cho đẹp trường lớp.

5. Hoạt động tiếp cận khoa học – kĩ thuật:
– Là hoạt động giúp các em tiếp cận được những thành tựu khoa học – công nghệ tiên tiến. Điều đó sẽ tạo cho các em sự say mê, tìm tòi, kích thích các em học tập tốt hơn.
– Những hoạt động này có thể là sưu tầm những bài toán vui, tham gia sinh hoạt câu lạc bộ khoa học, hội vui khoa học, tìm hiểu các danh nhân, các nhà bác học…

TÓM LẠI: Ngoài 5 hoạt động đã nêu ở trên, HĐGDNGLL còn có những hoạt động khác đa dạng, phong phú phù hợp với lứa tuổi, trình độ của trẻ em tiểu học. Chúng ta có thể lựa chọn tuỳ theo trình độ, điều kiện cơ sở vật chất, con người cụ thể, thời gian, không gian cho thích hợp.

VI. Các chủ điểm giáo dục:
Các chủ điểm thường thực hiện ở trường tiểu học bao gồm :
1. Chủ điểm 1: Truyền thống nhà trường
Thời gian thực hiện : Tháng 9 – 10.
a. Yêu cầu giáo dục:
– Giáo dục sự hiểu biết về trách nhiệm của người học sinh với truyền thống của nhà trường.
– Rèn luyện nề nếp, thói quen tốt ở người học sinh tiểu học.
– Bồi dưỡng tình cảm, thái độ đối với trường lớp.
b) Các hình thức hoạt động:
– Tổ chức tập dượt đội hình chuẩn bị cho lễ Khai giảng năm học mới.
– Lễ Khai giảng năm học mới.
– Học tập nội quy nhà trường.
– Ôn luyện các bài hát đã được học từ năm học trước. – Tìm hiểu những nhiệm vụ trọng tâm, những chỉ tiêu chính của năm học mới, hướng phấn đấu của bản thân và của tập thể lớp trong năm học mới.
– Lao động tu sửa trường lớp.
– Phối hợp với Tổng phụ trách Đội tổ chức Đại hội Liên – Chi đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh.

2. Chủ điểm 2 : Kính yêu thầy giáo, cô giáo.
Thời gian thực hiện : tháng 11.
a. Yêu cầu giáo dục:
– Giúp học sinh nhận thức được công lao dạy dỗ của các thầy giáo, cô giáo.
– Giáo dục tình cảm tôn trọng, kính yêu và biết ơn thầy giáo, cô giáo.
– Thể hiện lòng biết ơn thông qua hoạt động văn hóa – văn nghệ mừng ngày Nhà giáo Việt Nam 20 – 11, viết thư thăm hỏi các thầy, cô giáo cũ, làm báo tường…
b. Các hình thức hoạt động:
– Phát động phong trào thi đua tháng học tốt, tuần học tốt, ngày học tốt giành nhiều điểm cao mừng thầy, cô giáo.
– Ra báo tường về ngày Nhà giáo Việt Nam 20 – 11.
– Các hoạt động văn hóa – nghệ thuật mừng ngày Nhà giáo Việt Nam 20 – 11.
– Lễ kỉ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam.
– Viết thư thăm hỏi thầy, cô giáo cũ.
– Công trình lao động “Mừng ngày Nhà giáo Việt Nam”.
3. Chủ điểm 3 : Yêu đất nước Việt Nam
Thời gian thực hiện : Tháng 12.
a. Yêu cầu giáo dục:
– Giáo dục cho học sinh hiểu biết về truyền thống của dân tộc, sự giàu đẹp của quê hương đất nước.
– Giáo dục thái độ tôn trọng với những chiến công, những chiến sĩ đã quên mình vì Tổ quốc. Qua đó giáo dục ý thức rèn luyện bản thân qua học tập.
– Sưu tầm tranh ảnh, các bài hát ca ngợi quê hương đất nước, các chiến sĩ bộ đội…
b. Các hình thức hoạt động:
– Tìm hiểu về những cảnh đẹp của quê hương đất nước.
– Sưu tầm tranh ảnh về anh bộ đội, về quê hương, đất nước.
– Cuộc thi “Em góp phần bảo vệ cảnh đẹp quê hương”.
– Ca hát về anh bộ đội.
– Tổ chức ngày 22–12 – Thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam – Ngày Quốc phòng toàn dân.
– Hội thi vui học tập chuẩn bị cho thi học kì I.

4. Chủ điểm 4 : Giữ gìn truyền thống văn hóa dân tộc
Thời gian thực hiện: tháng 1 – 2.
a. Yêu cầu giáo dục:
– Giáo dục học sinh hiểu biết về truyền thống văn hoá dân tộc địa phương.
– Giáo dục ý thức bảo vệ, phát huy truyền thống dân tộc cho các em.
– Bồi dưỡng cách giao tiếp, cách ứng xử cho các em.
b. Các hình thức hoạt động:
– Tìm hiểu những cái hay cái đẹp trong phong tục tập quán của quê hương : Lao động mùa xuân, tết trồng cây, ngày hội mùa xuân ...
– Học tập những điều cần làm trong ngày Tết cổ truyền (có thảo luận ở các lớp cuối cấp).
– Ca hát về mùa xuân quê hương, về sự đổi mới của quê hương, về Đảng, về Bác Hồ.
– Vui chơi các trò chơi dân gian, dân tộc : Hội vật, hội ném còn, chọi gà, đua thuyền, chọi trâu ...
– Thi nét đẹp tuổi thơ.
– Tham quan các viện bảo tàng hoặc các di tích lịch sử của quê hương.

5. Chủ điểm 5 : Yêu quý mẹ và cô giáo.
Thời gian thực hiện : Tháng 3.
a. Yêu cầu giáo dục:
– Hiểu ý nghĩa ngày Quốc tế Phụ nữ 8 – 3.
– Giáo dục cho học sinh lòng kính trọng, quý mến mẹ và cô giáo – hai người mẹ hiền, người phụ nữ Việt Nam.
– Biết cách thể hiện sự quý trọng người phụ nữ Việt Nam.
b. Các hình thức hoạt động:
– Phát động phong trào thi đua lập thành tích mừng ngày Quốc tế Phụ nữ.
– Ra báo tường về ngày Quốc tế Phụ nữ , ca hát về mẹ và cô giáo.
– Tổ chức kỉ niệm ngày Quốc tế Phụ nữ : 8 – 3.

6. Chủ điểm 6 : Bác Hồ kính yêu
Thời gian thực hiện : tháng 5.
a. Yêu cầu giáo dục:
– Giáo dục cho học sinh hiểu biết về Bác Hồ, hiểu biết về truyền thống của Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh.
– Giáo dục cho học sinh lòng kính yêu và biết ơn Bác Hồ.
b. Hình thức hoạt động:
– Phát động thi đua cuối năm học, lập thành tích dâng lên Bác Hồ kính yêu.
– Tổ chức “Hái hoa dân chủ” phục vụ cho ôn tập cuối năm.
– Tổ chức buổi “Gặp gỡ hữu nghị”.
– Tìm hiểu về thời niên thiếu của Bác Hồ.
– Ca múa về Bác Hồ.
– Tìm hiểu về truyền thống Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh.
– Đại hội Cháu ngoan Bác Hồ.
– Chuẩn bị kế hoạch hoạt động hè.

TÓM LẠI: Đây chỉ là một cách phân chia các chủ điểm giáo dục trong năm học ở trường tiểu học. Giáo viên có thể đưa ra những cách phân chia khác hợp lí hơn tuỳ theo đặc điểm của lớp, của trường, tuỳ theo trình độ và kinh nghiệm của bản thân.

VII. Hoạt động tự chọn:
1.Vị trí và vai trò:
Là một phần trong công tác HĐGDNGLL. Đây là hoạt động có tổ chức, có chỉ đạo, không phải là hoạt động tự do, tự phát của học sinh. Hoạt động này có sự định hướng tổ chức của nhà trường. Hoạt động tự chọn không bắt buộc học sinh thực hiện mà do sự tự nguyện, tự giác của các em.
Hoạt động tự chọn đối với học sinh tiểu học thường gắn liền với sở thích và năng khiếu.
Học sinh có năng khiếu về một lĩnh vực nào đó nhưng không có điều kiện hoạt động để được bộc lộ ra. Một số em có sở thích, nhu cầu hứng thú, năng khiếu về một lĩnh vực nào đó mà chưa được đáp ứng. Cho nên có thể nói hoạt động tự chọn sẽ giúp cho các em có điều kiện để thể hiện mình và phát triển năng khiếu.
Hoạt động tự chọn giúp cho học sinh nhỏ bước đầu định hướng được một số năng khiếu và một số kĩ năng (chưa phải là định hướng nghề nghiệp). Nội dung hoạt động tự chọn nhằm hướng học sinh tìm hiểu một nội dung học tập, một lĩnh vực kiến thức để góp phần giúp các em rèn luyện kĩ năng và tạo hứng thú trong học tập. Những kĩ năng, kiến thức được rèn luyện thông qua hoạt động tự chọn sẽ giúp học sinh củng cố, phát triển thêm trong giờ học tập ở trên lớp, giờ sinh hoạt tập thể…
2. Nội dung của hoạt động tự chọn:
Những nội dung trong lĩnh vực: Học tập, hoạt động văn hoá − nghệ thuật, khoa học − kĩ thuật, có tính chất nghiên cứu, rèn luyện kĩ năng tư duy sáng tạo, phát triển năng khiếu như: giải các bài toán vui, giải toán nhanh, học tin học, lắp ráp các đồ vật hình khối...
Trong lĩnh vực hoạt động xã hội: Tham gia bảo vệ môi trường xã hội, trồng cây xanh, giữ gìn di tích lịch sử, văn hoá, tham gia các hoạt động từ thiện, phong trào kế hoạch nhỏ của thiếu nhi.
Thể dục thể thao và các hoạt động vui chơi giải trí : Trò chơi dân gian, đố vui, ca hát, thể dục thể thao, võ thuật, cờ tướng, cờ vua, bóng đá, bóng bàn, bóng rổ…
Hình thức : Tham gia dưới các hình thức câu lạc bộ : toán học, cờ vua, võ thuật, đội tình nguyện bảo vệ môi trường, xã hội …
Về Đầu Trang Go down
 
Tổ chức hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp (P1)
Về Đầu Trang 
Trang 1 trong tổng số 1 trang
 Similar topics
-
» Tổ chức hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp (P2)
» ĐẶC TRƯNG VÀ QUY LUẬT CỦA HOẠT ĐỘNG GIẢNG DẠY NGOẠI NGỮ
» Tổ chức hoạt động vui chơi
» CÁC THÀNH TỐ CẤU TRÚC CỦA HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC VÀ MỐI QUAN HỆ CỦA CÁC THÀNH TỐ
» HOẠT ĐỘNG ĐỒ VẬT CỦA TRẺ

Permissions in this forum:Bạn không có quyền trả lời bài viết
NGÔI NHÀ TRÁI TIM :: TÂM LÝ - GIÁO DỤC HỌC :: Kiến thức chuyên ngành :: Giáo dục học :: Giáo dục học tiểu học-
Chuyển đến