NGÔI NHÀ TRÁI TIM
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

NGÔI NHÀ TRÁI TIM

Hãy cho - Hãy nhận - Hãy sống bằng cả con tim
 
Trang ChínhTrang Chính  Latest imagesLatest images  Tìm kiếmTìm kiếm  Đăng kýĐăng ký  Đăng NhậpĐăng Nhập  

 

 Dạy học lấy người học làm trung tâm (Phần 3)

Go down 
Tác giảThông điệp
hoangan_tlgd




Tổng số bài gửi : 9
Join date : 04/05/2010
Age : 33
Đến từ : Long An

Dạy học lấy người học làm trung tâm (Phần 3) Empty
Bài gửiTiêu đề: Dạy học lấy người học làm trung tâm (Phần 3)   Dạy học lấy người học làm trung tâm (Phần 3) Icon_minitimeTue May 10, 2011 4:14 am

Tiếp
II. Thực trạng về quan điểm phương pháp dạy học lấy người học làm trung tâm ở khoa Tâm lý – Giáo dục trường Đại Học Sư Phạm TP.HCM hiện nay
“Suốt bốn năm qua, dưới mái nhà Tâm lý - Giáo dục tôi đã học được rất nhiều thứ. Những điều tôi học không chỉ đơn thuần là những kiến thức sách vở mà rất nhiều sự trải nghiệm, sự trưởng thành mà tôi có được. Tôi của ngày hôm nay đã rất khác xa của bốn năm về trước: bản lĩnh và tự tin hơn rất nhiều. Tôi thầm cảm ơn thầy cô đã luôn tạo điều kiện để chúng tôi học tập và rèn luyện thông qua chính những giờ học sinh động luôn ngập tràn niềm vui, tiếng cười, sự nhộn nhịp, sự tranh luận, lý giải… đôi khi cũng là chút tranh cãi để đi tìm chân lý khoa học…Tôi biết rất nhiều sinh viên Khoa khác ganh tỵ với chúng tôi – sinh viên Khoa Tâm lý - Giáo dục. Chúng tôi được trang bị phòng học riêng, luôn được cập nhật và giảng dạy bằng phương pháp mới, được khám phá và tìm hiểu kiến thức thông qua những hoạt động, những trò chơi nhận thức, trò chơi sáng tạo, những chuyên đề… Tôi cảm thấy mình và các bạn được xem như là trung tâm, mọi điều thầy cô truyền đạt, tổ chức đều vì chúng tôi. Những cái hay, những cái tinh tế nhất đề dành tặng cho chúng tôi. Khi nhắc đến vấn đề tổ chức hoạt động dạy học theo quan điểm lấy phương pháp dạy học lấy người học làm trung tâm, tôi nghĩ rất khó tìm được một Khoa nào khác ngoài Khoa Tâm lý - Giáo dục làm được những điều tuyệt vời như thế!......” Đây là những dòng cảm nhận của chị Mai Mỹ Hạnh sinh viên năm 4 khoa Tâm lý - Giáo dục nói về những cái hay mà phương pháp dạy học lấy người học làm trung tâm mà khoa Tâm lý - Giáo dục trường Đại Học Sư Phạm TP.HCM đã áp dụng trong nhiều năm qua.
………………………………….
Thưa cô! Đứng với góc độ là một người giảng viên có nhiều thâm niên công tác giảng dạy ở khoa Tâm lý – Giáo dục trường Đại Học Sư Phạm TP.HCM. Cô có thể chia sẻ quan điểm của cô về phương pháp dạy học lấy người học làm trung tâm hiện nay ở khoa Tâm lý – Giáo dục mình không ạ!
Thạc sĩ Lê Thị Hân chia sẻ như sau:
“ Dạy học lấy người học làm trung tâm được xem là một quan niệm, một xu hướng dạy học hướng vào người học, đề cao vai trò chủ thể, tính tích cực chủ động của người học. Thầy giáo đóng vai trò là người tổ chức, hướng dẫn, còn học trò là người thực hiện, phát hiện và quyết định quá trình nhận thức của mình. Mục tiêu, nội dung, cách thức họat động, vai trò của học sinh, hình thức dạy học... sẽ khác nhiều so với dạy học theo lối dạy hoc cổ truyền.
Cơ sở tâm lý của phương hướng dạy học lấy người học làm trung tâm là: Theo lý thuyết hoạt động, hoạt động là điều kiện là cơ chế của sự hình thành và phát triển tâm lý, tâm lý là sản phẩm của hoạt động có đối tượng… Vì thế dạy học là việc tổ chức hoạt động cho học sinh lĩnh hội kiến thức, nền văn hóa và học sinh phải là chủ thể của hoạt động lĩnh hội, sáng tạo. Cơ sở nữa là từ nhu cầu của con người. Con người chỉ hoạt động, chỉ tích cực khi có một nhu cầu thúc đẩy. Con người có xu thế tích cực đi tìm kiếm những đối tượng thỏa mãn nhu cầu.
Dạy học lấy người học làm trung tâm có những lợi thế: dựa trên nhu cầu, lợi ích của người học, vai trò làm chủ, tính tích cực trong lĩnh hội. Phát huy vốn sống, vốn kinh nghiệm, khả năng tư duy sáng tạo của họ và hướng vào ý nghĩa thực tiễn của tri thức. Dạy học theo hướng này thì người học học ở nhiều người (thầy cô, bạn bè, sách báo,…) và học được từ rất nhiều điều, biết cách học, cách giải quyết vấn đề từ đó hình thành động cơ học tập...
Tuy nhiên không nên so sánh có tính chất cứng nhắc giữa 2 kiểu dạy học truyền thống và dạy học lấy người học làm trung tâm để phê phán và đề quá cao kiểu dạy học này. Bản chất đích thực của hoạt động học của học sinh vẫn là tự họ hành động, họ phải có động cơ, có nhu cầu, có hứng thú, họ là người quyết định kết quả học tập của chính mình. Vì thế phương hướng dạy học lấy người học làm trung tâm không đối lập hẳn với phương hướng dạy học cổ truyền. Vì dù dạy học kiểu nào cũng dựa trên nhận thức trên hoạt động của người học, chỉ có điều với việc coi người thầy là trung tâm (quan trọng) như trước kia thì cần đổi mới phương pháp để phát huy tính tích cực của người học, vì nhu cầu và sự phát triển của họ để tổ chức, thiết kế hoạt động dạy học nói chung và bài học nói riêng theo hướng tích cực này….”
………………………………….
Là một sinh viên năm ba đang học tập tại khoa Tâm lý – Giáo dục năng nổ trong công tác Đoàn – Hội, chị Chế Dạ Thảo sinh viên lớp Tâm lý khóa K34 cũng có những sẻ chia về quan điểm dạy học lấy người học làm trung tâm như sau: Chúng ta là những sinh viên khoa chuyên về Tâm lý – Giáo dục nên được thầy cô dạy rất kỹ về những phương pháp dạy học ở các môn như giáo dục học đại cương, tổ chức hoạt động dạy học, giáo dục học phổ thông,… Nên phương pháp này không quá xa lạ gì đối với chúng ta. Thật sự mà nói, phương pháp dạy học lấy người học làm trung tâm hiện nay mà khoa mình đang áp dụng, chị thấy rất đồng tình. Tuy gian đầu mới tiếp cận thì thấy cũng hơi khó khăn nhưng khi quen rồi cảm thấy rất hay. Bởi vì, khi thay đổi từ lối dạy học truyền thống sang hướng dạy học tích cực lấy người học làm trung tâm thì sinh viên tụi mình sẽ hoạt động học tập nhiều hơn. Thời gian cho việc học, sưu tầm tài liệu, làm bài thuyết trình nhóm,… được đầu tư rất nhiều. Thông qua hướng dạy học này, sinh viên sẽ tích cực, chủ động, sáng tạo trong việc tìm tòi và phát hiện ra những kiến thức cho mình. Được học phương pháp dạy học lấy người học làm trung tâm thì sinh viên sẽ làm việc nhóm, thuyết trình trên lớp, đi quay phim phỏng vấn, đi thực tế từ thực tiễn,… Nhờ đó sẽ hình thành được những kỹ năng rất cần có cho nghiệp vụ sư phạm….
………………………………….
Với tư cách là Phó trưởng khoa Tâm lý – Giáo dục trường Đại Học Sư Phạm TP.HCM hiện nay, thì Tiến sĩ Thu Mai cho biết thêm về thực trạng áp dụng phương pháp dạy học lấy người học làm trung tâm ở khoa Tâm lý – Giáo dục hiện nay như sau: “Dạy học theo phương pháp lấy người học làm trung tâm chính là dạy học xây dựng kiến thức ở người học, hướng đến hoạt động tích cực của sinh viên. Người học đóng vai trò chủ động, người thầy đóng vai trò chủ đạo. Khi áp dụng phương pháp dạy học lấy người học làm trung tâm thì vốn kiến thức được mở rộng không còn phụ thuộc vào kiến thức người thầy (thầy bao nhiêu thì trò bấy nhiêu). Người học được thể hiện tính tích cực của mình, có niềm vui, sự tự tin trong học tập, chuyển hóa những cái chưa biết, chưa hoàn thiện thành nguồn kiến thức cho bản thân sinh viên . Thầy cô nào cũng muốn thay đổi phương pháp dạy học, phương pháp dạy học này đã được triển khia khá lâu và thu được những hiệu quả nhất định nhưng bên cạnh đó cũng mắc phải một số hạn chế. Về phía sinh viên thì không phải tất cả đều sẵn sàng, một số còn lười biếng, ít đi thư viện, có tâm lý thụ động trong học tập và gặp nhiều khó khăn về nguồn sách, tài liệu, Internet, khó khăn trong vấn đề tự học, làm bài tập và thuyết trình nhóm. Do dạy học theo hướng lấy người học làm trung tâm thì đòi hỏi ở sinh viên phải có thời gian tự nghiên cứu rất nhiều. Đòi hỏi sinh viên phải nghiên cứu trước ở nhà nhưng có không ít các bạn chưa nghiên cứu trước. Vào lớp thì theo dõi không kịp, bạn thuyết trình thì không ghi chép lại, các bạn ấy có tâm lý cho rằng kiến thức từ thầy cô mới đúng… Nên có không ít sinh viên than phiền về phương pháp này. Về phía giảng viên thì chưa được đào tạo một cách bài bản, chỉ mầy mò tự nghiên cứu là chủ yếu, phải đầu tư tốn nhiều công sức và tâm huyết... Người thầy là sản phẩm do nền giáo dục truyền thống của đất nước tạo ra, nên sự thay đổi có hạn chế trong quan niệm và cách làm. Hình thức lớp học còn đông sinh viên và thời gian bị hạn chế. Khi đánh giá vẫn lấy kiến thức chuẩn trong giáo trình để đánh giá vì thế thầy và trò đề phải hướng vào nội dung chính, ít dám mở rộng...”
C. Kết luận, kiến nghị
I. Kết luận
Việc áp dụng phương pháp dạy học lấy người học làm trung tâm (hướng tập trung hoạt động vào người học) đang đánh giá là một phương pháp tiên tiến so với phương pháp truyền thống. Người học cảm thấy họ được tôn trọng, nhờ đó học tham gia tích cực hơn, có động cơ tích cực hơn, có sự tự tin hơn trong quá trình học tập.
Ta thấy, trong quá trình chuyển hóa từ kiểu dạy học truyền thống sang kiểu dạy học mới - lấy người học làm trung tâm có sự thay đổi về tỉ trọng và nội dung vai trò của người dạy và người học. Dạy học lấy học sinh làm trung tâm đã phát huy được vai trò chủ động, tích cực và sáng tạo của học sinh, đồng thời đề cao hơn vai trò chủ đạo của người thầy. Ở đây, giáo viên phải có trình độ chuyên môn sâu, có trình độ sư phạm lành nghề, có đầu óc sáng tạo và nhạy cảm mới có thể đóng vai trò là người gợi mở, xúc tác, trợ giúp, hướng dẫn, động viên, cố vấn, trọng tài trong các hoạt động độc lập của học sinh, đánh thức năng lực tiềm tàng trong mỗi em, chuẩn bị cho học sinh tham gia tích cực vào phát triển cộng đồng.
Đặt người học vào vị trí trung tâm của quá trình dạy học, xem cá nhân người học – với những phẩm chất và năng lực riêng của mỗi người – vừa là chủ thể, vừa là mục đích của quá trình đó, phấn đấu tiến tới cá thể hóa quá trình học tập với sự trợ giúp của các phương tiện, thiết bị hiện đại để cho tiềm năng của mỗi học sinh được phát triển tối ưu, góp phần có hiệu quả vào xây dựng cuộc sống có chất lượng cho cá nhân, gia đình và xã hội.
Đó chính là cốt lõi tinh thần nhân văn trong dạy học lấy học sinh làm trung tâm. Đây là một công việc khó khăn và lâu dài, đòi hỏi sự hoạt động mạnh mẽ, có sự phối hợp đồng bộ của tất cả các cấp, ban, ngành và đội ngũ giáo viên. Giải quyết tốt vấn đề dạy học lấy học sinh làm trung tâm sẽ nâng cao được chất lượng và hiệu quả giáo dục, thúc đẩy quá trình học tập của học sinh dẫn tới giải quyết tốt vấn đề đầu ra, đáp ứng được nhu cầu cần thiết của xã hội.
Qua bài nghiên cứu tìm hiểu quan điểm về phương pháp dạy học lấy người học làm trung tâm ở khoa Tâm lý – Giáo dục trường Đại Học Sư Phạm TP.HCM. Ta cũng thấy được, đa phần các giảng viên, sinh viên của khoa đã có nhiều am hiểu về việc áp dụng phương pháp này trong quá trình dạy và học. Phương pháp dạy học lấy người học làm trung tâm đã khắc phục được phần nào nhược điểm của phương pháp dạy học theo lối truyền thống. Với phương pháp dạy học lấy người học làm trung tâm như trình bày ở trên thì thông qua đó chúng ta có thể nhìn thấy được giá trị của phương pháp trong việc thúc đẩy tính tích cực, chủ động của người học trong xu thế hiện nay. Nếu mỗi thầy cô giáo đều biết cách vận dụng phương pháp dạy học lấy người học làm trung tâm cũng như hòa phối với các phương pháp dạy học khác thì chất lượng học tập của người học sẽ được nâng cao. Nhờ đó, sẽ tăng tính chủ động hoạt động, tích cực tìm tòi, khai phá tri thức biến nó thành tri thức của các bạn. Từ đó, chúng ta sẽ góp phần xây dựng nên những thế hệ các bạn trẻ vừa có tri thức vừa có kỹ năng đáp ứng được yêu cầu xã hội đặt ra.
II. Kiến nghị
Nền giáo dục nước ta hiện nay đang đứng trước những khó khăn, thách thức không nhỏ, trong đó chất lượng giáo dục rất đáng lo ngại, đặc biệt là giáo dục Đại học. Nên việc cấp bách hiện nay là phải “đổi mới mạnh mẽ phương pháp giáo dục đào tạo, khắc phục lối truyền thụ một chiều, rèn luyện nếp tư duy sáng tạo của người học. Từng bước áp dụng các phương pháp tiên tiến và các phương tiện hoạt hiện đại vào quá trình dạy học, đảm bảo điều kiện và thời gian tự học, tự nghiên cứu cho học sinh, nhất là sinh viên Đại học”.
Cho dù phương pháp dạy học lấy người học làm trung tâm ngày càng trở nên phổ biến, nó cũng bị chỉ trích là quá chú trọng vào cá nhân ngươi học. Tầm quan trọng của môi trường, xã hội và mối tương tác với cộng đồng có thể không được quan tâm đến trong quá trình đào tạo. Điều này xem ra không phù hợp với đặc điểm văn hóa của dân tộc Việt Nam, tuy rằng ngày nay, ảnh hưởng của giao lưu với văn hóa phương Tây không phải là nhỏ.
Những khó khăn nảy sinh trong việc áp dụng phương pháp “lấy người học làm trung tâm” sẽ được tháo gỡ nếu Khoa Tâm lý – giáo dục và giảng viên quan tâm nhiều hơn nữa đến việc tạo cơ hội cho sinh viên tham gia vào việc xây dựng chương trình đánh giá hiệu quả đào tạo, làm sao để sinh viên có thể phát huy tính độc lập tự chủ trong mối qun hệ tương tác và sự tôn trọng giữa sinh viên với giảng viên và giữa sinh viên với nhau.
Trong những năm qua việc dạy học theo phương pháp lấy học sinh làm trung tâm ở khoa Tâm lý – Giáo dục trường Đại Học Sư Phạm TP.HCM đã đạt được những thành tựu nhất định. Nhưng song hành với cái ưu vẫn còn tồn tại vài mặt hạn chế chúng ta cần phải khắc phục nó. Khoa Tâm lý – Giáo dục chúng ta nên có các biện pháp cơ bản như: Mềm hóa quá trình đào tạo, đây là biện pháp chung và cơ bản để phát huy cao tính tích cực, độc lập, sáng tạo của sinh viên. Bản chất của hoạt động học tập là sự mềm dẻo từ mục tiêu, nội dung, phương thức đến quy trình học tập. Có thể cho phép sinh viên làm việc nhóm, thảo luận, tranh luận hay đi tìm hiểu ngoài thực tế… nhằm kích thích tinh thần tích cực, chủ động của sinh viên thông qua việc sinh viên tự xây dựng mục tiêu và kế hoạch học tập, cũng như việc lựa chọn phương thức học tập thích hợp cho bản thân trong phạm vi cho phép. Khoa hay tổ bộ môn nên công bố mục tiêu, nội dung, kế hoạch, các giai đoạn và quy trình đào tạo cho sinh viên biết ngay từ đầu khóa học, năm học, môn học để họ có thể chủ động thiết kế quá trình học tập của mình. Nên giảm tỉ lệ diễn giảng của giảng viên mà thay vào đó cho sinh viên tự nghiên cứu tùy theo bộ môn nhằm tăng cường và nâng cao hiệu suất quá trình tự học của sinh viên. Tăng cường khuyến khích, giúp đỡ trao đổi những vấn đề về học tập và nghiên cứu khoa học. Soạn thảo các tài liệu hướng dẫn học tập chung và cho từng bộ môn, in và bán tài liệu cho sinh viên. Phát huy vai trò của các đoàn thể học sinh, các nhóm nhà khoa học trẻ, câu lạc bộ khoa học để tạo không khí hăng say học tập, nghiên cứu trong sinh viên. Tăng cường các loại bài tập sáng tạo, bài tập tình huống để học sinh suy nghĩ tìm ra các phương án giải quyết tối ưu. Kiểm tra, thi cử khách quan, khuyến khích sinh viên có những ý kiến sáng tạo, tránh gò ép theo quan điểm duy nhất của giáo viên.
Chính những yêu cầu của đổi mới phương pháp giảng dạy đòi hỏi người thầy phải tự vượt lên trên chính bản thân mình. Bản thân người thầy phải nổ lực không ngừng, phải thấu hiểu sâu sắc lĩnh vực chuyên môn mà mình đảm nhiệm, luôn tìm tòi sáng tạo, áp dụng những thành tựu khoa học kỹ thuật tiên tiến và hiện đại vào quá trình giảng dạy để bài giảng của mình có có sức hấp dẫn cao, có hiệu quả nhất. Mỗi bài giảng của thầy giáo phải mở ra một trang mới trong thế giới kiến thức vô tận, không lặp lại nhàm chán. Do vậy, việc thường xuyên trau dồi, nâng cao trình độ chuyên môn, cập nhật tri thức và công nghệ mới là công việc thường xuyên người thầy phải quan tâm. Bên cạnh đó người thầy còn phải là tấm gương sáng tâm huyết với nghề với sự nghiệp đào tạo của mình. Giảng viên phải tôn trọng nguyên tắc phát huy cao độ tính chủ động của sinh viên, chỉ can thiệp khi sinh viên không thể tự giải quyết vấn đề, nhưng sự can thiệp này cũng chỉ ở mức độ những gợi ý để sinh viên tiếp tục suy nghĩ tìm cách giải quyết vấn đề bằng tri thức cơ bản, hệ thống kỹ năng chuyên ngành của mình để từ đó có thể hình thành năng lực trí tuệ, phương pháp nghiên cứu và phương pháp hoạt động thực tiễn.

D. Tài liệu tham khảo
1. Kember, Đ. (1997). A reconceptualisation of thế giới research into university academics conceptions of teaching. Learning and Instruction7
2. Nunan, D. 1988. Second Language Teaching and Learning. Boston: Heinle & Heinle.
3. Tudor, I. 1996. Learner-Centeredness as Language Education. Cambridge: Cambridge University Press.
4. Cẩm nang hội thảo khoa học “Sử dụng các phương pháp giảng dạy hiệu quả tại các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam” (11/2010), Viện nghiên cứu giáo dục trường Đại Học Sư Phạm TP.HCM.
5. Đặng Văn Đức & Lê Khánh Bằng (1995), Dạy học lấy người học làm trung tâm.
6. Nghị quyết TW 02 Khóa VIII, BCH Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, ngày 24 tháng 12 năm 1996.
7. Tạp chí Thông tin khoa học giáo dục, số 96/2003, trang 1.
8. http://www.teaching.rmit.edu.au/progimprov/sclearn.html
9. http://www.aishe.org/readings/2005-1/oneill-mcmahon-Tues_19th_Oct_SCL.html
10. www.uit.edu.vn
11. www.thuvienkhoahoc.com
12. www.eir.edu.vn
13. www.vietbao.vn

...... hsbc Đặng Hoàng An hsbc ......
____Hết____
Về Đầu Trang Go down
 
Dạy học lấy người học làm trung tâm (Phần 3)
Về Đầu Trang 
Trang 1 trong tổng số 1 trang
 Similar topics
-
» Dạy học lấy người học làm trung tâm (Phần 1)
» Dạy học lấy người học làm trung tâm (Phần 2)
» Trung tâm giá trị sống innerspace
» Khóa học mơi Trung Tâm inner space (22/3 - 12/4)
» MỘT SỐ NÉT TÂM LÝ ĐẶC TRƯNG CỦA TUỔI THANH NIÊN

Permissions in this forum:Bạn không có quyền trả lời bài viết
NGÔI NHÀ TRÁI TIM :: TÂM LÝ - GIÁO DỤC HỌC :: Kiến thức chuyên ngành :: Giáo dục học :: Tổ chức hoạt động dạy học-
Chuyển đến