NGÔI NHÀ TRÁI TIM
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

NGÔI NHÀ TRÁI TIM

Hãy cho - Hãy nhận - Hãy sống bằng cả con tim
 
Trang ChínhTrang Chính  Latest imagesLatest images  Tìm kiếmTìm kiếm  Đăng kýĐăng ký  Đăng NhậpĐăng Nhập  

 

 Dạy học lấy người học làm trung tâm (Phần 2)

Go down 
Tác giảThông điệp
hoangan_tlgd




Tổng số bài gửi : 9
Join date : 04/05/2010
Age : 33
Đến từ : Long An

Dạy học lấy người học làm trung tâm (Phần 2) Empty
Bài gửiTiêu đề: Dạy học lấy người học làm trung tâm (Phần 2)   Dạy học lấy người học làm trung tâm (Phần 2) Icon_minitimeTue May 10, 2011 3:13 am

Tiếp
B. Nội dung
I. Cơ sở lý luận
1. Cơ sở lý luận để đổi mới phương pháp dạy học
a) Đổi mới phương pháp dạy học là yêu cầu cấp bách trong thời đại hiện nay
Hiện nay, đa số học sinh đều có thể vào học hệ cao đẳng hoặc đại học; kể cả những người đang đi làm trở lại học với chuyên ngành nâng cao ngày càng đông. Do vậy, yêu cầu đào tạo hệ cao đẳng và đại học trên thế giới đang tăng lên rất nhanh cả về số lượng và chất lượng. trước tình hình đó, ở nhiều nước trên thế giới, các phương pháp dạy học mới dựa trên quan điểm phát huy tính tích cực của người học, đề cao vai trò tự học của học trò, kết hợp với sự hướng dẫn của thầy đang được áp dụng rộng rãi. Sự thay đổi này đã làm thay đổi không chỉ cách giảng dạy mà còn thay đối cả việc tổ chức quá trình giáo dục, ứng dụng những công nghệ dạy học, phương tiện kỹ thuật trong giảng dạy… do đó, khắc phục được nhược điểm của các phương pháp cũ, tạo ra một chất lượng mới cho giáo dục – đào tạo. Ở nước ta, trong quá trình cải cách giáo dục – đào tạo, mục tiêu, chương trình, nội dung giáo dục – đào tạo đã thay đổi nhiều lần cho phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và đạ đạt được những tiến bộ đáng khích lệ. Tuy nhiên, những thay đổi về phương pháp còn quá ít, quá chậm. Phương pháp được sử dụng phổ biến trong các trường đại học chủ yếu là thuyết giảng có tính chất áp đặt của thầy, coi nhẹ hoạt động tích cực, chủ động của trò. Sự chậm trễ đổi mới phương pháp dạy học ở đại học là trở ngại lớn cho việc thực hiện mục tiêu giáo dục mà Đảng ta đã đề ra là đào tạo “người lao động tự chủ năng động, sáng tạo”. Để khắc phục tình trạng này, Nghị quyết TW 2, khóa VIII, BCH Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã đề ra nhiệm vụ: “Đổi mới mạnh mẽ phương pháp giáo dục, khắc phục lối truyền thụ một chiều, rèn luyện thành nếp tư duy sáng tạo cho người học. Từng bước áp dụng các phương pháp tiên tiến và phương tiện hiện đại vào quá trình dạy học, đảm bảo thời gian tự học, tự nghiên cứu cho học sinh, nhất là sinh viên đại học. Phát triển phong trào tự học, tự đào tạo thường xuyên và rộng khắp trong toàn dân nhất là trong thanh niên”.
Quan niệm dạy học lấy người học làm trung tâm là cơ sở để đổi mới phương pháp dạy học hiện nay:
Quan điểm này có cơ sở lý luận từ việc nhận thức quá trình dạy học là quá trình có hai chủ thể: thầy và trò. Cả hai chủ thể này đều chủ động, tích cực, bằng hoạt động của mình hướng tới tri thức, thầy thì hoạt động truyền đạt kiến thức, còn trò thì hoạt động chiếm lĩnh tri thức và biến nó thành vốn hiểu biết của mình để tiếp tục hoạt động nhận thức và hoạt động thực tiễn… Đây là quan điểm dạy học đa số các nước có nền giáo dục tiên tiến quan tâm. Và ở Việt Nam hiện nay đang là vấn đề mà ngành giáo dục cũng như xã hội đặc biệt quan tâm đến nó.
b) Cơ sở của việc chuyển đổi trọng tâm từ người dạy sang người học
Chúng ta đang sống trong thời đại bùng nổ thông tin. Người ta ước tính mỗi ngày có hàng triệu thông tin ra đời và những thông tin này đều có thể truy nhập được từ các nguồn khác nhau, đặc biệt là từ Internet. Ngoài ra, tri thức các môn học cũng có thể học được từ truyền hình, từ các lớp học theo phương thức từ xa. Những thực tế này có nghĩa là quan niệm truyền thống về người giáo viên là “người toàn trí”, người biết tất cả tri thức của một ngành khoa học nào đó là quan niệm đã trở nên lỗi thời, không còn chỗ đứng trong xã hội hiện đại. Chúng cũng hàm chỉ rằng người dạy không phải là nguời cung cấp tri thức duy nhất mà rằng nội dung và phương pháp giảng dạy phải thay đổi cho phù hợp. Hơn nữa, các công trình nghiên cứu của các nhà tâm lí học ngôn ngữ (Roger 1951, Vygosky 1962) đã chứng minh rằng, học thông qua khám phá là cách học hữu hiệu nhất đối với người học. Theo phương pháp này, người học không những thu nhận được kiến thức đã có mà còn tìm ra được những kiến thức mới thông qua những hoạt động độc lập của mình. Cách học này khẳng định rằng học không phải chỉ là vấn đề cam kết cá nhân mà nó còn là vấn đề xã hội nữa, nghĩa là, người học không phải lúc nào cũng tự học một một mà để học tập một cách hữu hiệu hơn họ còn phải học thông qua tương tác - tương tác với thầy, với bạn bè, với sách vở, v.v… Đây là những cơ sở vững chắc để khẳng định rằng chuyển trọng tâm từ người dạy sang người học là việc làm phù hợp trong thế giới hiện đại.
2. Phương pháp dạy học lấy người học làm trung tâm
a) Dạy học theo phương pháp lấy người dạy làm trung tâm
Đây là hình thức dạy học phổ biến trong nền giáo dục thời phong kiến ở nhiều nơi, trong đó có nước ta. Lý luận giáo dục hiện đại xem đây là hình thức dạy học lỗi thời, không phù hợp với việc giáo dục phẩm chất con người hiện đại trong xu hướng giao lưu ngày càng mở rộng giữa các nước trên thế giới. Hoạt động dạy học này gợi chúng ta nhớ đến hình ảnh thầy đồ ngồi trên sạp gỗ hoặc cầm roi bước tới bước lui, còn học trò thì ngồi im trên những manh chiếu trải trước sân hoặc trong căn phòng vách lá, lắng tai nghe và đọc theo những điều thầy dạy, đôi khi cần phải chuyển thân lắc đầu theo nhịp điệu âm thanh gắn với từng bài học.
Trong hoạt động dạy học này, người thầy chủ yếu diễn giảng những điều có sẵn trong sách vở cho học trò nghe. Người thầy nói những điều mình đã học đã biết và học trò chỉ việc nghe, ghi chép lại và học thuộc lòng. Việc trao đổi qua lại giữa thầy trò hầu như không tồn tại, học trò chỉ hỏi thêm những điều chưa hiểu ngoài giờ lên lớp và nhiều khi, những trường hợp phát biểu trái ý kiến thầy của học trò bị xem là vô phép, thiếu lễ độ.
Các loại sách vở được nhắc đến ở đây chủ yếu là những sách vở Nho gia dạy đạo lý thánh hiền hay những trật tự khuôn phép để sống ở đời, cũng có khi là sách văn chương thơ phú. Có thể đây là một hình thức dạy học được xem là tích cực trong thời phong kiến, bằng chứng là nhiều người hấp thụ nền giáo dục đó cũng có thể trở thành những người tài trong xã hội xưa. Thế nhưng, hình thức dạy học này hoàn toàn không phù hợp với khuynh hướng giáo dục hiện đại, khi mà những kĩ năng sống thiết yếu của một con người xã hội trở thành “đơn đặt hàng” cho ngành giáo dục.
b) Dạy học theo phương pháp lấy người học làm trung tâm
Gần đây, nhu cầu đẩy mạnh phát triển giáo dục theo hướng hiện đại, đẩy lùi hình thức dạy học cũ làm thui chột khả năng tư duy của con người đã thúc đẩy sự ra đời của hình thức dạy học lấy người học làm trung tâm. Đây là hình thức dạy học được áp dụng từ lâu ở nhiều nước tiên tiến có nền giáo dục hiện đại, phái triển. Hình thức dạy học giúp cho người học chủ động chiếm lĩnh tri thức, tăng khả năng tư duy cho người học, phát huy mạnh mẽ tính tích cực trong học tập. Để phương pháp dạy học lấy người học làm trung tâm này thật sự phát huy tác dụng khi có những điều kiện giáo dục nhất định như: ý thức tự giác học tập của học sinh cao, cơ sở vật chất phục vụ dạy học đầy đủ và phù hợp, giáo viên có năng lực khơi gợi tạo tình huống, môi trường giáo dục xã hội thuận lợi, nguồn tài liệu tham khảo hay sách giáo khoa phong phú, số lượng học sinh trong một lớp phải vừa đủ, không quá nhiều cũng không quá ít...
c) Phương pháp dạy học hiện nay nên lấy ai làm trung tâm?
Dạy học được định nghĩa là quá trình tương tác qua lại giữa giáo viên và học sinh, khi đó học sinh dưới sự hướng dẫn của thầy có thể tìm ra, khám phá ra những tri thức mới mà bản thân chưa biết, hình thành những thói quen tư duy độc lập, sáng tạo; đồng thời phát triển toàn diện các kĩ năng sống và những phẩm chất đạo đức phù hợp với chuẩn mực xã hội... Quá trình dạy học đó lấy ai làm trung tâm? Điều trước tiên ai cũng biết khẩu hiệu “dạy học lấy người học làm trung tâm” muốn nhấn mạnh đến vấn đề hình thành và phát triển khả năng tư duy độc lập, sáng tạo tích cực của học sinh, biến quá trình dạy học thành quá trình giáo viên giúp người học tìm tòi phát hiện kiến thức chứ không phải giáo viên cung cấp kiến thức có sẵn cho học sinh. Như vậy, học sinh hoàn toàn chủ động học tập dưới sự hướng dẫn của giáo viên. Tiến xa hơn một bước, hình thức giáo dục này tạo điều kiện cho học sinh phát triển những kĩ năng và phẩm chất cần thiết của con người xã hội.
Về mặt lý thuyết là vậy, nhưng thực tế dạy học muôn màu muôn vẻ. Phương pháp dạy học cũ cũng có những mặt ưu điểm của nó chứ không phải chỉ toàn là khuyết điểm. Hoạt động diễn giảng của giáo viên trong những điều kiện nhất định với sự gợi mở kiến thức một cách khéo léo, hợp lý cũng có thể tạo nên những tiết học lý thú, giúp học sinh đào sâu mở rộng nhận thức và thăng hoa cảm xúc, đặc biệt là với các môn khoa học xã hội. Ngược lại, hình thức dạy học mới nếu không có cách tổ chức và khơi gợi hợp lý từ phía người thầy thì dễ rơi vào cảnh học sinh chỉ nói lại những điều sẵn có, nói một cách thuận chiều, ít đào sâu, buổi học nặng nề và chỉ sinh động trên hình thức.
Mục đích của việc dạy học là hình thành ở học sinh những năng lực và phẩm chất cần thiết để phát triển bản thân. Như vậy dạy học phải lấy học sinh làm trung tâm. Nhưng hiểu như vậy cũng chưa đủ, cần hiểu quá trình dạy học cũng là quá trình học tập của người thầy từ phía học sinh của mình và từ đó hình thành những kĩ năng sư phạm mới hoặc bồi dưỡng những kĩ năng đã có. Nhìn từ góc độ này thì cả người thầy và học sinh đều là những đối tượng, chủ thể nhận thức của quá trình dạy học. Không thể xem cả hai đều là trung tâm của quá trình này vì không có đối tượng nào “không là trung tâm” để so sánh và cũng không thể không xem trọng cả hai.
Như vậy, chúng ta có nên quá vướng mắc ở chỗ dạy học lấy ai làm trung tâm mà nên chăng hãy kiên trì thực hiện mục đích đặt ra của việc dạy học. Ở mặt đại thể, đã xác định và thống nhất với nhau giáo dục giúp cho con người phát huy năng lực tư duy và sáng tạo, hình thành những kĩ năng sống và phẩm chất đạo đức thì lấy đó làm kim chỉ nam cho mọi hoạt động dạy học. Những cách dạy học ngược lại, không thực hiện được mục đích đó như chỉ dạy cho con người học thuộc lòng, nói theo làm theo, không có chính kiến và không kiên trì lẽ phải... cần phải được mạnh dạn loại bỏ. Còn nếu nhìn ở phạm vi hẹp hơn thì lấy mục đích dạy học trong từng buổi học, bài học cụ thể làm kim chỉ nam để thực hiện được mục đích ấy. Từ đó bằng nhiều cách tạo nên những buổi học sôi động, học sinh biết động não tư duy, biết giải thích và thuyết phục người khác theo ý của mình mặc dù những ý kiến đó không hoàn toàn đúng cũng cần được khuyến khích và phát huy.
d) Định nghĩa dạy học lấy người học làm trung tâm
Giáo dục ra đời do nhu cầu của xã hội. Nhu cầu đó là chuẩn bị cho thế hệ trẻ tham gia tích cực vào tất cả các hoạt động, các lĩnh vực khác nhau của cuộc sống xã hội loài người. Giáo dục có từ thời kì manh nha của xã hội loài người. Lúc bấy giờ giáo dục mang tính tự phát trong quá trình hoạt động thực tiễn. Dạy học tồn tại và phát triển cùng với sự tồn tại và phát triển của xã hội loài người. Dạy học được xem như một quá trình tuyến tính cũng như mọi quá trình tự nhiên, trải qua thời kỳ hình thành, tồn tại và phát triển lâu dài của mình. Ở nước ta, mầm mống tư tưởng dạy học lấy người học làm trung tâm đã có từ lâu. Chúng ta có thể thấy được điều này qua các câu ngạn ngữ “Học thầy không tày học bạn”, “Học một biết mười”,… Và khoảng hai thập niên trở lại đây, trong giáo dục học quốc tế xuất hiện một khái niệm mới khá hấp dẫn; đó là khái niệm Student – centered learning hay learner centredness “lấy người học làm trung tâm” (nghĩa gốc là “sự tập trung vào người học”) (Tudor 1996).
Vậy lấy người học làm trung tâm là gì?
"Người học làm trung tâm" có nghĩa là việc học hoàn toàn là do người học quyết định và người học có thể đưa ra sự chọn lựa về việc học cái gì, học như thế nào và học khi nào ngay từ lúc họ bắt đầu sắp xếp việc học của mình có sự hỗ trợ và hướng dẫn của giáo viên.
Kember (1997) ủng hộ quan điểm cho rằng, trong quá trình dạy học, giáo viên nên đóng vai trò giúp đỡ cho sinh viên (facilitator) trong việc lĩnh hội kiến thức hơn là người cung cấp thông tin (information provider) cho họ.
“Giảng dạy lấy người học là trung tâm” có nghĩa là trong quá trình đào tạo, người học giữ vị trí then chốt, quyết định chất lượng đào tạo.
“Học sinh làm trung tâm học tập” hay được gọi là trẻ làm trung tâm học tập là một phương pháp tiếp cận với giáo dục tập trung vào nhu cầu của sinh viên, hơn là những người tham gia vào quá trình giáo dục, chẳng hạn như giáo viên hoặc quản trị viên.
Brenda Hall của trường học ESL đã viết về bản chất của "người học - trung tâm học tập": Học sinh làm trung tâm học tập là giúp đỡ học sinh để khám phá phong cách riêng của họ học tập, để hiểu được động lực của họ và để có được các kỹ năng học tập hiệu quả mà sẽ có giá trị trong suốt cuộc đời của họ. Để đưa phương pháp này vào thực hành, giáo viên cần phải giúp học sinh đặt mục tiêu đạt được, khuyến khích học sinh để đánh giá bản thân và đồng nghiệp của họ, giúp họ làm việc hợp tác trong nhóm và đảm bảo rằng họ biết làm thế nào để khai thác tất cả các nguồn lực sẵn có cho việc học.
Mặc dù, hiện nay có nhiều định nghĩa về việc học sinh làm trung tâm thực chất đều có điểm chung mô tả một sự chuyển đổi quyền lực từ người dạy sang ngươi học trong quá trình đào tạo, trong đó, yếu tố quyết định là người học chứ không phải là người dạy.
Trong đường hướng dạy học lấy người học làm trung tâm thì người học phải có những cách suy nghĩ về việc học tập của mình và nhấn mạnh trách nhiệm của người học cho các hoạt động như lập kế hoạch học tập, giao tiếp với giáo viên và học sinh khác, nghiên cứu, và đánh giá học tập.. người học làm trung tâm cho hoạt động học tập. Chủ trương lấy người học làm trung tâm nhằm ít nhất hai mục đích: nó tạo cho người học có nhiều cơ hội tham gia vào quá trình dạy - học một cách chủ động hơn, tích cực hơn và hữu hiệu hơn và để thực hiện được mục đích này nó yêu cầu phải xác định lại vai trò của người dạy và người học trong quá trình dạy - học. Người học là chủ thể của quá trình lĩnh hội tri thức, người học chủ động trong mọi tình huống. Sự tập trung vào học tập của học sinh và có nghĩa là trách nhiệm, tuy nhiên, đội ngũ giáo viên có một trách nhiệm lớn hơn để cung cấp kết quả học tập, đánh giá và đánh giá để hỗ trợ cho học sinh khi học độc lập. Người dạy đóng vai trò chủ đạo để hỗ trợ, hướng dẫn và định hướng người học. Ta thấy, với cách học lấy người học làm trung tâm thì người học sẽ là người tự khai phá tri thức, thầy cô giáo chỉ là người hướng dẫn và cung cấp thông tin. Những thắc mắc phát sinh trong quá trình học, sinh viên cũng tự phải tìm hiểu, thầy cô giáo chỉ đóng vai trò làm “trọng tài”, làm “cố vấn”.
e) Nguồn gốc, bản chất của phương pháp dạy học lấy người học làm trung tâm
(i) Nguồn gốc
Quá trình dạy học gồm hai mặt quan hệ hữu cơ: hoạt động dạy của giáo viên và hoạt động học của học sinh. Trong lí luận dạy học có những quan niệm khác nhau về vai trò của nười dạy và vai trò của người học nhưng tựu chung lại có hai hướng: hoặc tập trung vào vai trò hoạt động của giáo viên (lấy người dạy làm trung tâm) hoặc tập trung vào vai trò hoạt động của học sinh (lấy người học làm trung tâm).
Những năm gần đây các tài liệu giáo dục và dạy học ở nước ngoài và trong nước thường nói tới việc cần thiết phải chuyển từ dạy học lấy người dạy làm trung tâm sang dạy học lấy người học làm trung tâm. Đây là một xu hướng tất yếu có lí do lịch sử.
Trong lịch sử giáo dục, ở thời kì chưa hình thành tổ chức nhà trường, một giáo viên thường dạy cho một nhóm nhỏ học sinh, có thể chênh lệch nhau khá nhiều về lứa tuổi và trình độ. Chẳng hạn thầy đồ Nho ở nước ta thời kỳ phong kiến dạy trong cùng một lớp từ đứa trẻ mới bắt đầu học Tam tự kinh đến môn sinh đi thi tú tài cử nhân, trong kiểu dạy học này, ông thầy bắt buộc phải coi trọng trình độ, năng lực, tính cách của mỗi học trò và cũng có điều kiện để thực hiện cách dạy thích hợp với mỗi học sinh, vai trò chủ động tích cực của người học được đề cao, tuy nhiên năng suất dạy học quá thấp.
Từ khi xuất hiện tổ chức nhà trường với những lớp học có nhiều học sinh cùng lứa tuổi và trình độ tương đối đồng đều thì giáo viên khó có điều kiện chăm lo cho từng học sinh, giảng dạy cặn kẽ cho từng em. Từ đó hình thành kiểu dạy học “thông báo - đồng loạt”. giáo viên quan tâm trước hết đến việc hoàn thành trách nhiệm của mình là truyền đạt cho hết nội dung quy định trong chương trình giảng dạy, cố gắng làm cho mọi học sinh trong lớp hiểu và nhớ những lời thầy giảng. Cũng từ đó hình thành kiểu học thụ động, thiên về ghi nhớ, ít chịu suy nghĩ. Tình trạng này ngày nay càng phổ biến, đã hạn chế chất lượng, hiệu quả dạy học, không đáp ứng được yêu cầu của xã hội đối với sản phẩm của giáo dục nhà trường. Để khắc phục tình trạng đó, người ta thấy cần phát huy tính tích cực chủ động học tập của học sinh, thực hiện “dạy học phân hóa”, quan tâm đến nhu cầu khả năng của mỗi cá nhân học sinh trong tập thể lớp. Các phương pháp “dạy học tích cực”, “lấy người học làm trung tâm” đã ra đời trong bối cảnh đó. Nhìn theo quan điểm lịch sử như đã phân tích ở trên thì đây là sự trả lại vị trí vốn có từ thuở ban đầu cho người học. Trong quá trình giáo dục - dạy học, người học vừa là đối tượng vừa là chủ thể. Thông qua quá trình dạy học dưới sự chỉ đạo của người thầy, người học phải tích cực chủ động cải biến chính mình, không ai làm thay cho mình được. Nếu có một giai đoạn nào đó trong lịch sử giáo dục người ta đã không đặt đúng vị trí phải có của người học thì nay phải đặt lại cho đúng với quy luật của quá trình giáo dục.
Tư tưởng nhấn mạnh vai tích cực chủ động của người học, xem người học là chủ thể của quá trình học tập đã có từ lâu, ở thế kỉ XVII, A.Kômenski đã viết: “Giáo dục có mục đích đánh thức năng lực nhạy cảm, phán đoán, phát triển nhân cách… hãy tìm ra phương pháp cho phép giáo viên dạy ít hơn, học sinh học nhiều hơn”. Tạp chí Thông tin khoa học giáo dục, số 96/2003, trang 1.
Cũng từ lâu trong giáo dục đã xuất hiện các thuật ngữ “sự tự giáo dục”, “người tự giáo dục”. Ở nước ta, vấn đề phát huy tích cực chủ động của HS nhằm đào tạo những người lao động sáng tạo đã được đặt ra trong ngành giáo dục từ những năm 1960. Khẩu hiệu “biến quá trình đào tạo thành quá trình tự đào tạo” cũng đã đi vào các trường sư phạm từ thời điểm đó. Tuy nhiên, thuật ngữ “dạy học lấy người học làm trung tâm” (dạy học tập trung vào người học) chỉ mới xuất hiện và được sử dụng phổ biến trong những năm gần đây. Theo K.Barry và King (1993), đặt cơ sở cho HSTT là những công trình của John Dewey (Experience and education, 1938) và Carl Rogers (Freedom to learn, 1986). Các tác giả này đề cao nhu cầu, lợi ích của người học, đề xuất việc để cho người học lựa chọn nội dung học tập, được tự lực tìm tòi nghiên cứu. Theo hướng đó, bên cạnh xu hướng truyền thống thiết kế chương trình giảng dạy lấy logic nội dung môn học làm trung tâm đã xuất hiện xu hướng thiết kế chương trình học tập lấy nhu cầu, lợi ích của người học làm trung tâm.
(ii) Bản chất
Từ lĩnh vực dạy học, tư tưởng lấy người học làm trung tâm được mở rộng sang lĩnh vực giáo dục nói chung. Trong “thuật ngữ giáo dục người lớn” do Unesco xuất bản năm 1979 bằng ba thứ tiếng Anh, Pháp, Tây Ban Nha đã dùng thuật ngữ “giáo dục căn cứ vào người học”, “giáo dục tập trung vào người học” với định nghĩa là “sự giáo dục mà nội dung quá trình học tập và giảng dạy được xác định bởi nhu cầu, mong muốn của người học và người học tham gia tích cực vào việc hình thành và kiểm soát, sự giáo dục này huy động những nguồn lực và kinh nghiệm của người học”.
Trên sách báo có người quan niệm lấy người học làm trung tâm như một tư tưởng, một quan điểm, một cách tiếp cận quá trình dạy học. R.R.Singh (1991) cho rằng tư tưởng này đặc biệt nhấn mạnh vai trò của người học, hoạt động học. Người học được đặt ở vị trí trung tâm của hệ giáo dục, vừa là mục đích lại vừa là chủ thể của quá trình học tập. Vì nhấn mạnh điều này, tác giả đề nghị thay thuật ngữ “quá trình dạy học lấy người học làm trung tâm”, “quá trình học tập do người học điều khiển”. Tác giả đã viết: “Làm thế nào để cá thể hóa quá trình học tập để cho tiềm năng của mỗi cá nhân được phát triển đầy đủ đang là một thách thức chủ yếu đối với giáo dục”.
Cũng có người hiểu lấy người học làm trung tâm ở tầm phương pháp, R.C Sharma (1988) viết: “Trong phương pháp dạy học lấy người học làm trung tâm, toàn bộ quá trình dạy học đều hướng vào nhu cầu, khả năng, lợi ích của người học. Mục đích là phát triển ở học sinh kĩ năng và năng lực độc lập học tập và giải quyết các vấn đề… Vai trò của giáo viên là tạo ra những tình huống để phát triển vấn đề, giúp học sinh nhận biết vấn đề, lập giả thuyết, làm sáng tỏ và thử nghiệm các giả thuyết, rút ra kết luận”.
Theo tôi, không nên xem dạy học lấy người học làm trung tâm như một phương pháp dạy học, đặt ngang tầm với các phương pháp dạy học đã có, mà nên quan niệm nó như là một tư tưởng, một quan điểm dạy học chi phối cả mục tiêu, nội dung, phương pháp, hình thức tổ chức và đánh giá hiệu quả dạy học.
Hiện nay, trong ngành giáo dục nước ta vấn đề phát huy tích cực chủ động sáng tạo của người học được mọi người nhất trí nhưng vấn đề lấy người học làm trung tâm chưa phải là đã được mọi người chấp nhận và được quan niệm một cách thống nhất. Có người phản đối vì cho rằng cách dịch thuật ngữ này sang tiếng Việt không thành công, có thể gây ra sự hiểu lầm. Có người không chấp nhận vị trí trung tâm của người học trong hoạt động dạy học vì e rằng sẽ hạ thấp vai trò của người dạy, tạo ra sự “đổi ngôi” trong nhà trường. Cũng có người cho rằng lấy người học làm trung tâm là một lý thuyết giáo dục đã lỗi thời, thậm chí đã bị bác bỏ tại chính nơi sản sinh ra nó…
Trên thực tế, trong giai đoạn phát triển ban đầu, tư tưởng lấy người học làm trung tâm cũng đã từng có những lệch lạc bị phê phán như quá đề cao hứng thú cá nhân người học, coi đó là động lực quan trọng nhất của quá trình học tập, hoặc quan niệm quá khích rằng nhà trường phải dạy những gì người học cần chứ không phải dạy những gì nhà trường có.
Không nên vì những lệch lạc đó mà từ chối chấp nhận tư tưởng lấy người học làm trung tâm. Bản thân thuật ngữ “giáo dục học” (Pedagogics có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp paidos có nghĩa là trẻ em). Từ đầu, giáo dục học (sư phạm học) đã được hiểu là nghệ thuật giáo dục trẻ em. Vậy thì trẻ em là đối tượng, là trung tâm của hoạt động dạy học - giáo dục có gì là trái với chức năng cơ bản của giáo dục? Phong trào thi đua “học tốt, dạy tốt” trong ngành giáo dục nước ta đã sản sinh ra một khẩu hiệu nổi tiếng: “Tất cả vì HS thân yêu!”. Phải chăng khẩu hiệu này cũng đã xem học sinh là trung tâm của mọi hoạt động giáo dục trong nhà trường ? Chẳng lẽ khẩu hiệu đó đã từng gây ra nhận thức sai lầm về vị trí, vai trò của người dạy vì đã quá đề cao người học?
Thực hiện lấy người học làm trung tâm không những không hạ thấp vai trò của người dạy mà trái lại đòi hỏi người dạy phải có trình độ cao hơn nhiều về phẩm chất và năng lực nghề nghiệp. S.Rassekh (1987) viết: “Với sự tham gia tích cực của người học vào quá trình học tập tự lực, với sự đề cao trí sáng tạo của mỗi người học thì sẽ khó mà duy trì mối quan hệ đơn phương và độc đoán giữa thày và trò. Quyền lực của giáo viên không còn dựa trên sự thụ động và dốt nát của học sinh mà dựa trên năng lực của giáo viên góp phần vào sự phát triển tột đỉnh của các em… Một giáo viên sáng tạo là một người biết giúp đỡ học sinh tiến bộ nhanh chóng trên con đường tự học. Giáo viên phải là người hướng dẫn, người cố vấn hơn là chỉ đóng vai trò công cụ truyền đạt tri thức”.
Giáo dục nhà trường là một quá trình có mục đích, có kế hoạch, được tiến hành dưới sự chỉ đạo chặt chẽ của giáo viên. Để giúp học sinh nhanh chóng thích ứng và sớm góp phần phát triển đời sống tri thức, người ta thấy chăm lo phát triển tiềm năng của mỗi cá nhân cũng chưa đủ mà còn phải tổ chức cho học sinh hoạt động trong môi trường tập thể trên cơ sở tôn trọng tính cách của mỗi cá nhân. Việc phát triển các phương pháp dạy học tích cực, học tập hợp tác không chỉ còn có ý nghĩa ngay trong quá trình học tập ở nhà trường mà còn chuẩn bị cho các em đóng góp vào sự nghiệp xây dựng đất nước sau này, cũng như chuẩn bị cho tiền đồ của chính các em.
f) Sự khác biệt cơ bản về phương pháp dạy - học lấy người dạy làm trung tâm và lấy người học làm trung tâm
Người dạy làm trung tâm:
Mục tiêu dạy học: Người ta chăm lo trước hết đến việc thực hiện nhiệm vụ của giáo viên là truyền đạt cho hết những kiến thức đã quy định trong chương trình và trong sách giáo khoa, chú trọng khả năng và lợi ích của người dạy. Chuẩn bị cho học sinh đi thi là mục tiêu của dạy học. Có nhiều học sinh thi đỗ với thành tích cao gắn liền với lợi ích của thầy giáo.
Truyền thụ kiến thức: Kiến thức được truyền thụ từ giáo viên đến học sinh theo những gì giáo viên nói được tiếp thu và được học bởi học sinh
Sử dụng kiến thức: Nhấn mạnh lĩnh hội kiến thức ( thường là nhớ thông tin) ngoài bối cảnh thực tế mà kiến thức được sử dụng hay nói cách khác là người học phải học thuộc lòng.
Vai trò của giáo viên: Giáo viên là người cung cấp thông tin ban đầu và kiểm tra kết quả học tập (thầy độc quyền đánh giá cho điểm).
Kiểm tra đánh giá: Kiểm tra đánh giá được sử dụng với tính chất là để đánh giá kết quả học tập của người học.
Văn hoá học: Văn hoá học là cạnh tranh và cá thể hoá.
Người học làm trung tâm:
Mục tiêu dạy học: Người ta hướng vào việc chuẩn bị cho HS sớm thích ứng với đời sống xã hội, hòa nhập và phát triển cộng đồng, tôn trọng nhu cầu, lợi ích, tiềm năng của người học…
Truyền thụ kiến thức: Kiến thức được xây dựng từ người học qua việc thu thập, tổng hợp và tích hợp thông tin, với các kỹ năng như điều tra, trao đổi cũng như tư duy phê phán và tư duy sáng tạo
Sử dụng kiến thức: Nhấn mạnh sử dụng và trao đổi kiến thức có hiệu quả giữa người học, người dạy để khẳng định kiến thức lĩnh hội được và nhằm vào những vấn đề mà giống như sẽ gặp trong đời sống thực.
Vai trò của giáo viên: Giáo viên là người huấn luyện và thúc đẩy việc học. Cả hai giáo viên và học sinh cùng đánh giá kết quả học tập
Kiểm tra đánh giá: Ngoài đánh giá kết quả học tập của người học kiểm tra đánh giá còn được sử dụng để khảo sát vấn đề và thúc đẩy việc học sâu hơn nữa
Văn hoá học: Văn hoá học là hợp tác,cộng tác và trợ giúp.
g) Phương pháp dạy học lấy người học làm trung tâm cần thực hiện trên hai phương diện
Vào những năm cuối thế kỷ XX nền giáo dục thế giới đã xuất hiện một quan điểm mới đó là learner – centred nghĩa là lấy người học làm trung tâm. Ở nước ta, thì mầm mống tư tưởng dạy học lấy người học làm trung tâm đã có từ rất lâu. Và giáo sư Lê Khánh Bằng đã đề cập đến vấn đề này: “lấy người học làm trung tâm trên hai phương diện vĩ mô và vi mô, ở đây người dạy phải tính đến nhu cầu, nguyện vọng của người học, đến những đặc điểm tâm sinh lý và cấu trúc tư duy của từng người”.
(i) Trên phương diện vĩ mô: Trong quá trình dạy học lấy học sinh làm trung tâm, cần phải chú ý đến những yêu cầu của xã hội được phản ánh vào mong muốn của học sinh và đáp ứng được những yêu cầu đó. Học sinh là nhân vật trung tâm, giáo viên là nhân vật quyết định chất lượng. Một cách khái quát, người dạy đại diện cho nhà trường, đại diện cho hệ thống giáo dục. Mối quan hệ giữa nhà trường với người học thực chất là quan hệ của nhà trường và yêu cầu của xã hội.
Dạy học lấy học sinh làm trung tâm về mặt vĩ mô phải thỏa mãn được hai yêu cầu cơ bản là:
Thứ nhất là sản phẩm hệ thống giáo dục quốc dân và nhà truờng đào tạo ra đáp ứng đầy đủ và kịp thời các yêu cầu của nền kinh tế xã hội.
Thứ hai là chú ý đầy đủ lợi ích của học sinh, tức là quan tâm đến các đặc điểm tâm sinh lí và các điều kiện kinh tế xã hội của học sinh, tạo cho học sinh có niềm vui và hạnh phúc trong học tập.
Hai yêu cầu này đôi khi mâu thuẫn với nhau. Vì vậy, khi mâu thuẫn này nẩy sinh, cần có các cách giải quyết phù hợp.
(ii) Trên phương diện vi mô: Trong quá trình dạy học, việc lấy học sinh làm trung tâm gồm 4 điểm cơ bản sau:
Việc dạy học phải xuất phát từ đầu vào (người học), tức là từ nhu cầu, động cơ, đặc điểm và điều kiện của người học. Ở đây, cần thấy học sinh là học sinh như nó đang tồn tại, với những ưu điểm và nhược điểm, những điều chưa biết và đã biết. Phải tiến hành việc học tập trên cơ sở hiểu biết năng lực đã có của học sinh.
Cần đòi hỏi học sinh tham gia tích cực vào quá trình học tập, không tiếp thu một cách thụ động. Học sinh cần tích cực suy nghĩ, tích cực hoạt động.
Thực hiện phân hóa, chú ý đến tư duy của từng học sinh, không gò bó theo cách suy nghĩ đã định trước của giáo viên.
Động viên, khuyến khích và tạo điều kiện để học sinh tự kiểm tra, tự đánh giá quá trình học tập của mình tiến tới tự đào tạo và giải quyết các vấn đề lí luận và thực tiễn một cách độc lập, sáng tạo.
Trong quá trình dạy học với phương pháp lấy học sinh làm trung tâm, người dạy đóng vai trò rất quan trọng. Muốn thực hiện dạy học lấy học sinh làm trung tâm, người thầy vừa phải chú ý đến người học, vừa phải chú ý đến điều phải học. Giáo viên là người hướng dẫn, vì vậy phải không ngừng vươn lên học tập suốt đời để làm gương tốt cho học sinh. Người thầy phải là người có khả năng tổ chức, điều khiển mọi hoạt động của học sinh, giúp học sinh học tập tốt. R.R.Singh đã viết: “Trong dạy học lấy học sinh làm trung tâm, giáo viên không chỉ là người truyền thụ những kiến thức riêng rẽ. Giáo viên giúp cho học sinh thường xuyên tiếp xúc với những lĩnh vực học tập ngày càng rộng lớn hơn. Giáo viên đồng thời là người hướng dẫn, người cố vấn, người mẫu mực cho học sinh. Giáo viên không phải là chuyên gia ngành hẹp, mà là một cán bộ tri thức, là người học hỏi suốt đời. Trong việc thực hiện quá trình dạy học, người dạy và người học cùng nhau tìm tòi khám phá”.
h) Đặc điểm phương pháp dạy học lấy người học làm trung tâm
Người học sẽ được hướng vào việc chuẩn bị tri thức cho mình sớm thích ứng với đời sống xã hội, hòa nhập và phát triển cộng đồng, tôn trọng nhu cầu, lợi ích, tiềm năng của người học…
Lợi ích và nhu cầu cơ bản nhất của người học là sự phát triển toàn diện nhân cách. Mọi nỗ lực giáo dục của nhà trường đều phải hướng tới tạo điều kiện thuận lợi để mỗi HS - bằng hoạt động của chính mình – sáng tạo ra nhân cách của mình, hình thành và phát triển bản thân. Tuy nhiên, không nên từ đó đi đến cực đoan sai lầm rằng toàn bộ mục tiêu, nội dung giáo dục phải xuất phát và chỉ xuất phát từ lợi ích của trẻ, hoặc quan niệm máy móc rằng giáo viên dạy những gì học sinh yêu cầu chứ không phải là dạy những gì giáo viên biết.
Ngoài hệ thống kiến thức lí thuyết được trang bị thì sẽ không đủ để người học đáp ứng yêu cầu từ cuộc sống xã hội hiện nay. Cho nên, cần chú trọng các kỹ năng thực hành vận dụng các kiến thức lý thuyết, năng lực phát hiện và giải quyết những vấn đề thực tiễn.
Dạy học không chỉ đơn giản là cung cấp tri thức mà còn phải hướng dẫn hành động. Khả năng hành động là một yêu cầu được đặt ra không phải đối từng cá nhân mà cả ở cấp độ cộng đồng địa phương và toàn xã hội. Chương trình giảng dạy phải giúp cho từng cá nhân người học biết hành động và tích cực tham gia vào các chương trình hành động của cộng đồng; “từ học làm đến biết làm, muốn làm và cuối cùng muốn tồn tại phát triển như nhân cách một con người lao động tự chủ, năng động và sáng tạo”.
Người học có cơ hội hoạt động độc lập hoặc theo nhóm (thảo luận, làm thí nghiệm, quan sát vật mẫu, phân tích bảng số liệu…) thông qua đó người học vừa tự lực nắm các tri thức, kỹ năng mới, đồng thời được rèn luyện về phương pháp tự học, được tập dượt phương pháp nghiên cứu. Người dạy quan tâm vận dụng vốn hiểu biết và kinh nghiệm của từng cá nhân và của tập thể học sinh để xây dựng bài học. Giáo án được thiết kế theo kiểu phân nhánh. Những dự kiến của giáo viên phải được tập trung chủ yếu vào các hoạt động của học sinh và cách tổ chức các hoạt động đó, cùng với khả năng diễn biến các hoạt động của học sinh để khi lên lớp có thể linh hoạt điều chỉnh theo diễn tiến của tiết học, thực hiện giờ học phân hóa theo trình độ và năng lực của người học, tạo điều kiện thuận lợi cho sự bộc lộ và phát triển tiềm năng của mỗi cá nhân người học.
Chỗ ngồi của học sinh có thể bố trí thay đổi linh hoạt cho phù hợp với hoạt động học tập trong tiết học, thậm chí theo yêu cầu sư phạm của từng phần trong tiết học. Nhiều bài học được tiến hành trong phòng thí nghiệm, ngoài trời, tại Viện bảo tàng hay cơ sở sản xuất…
Học sinh tự giác khai phá tri thức và chịu trách nhiệm về kết quả học tập của mình, được tham gia tự đánh giá và tự đánh giá lẫn nhau về mức độ đạt các mục tiêu của từng phần trong chương trình học tập, chú trọng bổ khuyết những mặt chưa đạt được so với mục tiêu trước khi bước vào một phần mới của chương trình. Giáo viên khuyến khích sự tham gia của học sinh trong quá trình học tập và tập trung vào chất lượng của kết quả học tập để có nhiều khả năng nhận thức sâu sắc hơn, trau dồi kinh nghiệm học tập cho mình. Giáo viên ở đây chính là người hướng dẫn cho học sinh phát triển kỹ năng tự đánh giá, không thể chỉ dừng lại ở yêu cầu tái hiện kiến thức, lặp lại kỹ năng đã học mà phải khuyến khích óc sáng tạo, phát hiện sự chuyển biến thái độ và xu hướng hành vi của người học trước những vấn đề của đời sống gia đình và cộng đồng, rèn luyện khả năng phát hiện và giải quyết những vấn đề nảy sinh trong tình huống thực tế. Việc sử dụng các phương tiện kỹ thuật đã tạo điều kiện tăng nhịp độ kiểm tra, giúp người học có thể thường xuyên tự kiểm tra, làm giảm nhẹ lao động chấm bài cho giáo viên.
Đặt người học vào vị trí trung tâm của hoạt động dạy - học, xem cá nhân người học - với những phẩm chất và năng lực riêng của mỗi người - vừa là chủ thể vừa là mục đích của quá trình đó, phấn đấu tiến tới cá thể hóa quá trình học tập với sự trợ giúp của các phương tiện thiết bị hiện đại, để cho tiềm năng của mỗi học sinh được phát triển tối ưu, góp phần có hiệu quả vào việc xây dựng cuộc sống có chất lượng cho cá nhân, gia đình và xã hội, đó chính là cốt lõi tinh thần nhân văn trong dạy học lấy người học làm trung tâm.
Trong dạy học lấy người học làm trung tâm, vai trò chủ động tích cực của người học được phát huy nhưng vai trò của người dạy không hề bị xem nhẹ, bị hạ thấp. Trái lại, người dạy phải có trình độ chuyên môn sâu, có trình độ sư phạm lành nghề, có đầu óc sáng tạo và nhạy cảm cái mới có thể đóng nhiều vai trong một tiết dạy. người thầy đóng vai trò là người gợi mở, xúc tác, trợ giúp, hướng dẫn, động viên, cố vấn, trọng tài trong các hoạt động độc lập của các em, đánh thức năng lực tiềm năng trong mỗi em, chuẩn bị tốt cho các em tham gia phát triển cộng đồng. Định hướng cách dạy học như trên không mâu thuẫn với quan niệm truyền thống về vị trí chủ đạo, vai trò quyết định của giáo viên đối với chất lượng, hiệu quả dạy học.
Cần nhấn mạnh rằng dạy học lấy người học làm trung tâm có nội hàm rộng hơn phương pháp dạy học tích cực. Quan điểm dạy học lấy người học làm trung tâm cần được quán triệt trong tất cả các khâu của quá trình dạy học: mục tiêu, nội dung, phương pháp, hình thức tổ chức và đánh giá.
i) Đặc trưng của phương pháp dạy học lấy người học làm trung tâm
Xu hướng chung của đổi mới phương pháp dạy học đại học là đổi mới theo quan điểm dạy học lấy người học làm trung tâm. Quan điểm này có cơ sở lý luận từ việc nhận thức quá trình dạy học luôn luôn vận động và phát triển không ngừng chịu sự chi phối của nhiều quy luật, trong đó quy luật về mối quan hệ biện chứng giữa dạy và học, giữa thầy và trò trong quá trình dạy học là quy luật cơ bản. Thầy và trò - Cả hai chủ thể này đều chủ động, tích cực bằng hoạt động của mình hướng tới tri thức. Thầy giữ vai trò chủ đạo, tổ chức điều khiển hoạt động nhận thức của trò. Trò thì hoạt động tích cực chiếm lĩnh tri thức và biến nó thành vốn hiểu biết của mình để tiếp tục hoạt động nhận thức và hành động thực tiễn. Bàn về phương pháp dạy học chúng ta phải bàn đến PP dạy của thầy và PP học của trò. Sự phù hợp của phương pháp dạy học sẽ cho ta hiệu quả thực sự của việc dạy học. Thực chất của quan điểm dạy học lấy người học làm trung tâm, đó là hệ phương pháp dạy - học tích cực lấy người học làm trung tâm còn gọi là hệ phương pháp dạy - tự học, được xem như là một hệ thống phương pháp dạy học có thể đáp ứng được các yêu cầu cơ bản của mục tiêu giáo dục trong thời kỳ đổi mới hiện nay.
Hệ thống các phương pháp dạy học tích cực lấy người học làm trung tâm là kết quả của sự kết hợp giữa lý luận và thực tiễn, thực nghiệm ở nhà trường Việt Nam từ nhiều năm. Đó là sự tổng hợp, tích hợp nhiều phương pháp gần gũi nhau như : phương pháp tích cực, hợp tác, học bắng hành động, tình huống, nêu và giải quyết vấn đề..., và một phần nào đó có sự kết hợp với các phương pháp dạy học truyền thống được cải tiến, vận dụng theo hướng phát huy tính tích cực, tự giác, sáng tạo của người học. Trải qua quá trình nghiên cứu và vận dụng các phương pháp dạy học này chúng tôi có thể nêu bốn đặc trưng cơ bản sau đây :
- Người học - chủ thể của hoạt động học, tự mình tìm ra kiến thức cùng với cách tìm ra kiến thức bằng hành động của chính mình.
- Người học tự thể hiện mình và hợp tác với các bạn, học bạn.
- Người dạy là thầy học - chuyên gia về học và tự học, là người tổ chức và hướng dẫn quá trình dạy - tự học, quá trình kết hợp cá nhân hoá với xã hội hoá việc học của người học.
- Người học tự kiểm tra, tự đánh giá, tự điều chỉnh hoạt động nhận thức.
Như vậy, điều hay của các phương pháp này là không phải chỉ để người học dễ hiểu, để rồi học bài mau thuộc, mà còn giúp cho người học đào sâu suy nghĩ, tìm tòi, phát huy khả năng của họ. Tất nhiên là họ nhớ sâu, nhớ cái mà họ hỏi, nhớ cái mà họ đã tranh luận với bạn và cái đã được thực hành. Điều hay thứ hai là giúp cho người học tự trang bị phương pháp tự học và lòng ham học, sau khi ra đời vẫn muốn học và có thể tiếp tục tự học mãi. Để làm đựơc điều này người thầy giáo phải có đủ trình độ nắm vững đối tượng biết cách tổ chức và điều khiển, khơi gợi, phát triển tư duy cho người học.
Trong khi đó, chương trình sách giáo khoa của ta nhìn chung còn nặng nề mặc dù đã giảm tải, tỉ lệ kiến thức cần ghi nhớ cao lại mang tính hàn lâm, nghiêng về lý thuyết; cơ sở vật chất phục vụ dạy học nhiều nơi chưa phong phú, đầy đủ; giáo viên chưa được đào tạo những kĩ năng dạy học sáng tạo, hình thành ý tưởng dạy học mới; học sinh phổ thông đa phần chưa có ý thức tự học tập và tư duy độc lập, thi cử đặt nặng vấn đề tái hiện lý thuyết... thì việc áp dụng máy móc hình thức dạy học này vô tình khiến buổi học thêm thụ động, sự tích cực chỉ thể hiện ở một bộ phận thiểu số học sinh.
Đó là chưa nói, việc lấy học sinh làm trung tâm nếu hiểu không đầy đủ sẽ dẫn đến suy nghĩ xem thường vai trò của người thầy trong quá trình dạy học. Thực tế cho thấy, hình thức dạy học này chỉ phát huy tác dụng khi người thầy có phương pháp tổ chức dạy học tích cực và sáng tạo, kích thích được sự hăng say của người học. Đã có trường hợp áp dụng máy móc dẫn đến việc vai trò ngừời giáo viên trong lớp học trở nên mờ nhạt, buổi học thiếu hẳn sự sinh động cần thiết, rốt cuộc còn kém hơn so với cách dạy học cũ.
Hơn nữa, hình thức dạy học này cần thiết phải kéo theo một loạt các hoạt động giáo dục khác tương ứng: kiểm tra, đánh giá, thi cử cũng như nội dung và cách thức thi. Cho nên, nhiều khi kêu gọi phát huy lấy người học làm trung tâm trong khi nội dung lại theo kiểu học thuộc lòng những điều có sẵn thì rõ ràng việc kêu gọi chưa triệt để. Đối với môi trường Đại học, việc giảng dạy trong những điều kiện không thuận lợi như lớp học quá đông sinh viên, thời gian học thỉnh giảng gấp rút ngắn ngủi, cơ sở vật chất phục vụ dạy học chưa đủ... thì việc phát huy hình thức lấy người học làm trung tâm khó mà thực hiện được.
j) Những nguyên tắc khi áp dụng phương pháp dạy học lấy người học làm trung tâm
Người học phải có trách nhiệm hoàn toàn về việc học của họ.
Sự tham gia tích cực của người học vào quá trình học là vô cùng cần thiết.
Quan hệ giữa người dạy và người học phải bình đẳng với nhau.
Giảng viên là người gỡ khó và cung cấp thông tin cho người học.
Việc học những vấn đề phức tạp sẽ đạt hiệu quả cao nhất nếu nó được tiến hành trên cơ sở những thông tin và kinh nghiệm mà người học tích luỹ.
Người học thành công là người có thể diễn đạt tri thức đã học một cách có ý nghĩa và chặt chẽ.
Người học thành công là người có thể liên kết cái mới biết với cái đã biết một cách có ý nghĩa.
Người học thành công là người có thể tạo ra hoặc sử dụng những phương pháp khác nhau để đạt đến mục tiêu học tập.
Những chiến lược nhằm tuyển chọn và theo dõi các hoạt động trí tuệ có thể hỗ trợ cho tư duy khoa học và sáng tạo.
Hoạt động học tập chịu ảnh hưởng bởi các yếu tố môi trường chẳng hạn như văn hoá, trình độ công nghệ và phương pháp giảng dạy.
Học được những gì và bao nhiêu phụ thuộc vào động cơ học tập của người học. Động cơ này phụ thuộc vào trạng thái tình cảm, sở thích và mục đích học tập, và thói quen suy nghĩ của người học.
Khả năng sáng tạo, thói quen tìm tòi suy nghĩ, óc tò mò có quan trọng đối với động cơ học tập. Động cơ nội tại có thể được phát huy bằng những công việc đòi hỏi trí tuệ, phù hợp sở thích và sự cho phép chọn lựa cũng như làm chủ của người học.
Sự tiếp thu những kiến thức và kỹ năng phức tạp đòi hỏi nỗ lực của người học và cần có sự hướng dẫn. Nếu người học không có động cơ học tập đúng thì họ sẽ không có nỗ lực trừ phi bị ép buộc.
Người học càng lớn thì cơ hội và những khó khăn trong học tập là khác nhau. Sự học sẽ đạt hiệu quả nếu nó diễn ra phù hợp với điều kiện thể chất, trí tuệ, tình cảm và bối cảnh xã hội của người học.
Học tập là một hoạt động chịu sự chi phối bởi quan hệ xã hội, bởi sự giao tiếp với những người khác.
Mỗi người học có phương pháp và khả năng học tập riêng, phụ thuộc vào kinh nghiệm của mỗi người học và cả yếu tố di truyền nữa.
Học tập có thể đạt hiệu quả cao nêu người học được quan tâm đầy đủ đến ngôn ngữ, văn hoá và hoàn cảnh xã hội của họ.
Đặt ra những tiêu chuẩn cao một cách hợp lý để đánh giá người học và quá trình học của họ là điều không thể thiếu trong hoạt động dạy học.
3. Vai trò của người dạy và người học với phương pháp dạy học lấy người học làm trung tâm
a) Vai trò của người dạy
Trong thời đại “số hóa” hiện nay, người thầy đang đứng trước rất nhiều thách thức – thách thức từ xã hội, từ đồng nghiệp, từ người học và từ chính bản thân mình. Bởi khi đã nhận lãnh “sứ mệnh thiêng liêng” của xã hội – đào tạo một thế hệ có thể bắt kịp và làm chủ được thời đại, người thầy phải ý thức được rằng mình không hoàn toàn đi truyền trao kiến thức mà quan trọng hơn là hướng dẫn sinh viên phương pháp học tập và tinh thần chủ động trong học tập. Hiện nay, trong xu hướng hướng đổi mới phương pháp giảng dạy có những phương pháp dạy học đã bị xem là còn khá mới mẻ. Thực ra, một phương pháp không bao giờ quá khó nếu người thầy biết cách vận dụng cho phù hợp. Trong phương pháp dạy học theo hướng tập trung hoạt động vào người học thì người thầy phải “khắc phục lối dạy truyền thụ một chiều, rèn luyện thành nếp tư duy sáng tạo ở người học” (Nghị quyết TW 2 Khóa VIII). Người thầy cần thiết kế hoạt động học tập cho phép người học chứng minh những gì mà họ đang học. Phương pháp dạy học này, người dạy có nhiệm vụ nắm chắc nội dung kiến thức, từ nội dung đó tung ra những tình huống cho người học giải quyết. Khi đó, người học có thể thảo luận đưa ý kiến, tranh luận để đi đến chân lý khoa học, người dạy đóng vai chủ đạo là trọng tài, giải quyết những khuất mắt còn mơ hồ chưa được chứng minh cụ thể và can thiệp những lúc cần thiết. Người thầy không cung cấp sẵn kiến thức cho người học mà cho người học tự tìm đến với kiến thức đó thông qua hoạt động của họ, sau đó bổ sung thêm những phần còn thiếu sót. Vai trò của người thầy lúc này là dẫn dắt, khơi gợi, truyền cảm hứng cho người học. để có thể là người hướng dẫn, người cung cấp thông tin thì các thầy cô giáo phải có hiểu biết sâu sắc về những kiến thức cơ bản mình đảm nhiệm, đồng thời phải tự bổ sung kiến thức của mình thường xuyên.
b) Vai trò người học
Người học đóng vai trò chủ động, là người tự khai trí thức, những thắc mắc phát sinh trong quá trình học, sinh viên phải tự tìm hiểu, thầy cô chỉ đóng vai trò là người hướng dẫn, cố vấn,... tích cực chiếm lĩnh tri thức và biến nó thành vốn hiểu biết của mình để tiếp tục hoạt động nhận thức và hành động thực tiễn. Được tham gia tự đánh giá và tự đánh giá lẫn nhau về mức độ đạt các mục tiêu của từng phần trong chương trình học tập, được bổ khuyết những mặt chưa đạt được so với mục tiêu trước khi bước vào một phần mới của chương trình. Dưới sự hướng dẫn của người dạy, sinh viên sẽ phải tích cực hơn, tự giác hơn trong việc tham gia giải quyết các vấn đề, vận dụng cũng như học hỏi các kiến thức mới. đâu đâu cũng có thể trở thành lớp học: thư viện, trạm chờ xe buýt, … nói cách khác là học mọi lúc, mọi nơ và học từ nhiếu người. Người học có thực sự trở thành trung tâm hoạt động học tập hay không, đòi hỏi bản lĩnh của người học, chịu trách nhiệm về việc học của mình. Bỏ ra rất nhiều thời gian cho việc học của mình, đòi hỏi phải có sự nghiên cứu tìm kiếm tài liệu và tham khảo tài tiệu từ nhiều nguồn khác nhau chứ không chỉ riêng gì trong sách vở. Đứng trước thời đại phát triển như hiện nay, thông tin kiến thức là vô tận đòi hỏi người học phải biết lựa chọn cho mình nguồn kiến thức nào phù hợp và đảm bảo nguồn thông tin đó. Phải linh động trong cách giải quyết tình huống và vấn đề mà người thầy tung ra…
...... hsbc Quốc An hsbc ......
(Xem tiếp phần 3)
Về Đầu Trang Go down
 
Dạy học lấy người học làm trung tâm (Phần 2)
Về Đầu Trang 
Trang 1 trong tổng số 1 trang
 Similar topics
-
» Dạy học lấy người học làm trung tâm (Phần 1)
» Dạy học lấy người học làm trung tâm (Phần 3)
» Trung tâm giá trị sống innerspace
» Khóa học mơi Trung Tâm inner space (22/3 - 12/4)
» MỘT SỐ NÉT TÂM LÝ ĐẶC TRƯNG CỦA TUỔI THANH NIÊN

Permissions in this forum:Bạn không có quyền trả lời bài viết
NGÔI NHÀ TRÁI TIM :: TÂM LÝ - GIÁO DỤC HỌC :: Kiến thức chuyên ngành :: Giáo dục học :: Tổ chức hoạt động dạy học-
Chuyển đến