NGÔI NHÀ TRÁI TIM
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

NGÔI NHÀ TRÁI TIM

Hãy cho - Hãy nhận - Hãy sống bằng cả con tim
 
Trang ChínhTrang Chính  Latest imagesLatest images  Tìm kiếmTìm kiếm  Đăng kýĐăng ký  Đăng NhậpĐăng Nhập  

 

 YÊU CẦU SỬ DỤNG PHƯƠNG PHÁP TRÁCH PHẠT

Go down 
2 posters
Tác giảThông điệp
hoangan_tlgd




Tổng số bài gửi : 9
Join date : 04/05/2010
Age : 33
Đến từ : Long An

YÊU CẦU SỬ DỤNG PHƯƠNG PHÁP TRÁCH PHẠT Empty
Bài gửiTiêu đề: YÊU CẦU SỬ DỤNG PHƯƠNG PHÁP TRÁCH PHẠT   YÊU CẦU SỬ DỤNG PHƯƠNG PHÁP TRÁCH PHẠT Icon_minitimeThu Jun 02, 2011 10:21 am


TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
KHOA TÂM LÝ – GIÁO DỤC
  
BỘ MÔN:GIÁO DỤC HỌC PHỔ THÔNG

Tên đề bài
Anh/chị hãy phân tích các yêu cầu sử dụng của phương pháp trách phạt.
Từ đó nêu lên nhận định của mình về những sai phạm phổ biến trong việc sử dụng phương pháp trách phạt
để giáo dục học sinh trung học phổ thông.


TP. HỒ CHÍ MINH, THÁNG 6/2011




Bài làm:


Những năm gần đây, cùng với sự phát triển của đất nước thời mở cửa, ngành giáo dục phát triển mạnh mẽ về số lượng và chất lượng. Trong quá trình tồn tại và phát triển của nhân loại con người đã phải không ngừng tìm hiểu, khám phá và cải tạo thế giới khách quan vì lợi ích của cá nhân và cộng đồng. Trong quá trình hoạt động nhận thức và cải tạo con người tiếp thu được những kinh nghiệm sống và hoạt động. Hoạt động giáo dục đã có nhiều thay đổi theo hướng tích cực, từ việc đổi mới phương pháp dạy học và hướng tới xây dựng một xã hội học tập trong nhà trường là phải phát triển toàn diện nhân cách người học. Hoạt động giáo dục là một hiện tượng xã hội đặt biệt, mà bên trong nó chứa đựng những vấn đề giáo dục hết sức đa dạng, phức tạp và tồn tại rất nhiều những mâu thuẫn. Để đảm bảo hoạt động giáo dục tiến hành một cách nhanh chóng, dễ dàng và có hiệu quá cao thì đòi hỏi nhà giáo dục phải xây dựng một hệ thống các phương pháp giáo dục cụ thể đáp ứng cho từng nội dung, mục tiêu hay nhiệm vụ giáo dục phát triển nhận thức, hình thành tình cảm, niềm tin và hành vi thói quen cho người học trong từng giai đoạn lịch sử và yêu cầu mà xã hội đặt ra.

Trong hoạt động giáo dục thì không bao giờ tránh khỏi chuyện các em học sinh phạm phải những sai lầm mà sau nhiều lần chúng ta áp dụng phương pháp thuyết phục, nêu gương hay đàm thoại để điều chỉnh hành vi nhưng mà các em vẫn tiếp diễn sự sai phạm đó. Phương pháp thuyết phục, đàm thoại hay nêu gương lúc này không còn mang lại hiệu quả nữa hay hiệu quả rất ít thì lúc này nhà giáo dục sẽ áp dụng phương pháp trách phạt để điều chỉnh những hành vi sai trái của các em. Với những yêu cầu đặt ra như vậy, thì trách phạt được coi là một trong những phương pháp giáo dục nhằm điều chỉnh lại sự lệch lạc, đi trái lại các chuẩn mực, các quy tắc mà xã hội đã quy định.
Trách phạt chính là phương pháp biểu thị sự không đồng tình, sự phản đối, sự phê phán những hành vi sai trái của người được giáo dục so với các chuẩn mực xã hội đã đề ra. Trách phạt còn là phương pháp gây cho người có lỗi cảm giác hối hận, khiến họ từ bỏ hành vi, thói quen không phù hợp với yêu cầu chung hoặc có hại cho tập thể, xã hội, giúp cho người được giáo dục kết hợp đúng đắn giữa hành vi của mình với yêu cầu chung của tập thể, của xã hội.

Trách phạt có thể được thực hiện dưới nhiều hình thức khác nhau như nhắc nhở; phê bình; cảnh báo; đuổi học… Việc đuổi học còn thể hiện sự bất lực của nhà giáo dục và tập thể học sinh và không nến quaa1 lạm dụng hình thức trách phạt này. Trước khi đi đến quyết định đuổi học phải cân nhắc kỹ ảnh hưởng tiêu cực của nó và phản ứng có thể xảy ra của học sinh. Các hình thức trên phản ánh những mức độ khác nhau của trách phạt, vì vậy, khi vận dụng vào những trường hợp cụ thể thỉ cần phải căn cứ vào:
Từng loại hành vi sai lệch: về học tập, lao động, cách ứng xử với mọi người…
Tính chất của hành vi sai lệch: nghiêm trọng hay không, thường xuyên hay không thường xuyên, vô tình hay cố ý…
Phạm vi và mức độ tác hại do hành vi sai lệc gây ra là nhiều hay ít, rộng hay hẹp…

*Trong quá trình sử dụng phương pháp trách phạt trong giáo dục thì nhà giáo dục cần nắm vững một số yêu cầu như sau:

Khi tiến hành phương pháp trách phạt trong giáo dục thì trách phạt phải khách quan, công bằng và đúng mức.
Tức là trước khi trách phạt em học sinh nào đó thì chúng ta không nên trách phạt theo ý kiến chủ quan của mọi người xung quanh tác động hay là ý kiến chủ quan của mình. Mà trước khi trách phạt một học sinh nào đó, thì trước tiên chúng ta phải tìm hiểu xem nguyên nhân nào, hoàn cảnh nào, động cơ nào làm cho các em sai phạm,… Nếu như chúng ta chưa tìm hiểu rõ thì khoan trách phạt các em. Giả sử Khi trách phạt học sinh người thầy phải đảm bảo tính công bằng, khách quan và đúng mức, không vì chỗ thân tình mà giảm nhẹ sai phạm của các em, tiến hành trách phạt cho qua loa hay tăng hình phạt lên cho những học sinh mang định kiến trước đó. Và khi chúng ta trách phạt các em mà chưa có căn cứ cụ thể thì một mặt các em sẽ không phục cách mình làm vì những lúc đó chúng ta trách phạt không có khách quan và công bằng mà trái lại các em sẽ phản ứng lại một cách mạnh mẽ khi các em là người vô tội.
Tôi xin đưa ra một ví dụ cụ thể như trường hợp của thầy Phan Thanh Định.
Như báo chí đưa tin thì thầy đã nhiều lần tự tay thực hiện và huy động học sinh cùng thực hiện các hình phạt dã man đối với nhiều học sinh, ngoài quy định của pháp luật và của trường. Theo kết luận điều tra và cáo trạng, thầy Phan Thanh Định phạm tội vì có hành vi hành hạ nữ sinh Dương Thị Hồng Vân ngày 14/6/2006.
Hôm đó, do sang thăm một bạn trai cùng trường (khi đó đang ốm nằm tại giường ở khu nhà nam cùng ký túc xá) vào lúc gần 22 giờ, đã bị thầy Định coi là “vi phạm quy chế”. Thầy Định buộc Vân phải thừa nhận có quan hệ yêu đương với nam sinh này, nhưng Vân không thừa nhận.
Từ đó, thầy Định bắt Vân phải chạy 200 vòng quanh sân vận động (mỗi vòng gần 400 m) và phải viết 200 bản kiểm điểm; đồng thời cắt nửa suất ăn mỗi bữa của Vân trong một tuần.
Trên cơ sở xem xét các chứng cứ phạm tội của Phan Thanh Định, Ngày 29/6, Tòa án nhân dân thành phố Thái Nguyên đã đưa ra xét xử, hội đồng xét xử tuyên phạt Phan Thanh Định– Giáo viên trường phổ thông năng khiếu thể dục thể thao tỉnh Thái Nguyên 15 tháng tù cho hưởng án treo và 30 tháng thử thách, đồng thời buộc thầy giáo Định phải bồi thường tổn thất tinh thần cho học sinh Dương Thị Hồng Vân 9 triệu đồng.
Qua sự việc trên của thầy giáo cũng cho thấy phần nào cách trách phạt không đảm bảo tính khách quan, công bằng và đúng mức mà để lại cho dư luận nhiều tranh cãi. Chúng ta là những nhà giáo dục thật thụ trong trương lai nên khi giải quyết tình huống hay xử lý các vần đề giáo dục bằng phương pháp trách phạt thì phải chú ý đến tính khách quan, công bằng và đảm bảo tính đúng mức, đúng đối tượng, đúng việc để không vấp phải những sai lầm đáng tiếc xảy ra trong quá trình giáo dục.

Khi áp dụng phương pháp trách phạt trong giáo dục phải làm cho người bị trách phạt thấy rõ sai lầm của mình và tự nguyện chấp nhận hình thức và mức độ trách phạt.
Chúng ta áp dụng phương pháp trách phạt trong giáo dục là vì mục đích làm cho đối tượng bị trách phạt thấy rõ sai lầm của mình và tự nguyện chấp nhận hình thức và mức độ trách phạt chứ không phải là cách mà giáo viên sử dụng để thỏa mãn cơn giận của mình mà để giáo dục học sinh. Nhà trách phạt phải chú ý đến đặc điểm tâm sinh lý, hoàn cảnh gia đình, nguyên nhân, và động cơ nào gây ra sai phạm đó. Nếu chưa tìm hiểu hay tìm hiểu không rõ ràng cặn kẽ thì hãy khoan trách phạt. Vì trách phạt là phải được đối tượng nhận thức, tiếp thu như là hình thức đặc biệt của yêu cầu chung đối với hành vi học sinh qua: phê phán, chỉ trích việc làm sai trái, lời chỉ dẫn sửa chữa để khắc phục sai phạm đó, cảnh báo, răn đe sự việc tái diễn để có cách phòng ngừa.
Chúng ta phải hiểu rằng, trừng phạt được áp dụng để sửa những lỗi lầm của trẻ nhưng trách phạt phải thích đáng, tránh tạo cơ hội để học sinh bộc lộ sự ranh mãnh, đối phó. Mức độ, hình thức trừng phạt phải nhằm mục đích giáo dục vì quyền lợi của tập thể, của gia đình, lớp học. Khi trừng phạt, phải vạch rõ lý do thích đáng, đảm bảo cho việc trừng phạt đạt hiệu quả mong đợi, làm cho đối tượng chuyển biến thái độ và hành vi. Người giáo viên phải nhạy bén, linh hoạt thay đổi hình thức trách phạt khi cần thiết. Có học sinh, khi trừng phạt phải dùng áp lực của dư luận tập thể, có em phải hỏi han, tâm tình, có em phải kiên quyết… Không nên hấp tập, vội vàng khi trừng phạt, tránh tình trạng để trẻ có lỗi chưa đủ thời gian tự xem xét lại hành vi sai trái của mình.
Trách phạt nhằm mục đích để đối tượng ăn năn, hối lỗi, biết giác ngộ được những sai phạm, biết cách sửa chữa khuyết điểm để tiến bộ, hoàn thiện nhân cách của mình. Sau khi trách phạt thì bảo đảm thái độ của học sinh là hối hận, tự nguyện chấp nhận mức độ và hình phạt chứ không phải là ấm ức và bực tức, làm cho mối quan hệ thầy trò trở nên bất hòa căng thẳng.

Phương pháp trách phạt khi áp dụng phải tôn trọng nhân cách của người bị trách phạt.
Tuổi học sinh thường đi kèm với những nông nổi nhất thời, nhận thức về các chuẩn mực của nhà trường nói riêng và các chuẩn mực xã hội nói chung vì sự trãi nghiệm của các em chưa nhiều làm cho cách suy nghĩ cũng như hành động của các em thiếu sự chính chắn là thế. Cho nên ta cũng thấy được những hành vi sai trái của các em trong nhà trường thường chỉ dừng ở mức độ không nghiêm trọng quá, chỉ có một vài vụ “cá biệt” nhưng cũng không đáng kể. Với những sai trái của các em, nếu nhà giáo dục xem các em như một kẻ tội phạm mà có những hình phạt như “tra khảo tù nhân” , xúc phạm đến thân thể và phẩm chất của các em là một điều hết sức tối kị và không thể thực hiện dù chỉ một lần.
Trách phạt phải đảm bảo sự tôn trọng nhân cách của học sinh, không được xúc phạm, làm tổn hại đến thể xác, tinh thần, tâm hồn của các em. Tôn trọng nhân cách của học sinh tức là phải tin tưởng vào khả năng tự hoàn thiện nhân cách, tin vào sự cố gắng tiến bộ của các em; đánh giá đúng năng lực của học sinh; khuyến khích học sinh phát huy những ưu điểm; tôn trọng các mối quan hệ xã hội như bạn bè, người thân và hơn hết là phải tôn trọng phẩm giá của học sinh, không xúc phạm đến nhân cách, phẩm giá của học sinh.
Trách phạt đảm bảo sự tôn trọng nhân cách học sinh là tôn trọng chính bản thân của nhà giáo dục, tôn trọng quá trình giáo dục, giúp quá trình giáo dục được diễn ra thuận lợi và phù hợp với bản chất, đặc điểm của quá trình giáo dục. Giúp hình thành được niềm tin: nhà giáo dục tin vào phương pháp giáo dục, tin vào triển vọng hoàn thiện nhân cách người được giáo dục; học sinh tin tưởng vào khả năng của bản thân, tin tưởng vào những biện pháp giáo dục mà nhà giáo dục đưa ra. Ngoài ra, nó còn đảm bảo tính thống nhất biện chứng giữa nhà giáo dục và người được giáo dục…
Trong hoạt động giáo dục áp dụng phương pháp trách phạt thì yêu cầu này có nhiều giáo viên vấp phải và đem lại những kết quả không hay cho ngành giáo dục. Một ví dụ điển hình mà báo chí đưa tin vừa qua về hình ảnh một nữ giáo viên dạy môn thể dục của Trường THPT Marie Curie (Quận 3, TP.HCM) đã có hành vi nhéo vào vùng kín của nam sinh trong giờ học thể dục do nghịch ngợm. Ngay sau đó, cô Như Mai đã làm tường trình với BGH nhà trường, thừa nhận là có phạt học sinh nghịch ngợm hay đùa giỡn trong giờ học bằng hình thức nhéo đùi non, nhưng chưa có học sinh nào tố cáo cô xâm hại vùng kín nam sinh. Nhưng hầu hết học sinh trường này (nhất là học sinh nữ) đánh giá đây là hành động rất khiếm nhã của một người giáo viên. “Cho dù nhéo vào đâu, vào chỗ hiểm hay là vào phần bắp đùi thì cũng khó mà chấp nhận được ” – một học sinh nói.
Một số giáo viên khác thường hay xúc phạm học sinh, la mắng, không tôn trọng học sinh xưng hô “mày tao”, mắng học sinh là “Đồ ngu như bò!”, “Mày ở đảo khỉ hay tràm chim?”, “So sánh tụi bây với nông dân thì hơi quá đáng, nhưng mà kể ra thì nông dân gần đây cũng được ăn học nhiều.”,… Học sinh đi học trễ bị thầy đấm một cái vào lưng thật mạnh; học sinh nói dối, cô giáo yêu cầu cả lớp mỗi người tát em đó một cái thật mạnh; học sinh vẽ bậy lên ghế giáo viên, cô giáo không tìm ra thủ phạm, phạt cả lớp phải liếm sạch cái ghế dơ. Sau đó, cô yêu cầu mỗi em tự ghi vào một mẩu giấy tên thủ phạm. Cả lớp nộp giấy trắng, cô giáo bắt cả lớp phải liếm ghế lại lần thứ hai, ….
Qua những phân tích ở trên, trong hoạt động giáo dục thì những nhà giáo dục chúng ta cần phải lưu ý và chú trọng hơn nữa đến việc tôn trọng nhân cách người học trong việc trách phạt học sinh.

Việc trách phạt học sinh có thể hoãn lại hoặc bãi bỏ trách phạt khi người có lỗi đã tỏ ra ăn năn, sửa chữa.
Như đã phân tích ở trên, mục đích trách phạt trong hoạt động giáo dục là muốn cho các em nhận ra lỗi lầm và có sự điều chỉnh hành vi của mình bằng sự hướng dẫn tận tình từ nhà giáo dục để các em sửa chữa khuyết điểm, phát huy những mặt mạnh mình đang có. Ví dụ như trường hợp có thật ở trường tôi lúc xưa bạn Đỗ Thị Lệ Hoa (học sinh lớp 10C10 Trường Cấp 2 – 3 Rạch Kiến – Huyện Cần Đước – Tỉnh Long An). Thưở đó, chúng tôi học trong điều kiên khó khăn hơn các bạn bây giờ nhiều lắm, đi học thì phải vượt qua một chặng đường dài hơn 10km mà ngày nào cũng thế. Với những chiếc xe cùi tàn, còn Lệ Hoa là đứa con được sinh ra trong một gia đình khá giả, cha mẹ luôn tạo mọi điều kiện tốt nhất cho Hoa ăn học, xe Lệ Hoa đi học là loại xe đắc tiền thời đó “Martin” mà lúc đó có mấy ai được như bạn. Vả lại nhà bạn cũng gần trường hơn bọn tôi rất nhiều nhưng không hiểu nỗi tại sao mà ngày nào bạn cũng đến lớp muộn, bị các giáo viên bộ môn nhắc nhở nhiều lần và thầy giáo chủ nhiệm cũng đã nhiều lần thuyết phục nhưng chưa thấy sự biến chuyển gì ở Hoa, thì lúc này thầy Trịnh Thới An mới trách phạt đối với Hoa bằng hình thức mời phụ huynh lên cùng trao đổi và cam kết với nhà trường về hành vi đi học muộn của em sẽ không tái phạm nữa. Hỏi ra mới biết chuyện là mỗi tối bạn thức hơi khuya nên sáng thường dậy muộn. Từ khi có sự răn đe từ thầy chủ nhiệm là mời phụ huynh làm cho Hoa thấy căng thẳng và nhờ có sự ủng hộ từ gia đình. Nên Hoa đã sớm thay đổi tính đến lớp muộn của mình và dần dần Hoa đã không còn đi trễ nữa. Với những đối tượng có những sai phạm ở mức độ nhẹ như Hoa, khi các em biết nhận ra lỗi lầm và có sự quyết tâm thay đổi thì thầy cô hãy khoan trách phạt các em, mà hãy cho các em một cơ hội để sửa sai và hoàn thiện nhân cách mình hơn. Những lúc này chúng ta áp dụng phương pháp thuyết phục hay hoãn lại hình phạt thì cảm thấy hiệu quả hơn là chúng ta trách phạt các em. Riêng với những trường hợp đã nhiều lần nhắc nhở mà các em không có sự thay đổi, vẫn chứng nào tật ấy tái diễn hoài thì trong những trường hợp đó chúng ta phải áp dụng trách phạt một cách xác đáng. Thực tế cũng cho thấy, khi học sinh phạm lỗi, chúng biết chắc là sẽ bị trừng phạt thì chính sự chờ đợi hình phạt cũng đã là một sự trừng phạt nặng nề. Điều này cho thấy, không phải trường hợp nào trách phạt cũng đem lại hiệu quả cao, nên điều lưu ý cho các nhà giáo dục là phải khéo léo và biết cách trách phạt khi nào là đúng lúc, đúng mức độ, đúng đối tượng,… có thể hoãn lại hoặc bãi bỏ trách phạt để các em có cơ hội hoàn thiện mình hơn.

Trách phạt phải tranh thủ sự đồng tình của tập thể và không trách phạt cả tập thể. Nếu trong trường hợp cần thiết thì phải nói rõ mức độ lỗi lầm của từng người.
Đầu năm học 2006, Trần Thị Ngọc học sinh lớp 4 Trường Tiểu học Minh Quang, Tỉnh Thái Bình được cô chủ nhiệm Trương Thị Phương (40 tuổi) giao phụ trách thi đua của lớp. Do một số lần Ngọc quên sổ theo dõi nên lớp bị trừ điểm. Ngày 20/4/2007 có tiết sinh hoạt lớp nhưng Ngọc ốm nên cô không nhắc nhở được.
Ba ngày sau, Ngọc đi học trở lại. Thấy học trò có ý kiến muốn “xử lý” bạn vì để mất điểm thi đua, giờ ra chơi cô Phương yêu cầu Ngọc đứng trước lớp để 32 bạn lần lượt lên tát vào má. Trong lúc đó, cô Phương ngồi trên bục giảng chấm bài môn Toán.
Buổi chiều Ngọc vẫn học bình thường, nhưng đêm đó em đau đầu, nôn nên được gia đình đưa đi bệnh viện. Sau gần 10 ngày điều trị, hôm 2/5/2007, em ra viện. Theo hồ sơ bệnh án của trung tâm y tế Huyện Vũ Thư, Ngọc bị sang chấn phầm mềm má trái nên phải dùng kháng sinh và thuốc chống phù nề trong suốt thời gian điều trị. Ngày 8/5/2007, Ngọc đã trở lại lớp nhưng theo phản ánh của gia đình, em vẫn phải dùng thuốc điều trị mũi, thỉnh thoảng còn đau đầu, ù tai.
Sau khi sự việc xảy ra, cô Phương đã gặp gia đình em Ngọc tường trình lại sự việc, nhận khuyết điểm, xin lỗi gia đình và hứa sửa chữa và xin hướng giải quyết nội bộ. Trong thời gian Ngọc nằm viện, cô chủ nhiệm đã nhiều lần thăm hỏi em.
Trong bản tường trình gửi lãnh đạo trường, cô Phương cho biết, khi áp dụng hình phạt, cũng “tưởng rằng các bạn tát không đau”. Cô giáo này thừa nhận đó là việc làm sai nhưng không ngờ hậu quả lại nghiêm trọng đến vậy.
Trưa 19/5, với gương mặt khá suy sụp, cô Phương cho biết, do sơ xuất ngồi chấm bài nên không để ý tới việc học sinh phạt em Ngọc thế nào. "Sau khi sự việc xảy ra, tôi mới nhận thấy hậu quả lại lớn đến vậy", cô nói.
Trước sự sai phạm của học sinh, chúng ta phải tranh thủ nhận được sự đồng tình của cả tập thể trước khi đưa ra quyết định trách phạt chính thức. Vì trong hoạt động giáo dục thì giáo dục tập thể được xem là một trong những nguyên tắc đem lại hiểu quả rất cao trong giáo dục. Giáo dục tập thể là đưa trẻ vào tập thể, lấy ảnh hưởng của tập thể, thông qua các phong trào của tập thể để giáo dục cá nhân, dùng sức mạnh của tập thể tác động đến mọi thành viên của tập thể thông qua tính tập thể. Tập thể là nơi để học sinh sống và học tập, là môi trường trực tiếp để các em hoạt động, giao lưu, sinh hoạt bè bạn. Tập thể còn là một cộng đồng người được liên kết với nhau bằng mục đích chung, bằng những hoạt động cùng nhau nhằm thực hiện mục đích, nhờ vậy vừa mang lại lợi ích chung, vừa mang lại những lợi ích riêng trong sự thống nhất với nhau. Tập thể học sinh vừa là môi trường, vừa là phương tiện để giáo dục học sinh, trong đó học sinh được hỗ trợ, giúp đỡ để hình thành và phát triển các năng lực, hình thành những phẩm chất cần thiết của người công dân mới. Vì vậy, trong quá trình tiến hành trách phạt học sinh thì giáo viên nên cân nhắc mức độ sai phạm mà có hình thức trừng phạt hợp tình hợp lý và được sự đồng thuận từ tập thể lớp. Những nhà giáo dục như chúng ta cần lưu tâm là phải tôn trọng học sinh, tôn trọng tập thể đó cũng là cách để tôn trọng bản thân mình. Phương pháp trách phạt là cách người giáo viên áp dụng cho học sinh, nhưng có trường hợp thì nhà giáo dục có thể quyết định một mình nhưng một số trường hợp phải thông qua tập thể. Những lúc đó, các em thấy được sự tôn trọng của mình dành cho các em và những hình phạt đưa ra cả tập thể đều thông qua nên các đối tượng bị trách phạt sẽ cảm thấy rất hợp lý. Chứ không phải vì quyền lực mình là giáo viên thì muốn quyết định trách phạt như thế nào cũng được, đó là một điều không đúng. Trước khi lên lớp người giáo viên nên vứt bỏ đi cái cảm xúc không hay từ gia đình, từ các tác động ngoại cảnh ra bên ngoài, đừng vì mang trong mình một nỗi bực tức mà khi lên lớp dạy lại trút cơn giận ấy cho học sinh mình. Chỉ vì một lý do thật nhỏ chưa biết thủ phạm hay có thể là do một cá nhân nào đó gây ra mà chúng ta bực tức quá đáng rồi trách phạt cả tập thể. Vì mang trong mình tâm trạng không ổn định, nên có những cách ứng xử gọi là không hay cho mấy rồi dẫn đến nhệ quả không hay chút nào. Một ví dụ điển hình mà dư luận lên án với nhiều tranh cãi, báo chí đưa tin rất nhiều là chuyện về cô giáo dạy Anh văn lớp 7 của trường THCS Hoa Liên (Nghi Xuân – Hà Tĩnh).
Chỉ vì một lý do nhỏ là thấy ghế giáo viên và hai bàn đầu của lớp học bị vẽ bẩn, cô Trần Thị Phương Lan, giáo viên Anh Văn, lớp 7I trường THCS Hoa Liên (Nghi Xuân - Hà Tĩnh), đã bắt 47 học sinh phải liếm ghế cho sạch. Sự việc xảy ra vào tiết học cuối cùng của ngày 17/4/2003.
Sau đó, cô Lan bắt các em bỏ phiếu kín ghi tên “kẻ trót dại”. Kết quả cuộc thăm dò cũng không thu được kết quả vì tất cả đều là phiếu trắng. Cô Lan nổi khùng xé phiếu bỏ vào thùng rác rồi tiến hành hình phạt đợt 2 như cũ.
Đến tối, nhiều phụ huynh học sinh gặp giáo viên chủ nhiệm lớp trình báo, lúc này nhà trường mới biết sự việc. Hai ngày sau một cuộc họp phụ huynh của lớp được tiến hành. Cô giáo Lan đã nhận lỗi. Hội phụ huynh đã đồng ý với nhà trường chuyển cô Lan sang dạy lớp khác và cảnh cáo trước toàn trường.
Khi biết tin, ngày 7/5, Phòng Giáo dục của huyện đã triệu tập cô Lan để làm rõ sự việc, và chỉ đạo cô giáo Lan phải xin lỗi từng nhà và xin chữ ký của tất cả phụ huynh học sinh lớp 7I. Đến ngày 3/6, Hội đồng kỷ luật Phòng GD - ĐT Nghi Xuân nhóm họp kết luận kỷ luật cô Trần Thị Phương Lan với hình thức hạ ngạch công chức, chuyển từ giáo viên xuống làm văn thư hành chính.

Trách phạt phải dựa vào những chứng cứ cụ thể, xác đáng
Cũng như một số phân tích ở trên đã nêu thì trước khi đưa ra quyết định trách phạt học sinh thì điều quan trọng trước tiên là phải xem nguyên nhân nào, động cơ nào thúc đẩy các em hành động như vậy. Nhà giáo dục phải tìm hiểu thật kỹ sự việc để có những chứng cứ thật cụ thể và mang tính xác thực. Khi chưa có bằng chứng xác đáng thì người giáo viên tuyệt đối không được tiến hành trách phạt học sinh vì lúc đó trách phạt thiếu chứng cứ, sẽ không mang tính công bằng và khách quan. Một minh chứng cụ thể cũng được dư luận lên tiếng rất nhiều là chuyện của em học sinh Phạm Thạch Ngọc (15 tuổi, học sinh lớp 10A4, trường THPT Thủy Sơn, trú tại xóm An Lợi, xã An Lư, Huyện Thủy Nguyên, Thành phố Hải Phòng). Chiều 20/10/2010, đang nằm điều trị tại bệnh viện Thủy Nguyên, em Phạm Thạch Ngọc kể lại rằng chiều 18/10/2010, khi em Ngọc đang học tiết 1 môn Ngữ Văn thì một thầy giáo quản sinh gọi đến phòng quản sinh gặp thầy Đào Văn Cương (giáo viên môn thể dục) với lý do là em có tham gia đánh lộn với mấy học sinh khác.
Khi đến phòng quản sinh thì em Ngọc chưa kịp trình bày với thầy Cương là em không tham gia đánh lộn như thầy nói thì ngay lập tức thầy giáo Đào Văn Cương đã đấm đá Ngọc làm em bị thâm tím mặt mày, mắt trái sưng, tụ máu... mà không nghe em Ngọc trình bày.
Thấy em Ngọc bị chảy máu, thầy Cương lấy bông băng để Ngọc tự lau. Sau đó, em Ngọc ngồi trong phòng gần 2 giờ đồng hồ thì có người phát hiện và đưa em lên phòng y tế của trường.
Đến tối 18/10, gia đình em Ngọc mới nhận được tin báo là em bị thầy giáo đánh tại trường. Gia đình đến và thấy em Ngọc đang đứng ở cổng trường trên người có nhiều vết tím bầm, nhất là mắt trái. Gia đình vội đưa Ngọc vào bệnh viện Thủy Nguyên.
Hai ngày kể từ khi bị thầy giáo Cương đánh, dù đã được điều trị tích cực tại bệnh viện, mắt trái em Ngọc vẫn còn bị tím bầm, tụ máu và xước...
Một ví dụ khác xảy ra ngay ở địa phương tôi ở và được báo chí đưa tin gần đây nhất làm cho phụ huynh học sinh và dư luận xã hội phản ánh rất nhiều về chuyện cháu Nguyễn Thị Bích Thuyền bị giáo viên trách phạt.
Anh Nguyễn Văn Hoà, ngụ tại xã Long Hoà - Huyện Cần Đước – Tỉnh Long An vừa gửi đơn đề nghị ngành giáo dục địa phương kiểm điểm, xử lý về hành vi ngược đãi học sinh đối với cô L., giáo viên dạy môn Anh văn Trường THCS Rạch Kiến. Học sinh bị cô giáo L. ngược đãi là cháu Nguyễn Thị Bích Thuyền, con của anh Hoà. Vào ngày 15/3/2011, cô L. phạt cháu Bích Thuyền đứng suốt tiết học vì cho rằng cháu đã nhắc bài cho bạn ngồi bên cạnh. Trong 4 tiết học của 4 ngày sau đó, cô L. cũng phạt cháu Thuyền đứng học không được ngồi.
Đến ngày 27/3/2011, trong giờ ra chơi, cô giáo L. nghe cháu Thuyền phát ra 2 từ “mất dạy” với đám bạn và nghĩ cháu chửi mình nên tát vào miệng và mặt cháu 5 cái và phạt cháu phải tự tát vào mặt mình 200 cái. Cháu Thuyền thực hiện được 180 tát thì bị choáng và không thực hiện tiếp 20 tát còn lại. Được biết, Thanh tra Sở GD - ĐT Tỉnh Long An đang thụ lý vụ việc.
Qua hai tình huống có thật như trên, chỉ vì trách phạt học sinh không xác đáng khi chưa có chứng cứ rõ ràng cụ thể mà gây ra những ảnh hưởng vô cùng nghiêm trọng mà chúng ta không thể tưởng tượng được.

Trách phạt không nên thường xuyên vì sẽ gây nên sức ỳ tâm lý và do đó sẽ không có hiệu quả.
Đây là phương pháp không thể áp dụng thường xuyên, liên tục, vì nếu liên tục và thường xuyên trách phạt sẽ gây nên trạng thái căng thẳng tâm lý, làm cho đối tượng trở nên trơ lì, chai dạn, phớt lờ, càng trở nên khó giáo dục. Được biết một số giáo viên khi học sinh không thuộc bài thì cho chép phạt, với hình thức chép phạt ngày càng gia tăng số lượng lần lên. Làm cho các em cứ sống trong nỗi ám ảnh sẽ chép phạt vì khi đi học các em sẽ không vấp phải việc không thuộc bài. Tôi nghĩ trường hợp không thuộc bài đến lớp hầu như người nào cũng có một đôi lần phạm phải, nhưng không phải không thuộc bài là chép phạt, thụt dầu hay đứng suốt tiết học không được ngồi,… Có những bạn học sinh không phải là không học bài trước khi đến lớp đâu, nhưng vì một số lý do khách quan như bạn sợ đám đông, tâm sinh lý thế nào khi lên trả bài là quên hết, lại cộng thêm sức ép từ thầy cô nếu không thuộc thì sẽ chép phạt là cho các em vốn căng thẳng lại thêm lo sợ. Những chuyện này là hoàn toàn có thật, nếu chúng ta trách phạt thường xuyên như vậy thì kết quả giáo dục thu về sẽ không như ý muốn, thậm chí có thể đi trái lại mục đích giáo dục nữa là đằng khác. Không phải lúc nào cũng lấy khuyết điểm của học sinh ra mà trách phạt, vi phạm chuyện gì cũng mang trách phạt ra áp dụng mà hãy thay vào đó bằng việc chúng ta thuyết phục, tìm hiểu nguyên nhân nào mà ảnh hưởng đến các em như vậy thì có thể hay hơn không.
Trách phạt là giúp cho học sinh nhận ra những khuyết điểm của mình để các em thấy sai trái mà sữa đổi để hoàn thiện bản thân. Trách phạt chỉ phù hợp trong một số trường hợp nất định thì việc thực thi mang lại hiệu quả cao chứ không phải lúc nào áp dụng cũng mang lại hiệu quả. Cho nên chúng ta là những giáo dục cần phải chú ý.


* Ngày nay, xã hội không ngừng phát triển đi lên cũng tạo nhiều áp lực, thách thức lớn cho lĩnh vực giáo dục. Và để tồn tại và phát triển con người cần phải được giáo dục. Giáo dục sẽ làm cho con người người hơn. Để phần người phát triển, trong giáo dục, dù ở bất cứ nơi nào bên cạnh việc động viên, khuyến khích cũng nên có hình thức trách phạt phù hợp. Thực tế chứng minh cho thấy trong hoạt động giáo dục khi đã sử dụng các phương pháp giáo dục khác nhau mà không mang lại hiệu quả, khi mà nhà giáo dục đã cố gắng hết sức nhưng học sinh vẫn không sửa chữa được sai lầm. Thì việc áp dụng phương pháp trách phạt phần nào đã giúp cho trong quá trình giáo dục học sinh của người giáo viên đi đến những kết quả nhất định.

Bên cạnh việc áp dụng trách phạt đem lại kết quả cao cho hoạt động giáo dục, thì có một số giáo viên khi áp dụng phương pháp này để giáo dục học sinh trung học phổ thông đã mắc một số sai phạm trong việc sử dụng. Qua những phân tích về yêu cầu khi sử dụng phương pháp trách phạt ở trên cũng thấy được phần nào các nhà giáo dục mắc phải. Theo nhận định của riêng tôi, thì những sai phạm của giáo viên trong việc áp dụng phương pháp này là rất phổ biến và đang ở mức báo động. Vì gần đây trên các phương tiện thông tin đại chúng, báo giới, dư luận xã hội lên án rất nhiều về việc trách phạt học sinh không đúng mức, không công bằng, không có sự tôn trọng học sinh,…

Những sai phạm này rất dễ vấp phải nếu như nhà giáo dục không quan tâm đến những yêu cầu đặt ra khi sử dụng phương pháp này.
Ở các nước tiên tiến, các hình thức trách phạt chủ ý là đánh vào tiềm thức làm cho học sinh thay đổi hành vi của mình. Ví dụ ở New Zealand, khi học sinh mắc khuyết điểm, nếu nhẹ, các em tự ngồi và viết thư có nội dung xin lỗi giáo viên chủ nhiệm và bố mẹ; còn nặng, phải viết thêm một bức thư khác xin lỗi thầy hiệu trưởng và hội đồng giáo viên. Hoặc nếu lỡ gây gổ đánh nhau, thì phải viết thư xin lỗi bạn và gia đình của bạn ấy. Họ không bao giờ bắt học sinh đứng trước lớp xin lỗi bạn. Cùng lắm, họ bắt những học sinh chưa ngoan, giờ ra chơi phải dọn vệ sinh cùng với lao công trong trường. Đây được coi là hình phạt nặng nhất vì các em sẽ rất xấu hổ khi phải làm việc này. Nếu ngoài tầm, nhà trường giao cho cơ quan chức năng. Còn ở nước ta thì sao? Câu hỏi này buộc tôi phải suy nghĩ rất nhiều: có phải do nền giáo dục của nước mình còn nhiều yếu kém hay chăng, hay do trình độ của người giáo viên,…? Ở Việt Nam, thì việc trách phạt trong giáo dục còn quá nhiều điều đau lòng đáng nói. Nhiều nhà sư phạm đã đánh đập học sinh rất tàn nhẫn khi các em chưa ngoan. Có giáo viên uống rượu say rồi vào trường đánh học sinh gãy xương sườn. Có giáo viên bắt học sinh liếm ghế của mình, hay có giáo viên còn tàn nhẫn tra khảo học sinh như tù nhân,… Có trường hợp học sinh chỉ vì “nói leo” mà bị thầy đánh đến ngất xỉu. Có thầy trong suốt giờ học, không dạy kiến thức mà chỉ dạy một bài học “đạo đức” với những lời nặng về nhục mạ và phỉ báng học sinh. Trong khi đó, các cơ quan chức năng ở một số địa phương cũng a tòng theo cái sai của thầy cô mà ép các em đến chỗ khủng hoảng tinh thần... Thử nghĩ, sau những hình phạt ấy các em có ngoan hơn không, có học giỏi hơn không, có trở thành thiên tài hay không? Hay là các em cảm thấy nhà trường chỉ như là một nhà tù, một trại giáo dưỡng hay một nơi lao động khổ sai. Lúc đó, mỗi ngày đến trường của các em sẽ là chuỗi ngày sợ hãi và lo âu. Hậu quả như thế nào chắc các bạn cũng biết! Dẫu rằng, đánh mắng các em không thể chết. Những vết hằn ngoài da rồi sẽ nhanh chóng mất đi. Những lời mắng nhiếc cũng bị lãng quên. Nhưng có ai dám chắc rằng, không có một vết hằn vô hình sẽ nằm sâu trong tiềm thức các em. Ngay từ nhỏ các em bị giáo dục thô bạo như vậy thì thử hỏi lớn lên các em có trở thành người công dân tốt không? Xin hãy mang đến cho các em tình thương, sự dịu dàng và lòng tận tụy. Đừng cho các em sự hằn học và sự hoài nghi!

Các nhà giáo dục hãy chú ý một điều rằng: trước khi đưa ra trừng phạt thì phải có căn cứ cụ thể, khi trừng phạt phải được đối tượng nhận thức, tiếp thu như ¬ là hình thức đặc biệt của yêu cầu chung đối với hành vi của các em, trong nội dung trừng phạt đồng thời phải có các nội dung: Phê phán, chỉ trích việc làm sai trái; lời chỉ dẫn sửa chữa hoặc phải làm gì để khắc phục sai phạm đó; cảnh cáo, răn đe sự việc tái diễn để phòng ngừa về sau. Trừng phạt được áp dụng để sửa chữa những lỗi lầm của trẻ phạm sai phạm ở mức nặng nề như chúng đã xúc phạm thô bạo với bạn bè, với mọi người; luôn luôn bộc lộ tính hung tợn, tính chấp nhặt, trả thù, gây sự sợ hãi cho trẻ khác. Như trừng phạt phải chặt chẽ, thích đáng, tránh tạo cơ hội để trẻ bộc lộ sự ranh mãnh, đối phó theo kiểu đạo đức giả. Mức độ, nội dung, hình thức trừng phạt phải nhằm mục đích giáo dục vì quyền lợi của tập thể, của gia đình, lớp học hoặc đối với cộng đồng dân cư nơi cư trú. Nhất thiết khi trừng phạt phải vạch rõ lý do xác đáng, đảm bảo cho trừng phạt đạt hiệu quả mong đợi của mọi người, làm cho đối tượng chuyển biến thái độ và hành vi. Khi trách phạt, dư luận của lớp, nhóm, gia đình... phải đồng tình, ủng hộ. Về phương pháp phải có sự chuẩn bị thích đáng. Nội dung và hình thức trừng phạt phải thỏa đáng, chính bản thân đối tượng cũng hiểu rõ sự đúng đắn và cố gắng thực hiện đúng. Nhà giáo dục phải nhạy bén, linh hoạt thay đổi hình thức trừng phạt khi cần thiết và cũng không nên trừng phạt một cách máy móc, hình thức, tối kỵ nhất là trừng phạt hàng loạt trẻ với một loại hình sáo mòn nào đó. Khi bản thân trẻ đã hiểu rõ tính nết và cung cách của người lớn mà ta lại không chịu cải tiến, dễ dẫn đến thái độ khinh nhờn của trẻ (chúng thường dùng tiếng lóng, dùng ám hiệu để thông tin cho nhau, thậm chí đưa ra làm trò cười) vì chúng cho rằng chúng ta làm tắc trách, không khách quan “chẳng qua là do bổn phận mà làm việc đó”... Vì thế đối với mỗi đối tượng phải sát với chúng và phải cá biệt hóa cách trách phạt thì hiệu quả mới rõ ràng. Việc thực hiện trừng phạt không nên hấp tấp vội vàng, trẻ có lỗi chưa đủ thời gian xem xét đã phạt, ở những em vốn hay phạm lỗi, nay mới vi phạm nhẹ đã phạt.

Về mặt tâm lý khi trẻ vừa mới rơi vào tình thế xung đột, sự cuồng nhiệt, thậm chí điên khùng chưa lắng lại, người phạm lỗi chưa có thì giờ suy ngẫm để phân tích, cảm nhận hết cái sai trái trong thái độ hành vi của mình, kể cả dư luận tập thể chưa rõ ràng, nếu ta phạt ngay dễ dẫn đến sự phân tán trong dư luận và bản thân trẻ cũng chưa đủ điều kiện để tiếp thu. Kinh nghiệm cho thấy khi phạm lỗi, biết chắc là sẽ bị trừng phạt thì bản thân sự chờ đợi trừng phạt cũng là một sự trừng phạt nặng nề. Vậy là trừng phạt đúng lúc, đúng chỗ, đúng đối tượng, đúng mứcsẽ rất có tác dụng. Cần nói thêm rằng khi người lớn trực tiếp xung đột với trẻ thì tốt hơn hết ngay lúc đó nên tránh, không dùng uy quyền để trừng phạt trẻ bởi vì khó tránh thái độ chủ quan của mình; về phía trẻ cũng dễ nảy sinh thái độ tiêu cực, hoài nghi động cơ thái độ của người trừng phạt chúng, ngay cả đối với dư luận chung cũng không thuận lợi.

Tôi thấy thực trạng việc giáo dục kỷ luật học sinh sao cho phù hợp hiện chưa có sự thống nhất chung trong đội ngũ giáo viên. Không ít giáo viên còn lúng túng trong việc chọn biện pháp giáo dục kỷ luật học sinh sao cho hiệu quả. Theo tôi, để ngăn chặn và hạn chế những vi phạm của học sinh thì vai trò của giáo viên trên lớp hết sức quan trọng. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, một số vụ việc giáo viên đã hành xử không chuẩn mực, sử dụng phương pháp kỷ luật tiêu cực gây hậu quả đáng tiếc và phản ứng từ dư luận xã hội. Nhiều giáo viên có cách xử phạt đa phần chưa thuyết phục các em học sinh vì giáo viên tỏ ra cách suy nghĩ áp đặt, đôi khi hơi bảo thủ, không đặt mình vào hoàn cảnh của học sinh. Đó là chưa kể đến những biện pháp xử lý quá nặng, có tính chất phức tạp khiến người bị phạt bị tổn thương, không tâm phục tạo ra tâm lý chống đối, càng phạt thì các em càng vi phạm để chống đối lại giáo viên. Tuổi học sinh trung học phổ thông các em còn nhiều thiếu sót, người thầy nên tâm tình, nhất là tìm hiểu nguyên nhân sâu xa trước khi đưa ra những hình phạt… Nhiều giáo viên sử dụng các hình thức như: mắng nhiếc, sỉ nhục, đánh, tát, phạt quỳ, bêu riếu… thậm chí là đuổi học. Những biện pháp này thể hiện sự bất lực của nhà giáo dục và vô tình đẩy ra ngoài xã hội những “sản phẩm kém chất lượng”. Đó chính là mầm mống của các hiện tượng tiêu cực gây rối loạn trật tự xã hội.

Theo quan điểm của kỷ luật tích cực, việc mắc lỗi của học sinh là lẽ tự nhiên của quá trình học tập và phát triển. Nhiệm vụ quan trọng của nhà giáo dục là làm thế nào để học sinh tự nhận thức được bản thân, tự kiểm soát hành vi. Theo tôi, mỗi khi học sinh mắc lỗi, giáo viên phải là người bạn, người anh, người cha, người mẹ chỉ cho các em nhận ra lỗi của mình để tự điều chỉnh. Sự trừng phạt về thân thể hay tinh thần làm đánh mất sự tự tin của học sinh, giảm ý thức kỷ luật khiến học sinh nảy ra ý nghĩ căm ghét thầy cô, trường học. Trừng phạt là chúng ta đã để lại những vết sẹo trong tâm hồn của học sinh khiến các em luôn có thái độ thù địch.
Nguyên tắc của phương pháp này là chỉ ra lỗi một cách rõ ràng, tế nhị, không dung túng; tránh làm tổn thương thể xác và tinh thần học sinh; xử lý kỷ luật theo hướng phát huy điểm mạnh, mặt tích cực của bản thân học sinh.


...... hsbc Quốc An hsbc ......
Bài viết chắc hẳn còn nhiều thiếu sót, mong các bạn góp ý cho QA!

Về Đầu Trang Go down
nguyenthidiemmy

nguyenthidiemmy


Tổng số bài gửi : 60
Join date : 24/06/2009
Age : 33
Đến từ : Long An

YÊU CẦU SỬ DỤNG PHƯƠNG PHÁP TRÁCH PHẠT Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: YÊU CẦU SỬ DỤNG PHƯƠNG PHÁP TRÁCH PHẠT   YÊU CẦU SỬ DỤNG PHƯƠNG PHÁP TRÁCH PHẠT Icon_minitimeSun Jul 03, 2011 7:32 am

Rat cu the va chi tiet. Luan cu, luan chung ro rang. Hay lam An.
Về Đầu Trang Go down
 
YÊU CẦU SỬ DỤNG PHƯƠNG PHÁP TRÁCH PHẠT
Về Đầu Trang 
Trang 1 trong tổng số 1 trang
 Similar topics
-
» NỘI DUNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NÂNG CAO HIỆU QUẢ PHỐI HỢP CÁC LỰC LƯỢNG GIÁO DỤC
» “Phương pháp tự học: phương pháp mô hình hóa”
» Các phương pháp đánh giá kết quả học tập.
» Chỉ số IQ và phương pháp xác định IQ
» KHÁI NIỆM PHƯƠNG PHÁP DẠY HỌC:

Permissions in this forum:Bạn không có quyền trả lời bài viết
NGÔI NHÀ TRÁI TIM :: TÂM LÝ - GIÁO DỤC HỌC :: Kiến thức chuyên ngành :: Giáo dục học :: Giáo dục học phổ thông-
Chuyển đến