NGÔI NHÀ TRÁI TIM
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

NGÔI NHÀ TRÁI TIM

Hãy cho - Hãy nhận - Hãy sống bằng cả con tim
 
Trang ChínhTrang Chính  Latest imagesLatest images  Tìm kiếmTìm kiếm  Đăng kýĐăng ký  Đăng NhậpĐăng Nhập  

 

 Tổ chức hoạt động vui chơi

Go down 
Tác giảThông điệp
peterduynguyen
Admin
peterduynguyen


Tổng số bài gửi : 143
Join date : 18/04/2010

Tổ chức hoạt động vui chơi Empty
Bài gửiTiêu đề: Tổ chức hoạt động vui chơi   Tổ chức hoạt động vui chơi Icon_minitimeFri Dec 31, 2010 7:19 am

MỤC LỤC

A. TỔ CHỨC HOẠT ĐỘNG VUI CHƠI 2
I. Khái niệm hoạt động vui chơi 2
II. Các trò chơi hiện nay của trẻ mẫu giáo 2
III. Ý nghĩa của hoạt động vui chơi đối với sự phát triển của trẻ mầm non 2
1. Hoạt động vui chơi là hoạt động chủ đạo của trẻ mẫu giáo 2
2. Hoạt động vui chơi là phương tiện giáo dục và phát triển toàn diện cho trẻ mẫu giáo 3
B. TRÒ CHƠI ĐÓNG VAI THEO CHỦ ĐỀ 5
I. Khái niệm 5
II. Đặc điểm 5
III. Ý nghĩa của trò chơi đóng vai theo chủ đề đối với trẻ mẩu giáo 5
IV. Tổ chức hướng dẫn trò chơi đóng vai theo chủ đề cho trẻ mẫu giáo 6
1. Đối với trẻ mẫu giáo bé (3 -4 tuổi). 6
2. Đối với trẻ mẫu giáo nhỡ (4 -5 tuổi). 7
3. Đối với trẻ mẫu giáo lớn (5 - 6 tuổi). 9


TỔ CHỨC HOẠT ĐỘNG VUI CHƠI

A. TỔ CHỨC HOẠT ĐỘNG VUI CHƠI
I. Khái niệm hoạt động vui chơi
Hoạt động vui chơi là một trong các loại hình hoạt động của trẻ ở trường mầm non, là hoạt động chủ đạo của trẻ mẫu giáo được người lớn tổ chức, hướng dẫn nhằm giúp trẻ thỏa mãn các nhu cầu vui chơi và nhận thức, đồng thời nhằm giáo dục và phát triển toàn diện cho trẻ.
II. Các trò chơi hiện nay của trẻ mẫu giáo
Trò chơi của trẻ mẫu giáo rất đa dạng, phong phú về nội dung, tính chất cũng như cách thức thức tổ chức.
Trong những năm 60, ở nước ta, trò chơi của trẻ mẫu giáo phân thành 2 nhóm:
 Trò chơi phản ánh sinh hoạt.
 Trò chơi vận động.
Từ những năm 80 đến nay, trò chơi của trẻ mẫu giáo phân thành 2 nhóm chính:
 Nhóm 1: Nhóm trò chơi sáng tạo, gồm các trò chơi:
• Trò chơi đóng vai theo chủ đề.
• Trò chơi xây dựng – lắp ghép.
• Trò chơi đóng kịch.
 Nhóm 2: Nhóm trò chơi có luật, gồm các trò chơi:
• Trò chơi học tập.
• Trò chơi vận động.
III. Ý nghĩa của hoạt động vui chơi đối với sự phát triển của trẻ mầm non
1. Hoạt động vui chơi là hoạt động chủ đạo của trẻ mẫu giáo
Trẻ 3 tuổi bắt đầu có ý thức về mình, bắt đầu chú ý và bắt chước người lớn về hành vi, cách ứng xử, nói năng, ăn mặc,…. Trẻ muốn khẳng định mình bằng cách “tập làm người lớn”, nhưng thực tế, trẻ chưa đủ sức lực và tri thức để làm những công việc của người lớn. Vì thế, ở trẻ 3 tuổi diễn ra mâu thuẫn gay gắt giữa nhu cầu và khả năng của trẻ.
Hoạt động vui chơi, trong đó trò chơi đóng vai theo chủ đề đã giúp trẻ giải quyết mâu thuẫn trên. Trẻ thể hiện được tính độc lập và tập khẳng định “cái tôi” thông qua “xã hội trẻ em” trong hoạt động vui chơi.
Ví dụ: trẻ đóng vai: bác sĩ, y tá, bệnh nhân, cô giáo, mẹ, chú công nhân,…Lúc đóng vai trẻ tích cực hoạt động như đi lại, trao đổi, nói năng, giãi bày tình cảm,…
 Hoạt động vui chơi trở thành hoạt động chủ đạo của trẻ và chi phối tất cả các hoạt động khác của trẻ, có ảnh hưởng lớn đến các mặt phát triển của trẻ, góp phần quan trọng vào việc hình thành và phát triển nhân cách trẻ mẫu giáo, chuẩn bị cơ sở tâm lý cần thiết cho hoạt động học tập ở trường tiểu học.
Lưu ý: Ở trường mẫu giáo, cô giáo cần biết sử dụng hoạt động vui chơi làm phương tiện giáo dục và phát triển cho trẻ.
2. Hoạt động vui chơi là phương tiện giáo dục và phát triển toàn diện cho trẻ mẫu giáo
a. Hoạt động vui chơi là phương tiện giáo dục và phát triển trí tuệ cho trẻ mẫu giáo
Hoạt động vui chơi góp phần củng cố, chính xác hóa, cụ thể hóa, làm phong phú vốn hiểu biết của trẻ về thế giới xung quanh. Vì nội dung hoạt động vui chơi của trẻ phản ánh thế giới xung quanh sẽ giúp trẻ hiểu sâu sắc hơn về thế giới xung quanh.
Ví dụ: Qua trò chơi “Xây dựng trường mẫu giáo”, biểu tượng trường mẫu giáo của bé sẽ được cụ thể, phong phú và sâu sắc hơn.
Để thỏa mãn nhu cầu chơi, trẻ không những vận dụng những hiểu biết đã có mà trong quá trình chơi hấp dẫn, sự hứng thú và tính chủ thể hoạt động thúc đẩy trẻ tới chiếm lĩnh tri thức mới. Điều này ảnh hưởng tích cực đến nhu cầu nhận thức của trẻ.
Hoạt động vui chơi là mảnh đất tốt để phát triển hoạt động thức của trẻ như cảm giác, tri giác, trí nhớ, tư duy, đặc biệt là trí tưởng tượng và ngôn ngữ.
b. Hoạt động vui chơi là phương tiện giáo dục và phát triển đạo đức cho trẻ mẫu giáo
Chơi là hoạt động có ảnh hưởng mạnh mẽ đến tâm tư, tình cảm, đạo đức của trẻ.
Thông qua trò chơi đóng vai theo chủ đề, trẻ biết đối xử nhẹ nhàng, yêu thương, che chở các em nhỏ hơn, biết chăn sóc, lo lắng cho người thân khi người thân bị ốm đau,… Nghĩa là các qui tắc ứng xử “bên ngoài” do động cơ chơi đã trở thành các qui tắc ứng xử “bên trong” của trẻ như cảm thông , chia sẻ, quan tâm, thật thà, dũng cảm, lòng nhân ái,…
Có thể nói rằng vui chơi là mắt xích nối liền trẻ với các qui tắc đạo đức, giúp các quá trình hình thành các phẩm chất đạo đức diễn ra dễ dàng, tự nhiên và bền vững hơn.
c. Hoạt động vui chơi là phương tiện giáo dục và phát triển thể chất cho trẻ mẫu giáo
Chơi mang lại niềm vui cho trẻ giúp phát triển thể lực và tinh thần khỏe mạnh, sảng khoái.
Các trò chơi vận động phù hợp giúp đẩy mạnh trao đổi chất, tăng cường hô hấp và tuần hoàn máu, giúp trẻ phát triển thể chất và hoàn thiện các vận động cở bản nhưng cần có sự hướng dẫn của giáo viên.
d. Hoạt động vui chơi là phương tiện giáo dục và phát triển thẩm mỹ cho trẻ mẫu giáo
Thông qua các trò chơi, trẻ cảm nhận được cái đẹp ở màu sắc, hình dạng, kích thước của đồ chơi, cảm nhận được cái đẹp trong hành vi, cách ứng xử, lời nói khi tre thực hiện vai chơi. Ngoài ra, trẻ còn có cơ hội, điều kiện để tạo ta cái đẹp thông qua trò chơi đóng vai theo chủ đề, xây dựng lắp ghép.
e. Hoạt động vui chơi là phương tiện giáo dục và phát triển lao động cho trẻ mẫu giáo
Trong quá trình chơi, dưới sự hướng dẫn của cô, trẻ sẽ hình thành được một số kỹ năng sử dụng đồ dùng, đồ chơi và hình thành các phẩm chất đạo đức của người lao động trong tương lai như tính mục đích, sánh tạo, kiên trì, yêu lao động.
B. TRÒ CHƠI ĐÓNG VAI THEO CHỦ ĐỀ
I. Khái niệm
Trò chơi đóng vai theo chủ đề là loại trò chơi trong đó trẻ đóng một vai chơi cụ thể để tái tạo lại những ấn tượng, xúc cảm mà trẻ thu nhận được từ môi trường xã hội của người lớn nhờ sự tham gia tích cực của trí tưởng tượng.
II. Đặc điểm
- Trò chơi đóng vai theo chủ đề do trẻ tự nghĩ ra: tự nghĩ ra chủ đề chơi, tìm bạn cùng chơi, phân vai, tìm đồ chơi,…
- Trẻ luôn đứng vị trí của chủ thể để hành động. Trò chơi này mang tính tự nguyện, sáng tạo và tự giác cao.
- Cấu trúc trò chơi đóng vai theo chủ đề:
• Chủ đề chơi
• Vai chơi
• Nội dung chơi
• Luật chơi
- Các thành tố trên có mối liên hệ mật thiết với nhau, bổ sung và chi phối lẫn nhau. Nếu thiếu một trong các thành tố trên thì không còn là trò chơi đóng vai theo chủ đề.
- Trò chơi đóng vai theo chủ đề chứa đựng hai mối quan hệ: quan hệ chơi và quan hệ thực.
III. Ý nghĩa của trò chơi đóng vai theo chủ đề đối với trẻ mẩu giáo
Trong quá trình chơi trẻ học hỏi được cách ứng xử giao tiếp, thấu cảm được tình người của con người với con người, con người với thiên nhiên và với thế giới đồ vật,… góp phần hình thành hành vi xã hội cho trẻ.
Trẻ học được một số kỹ năng lao động đơn giản. Cái tôi của trẻ được hình thành, trẻ biết phân biệt mình với người khác, biết nhận xét, đánh giá bạn và đánh giá cả mình.
Trò chơi đóng vai theo chủ đề là trò chơi tiêu biểu, đăc trưng của trẻ mẫu giáo, góp phần giải quyết mâu thuẫn giữa nhu cầu muốn bắt chước người lớn và khả năng chưa cho phép của trẻ, tạo động lực phát triển các mặt tâm lý, xã hội của trẻ mẫu giáo.
IV. Tổ chức hướng dẫn trò chơi đóng vai theo chủ đề cho trẻ mẫu giáo
1. Đối với trẻ mẫu giáo bé (3 -4 tuổi).
a. Đặc điểm chơi của trẻ
- Giai đoạn đầu mẫu giáo: trẻ chủ yếu thao tác với đồ vật, mô phỏng cách hành động của vai chứ chưa biết nhận vai (chơi 1 mình).
- Giai đoạn 2: trẻ biết nhận vai và thể hiện một số đặc trưng của vai. Trẻ chơi riêng lẻ, chơi cạnh nhau.
- Giai đoạn cuối: trẻ biết phối hợp chơi với nhau, hình thành nhóm nhỏ nhưng không bền vững, dễ bị tan vỡ bởi sự hấp dẫn từ cái khác.
b. Yêu cầu cần đạt
- Trẻ biết sử dụng đồ dùng, đồ chơi đúng ý nghĩa của nó, không quẳng, ném, tranh giành đồ chơi với bạn.
- Trẻ biết nhận vai chơi và thể hiện một vài hành động đặc trưng của vai mà trẻ đóng.
- Bước đầu trẻ biết chơi với nhau trong nhóm nhỏ (2 – 3 trẻ).
c. Phương pháp hướng dẫn
- Cô giáo thu hút, lôi cuốn trẻ bằng cách giới thiệu sự hấp dẫn của đồ chơi đã được trình bày ở các góc. Gợi ý cho trẻ chọn trò chơi và lựa chọn đóng vai nào, chơi với ai,…
Giai đoạn đầu cô gợi ý cho trẻ lựa chọn đồ chơi nhưng ở giai đoạn 2, cô giáo nên gợi ý cho trẻ nhận vai chơi nào, giai đoạn cuối mẫu giáo bé, cô giáo giới thiệu đồ chơi để gợi ý cho trẻ chơi gì, chơi với ai,…
- Sau khi trẻ xác định được trò chơi thì cô giáo cùng tham gia trò chơi đóng vai với trẻ. Cô chơi càng tự nhiên thì càng phát huy được vai trò hướng dẫn bấy nhiêu.
Ở giai đoạn đầu cô làm bạn cùng chơi với trẻ, giúp trẻ bắt chước cách sử dụng đồ dùng, đồ chơi dúng côn dụng. Giai đoạn 2: cô cùng chơi, giúp trẻ biết nhận vai chơi và tập thể hiện một vai chơi. Giai đoạn cuối: cô chơi cùng trẻ, giúp trẻ biết thể hiện vai phong phú hơn, biết chơi cùng nhau.
- Trong quá trình chơi, cô giáo vừa chơi để trẻ bắt chước vừa theo dõi trẻ, do đó thao tác của cô giáo phải chậm và chính xác để trẻ làm theo. Thông qua đó trẻ nhận ra ý nghĩa của đồ chơi. Nếu trẻ có những hành động tốt thì cô giáo khen ngợi trẻ để củng cố những hành động đó. Như thế, cô đã giúp trẻ biết chơi với đồ chơi, biết thể hiện các hành động đặc trưng của vai. Với cách thức như vậy cô đóng vai “trẻ” làm bạn cùng chơi với trẻ lần lượt từ góc này tới góc khác cho đến hết giờ và điều quan trọng là cô phải quan sát, bao quát trẻ trong lớp.
- Kết thúc trò chơi mọt cách nhẹ nhàng, linh hoạt bằng trò chơi chuyển tiếp để tạo tâm thế cho trẻ bước vào hoạt động khác.
d. Chú ý
- Trước khi tổ chức cho trẻ chơi cô giáo sắp xếp đồ chơi ở các góc, thay đổi thường xuyên các đồ chơi.
- Ngoài tổ chức chơi trong lớp học, cô giáo cần tổ chức cho trẻ đi tham quan làm quen với môi trường xung quanh, tổ chức cho trẻ xem tranh, ảnh, phim về cuộc sống để trẻ tiếp thu được nhiều hơn từ thực tế, mở rộng vốn hiểu biết cho trẻ
2. Đối với trẻ mẫu giáo nhỡ (4 -5 tuổi).
a. Yêu cầu cần đạt
- Trẻ biết chơi theo nhóm nhỏ, phối hợp hành động với các bạn trong nhóm, nhóm có thể từ 4-5 trẻ.
- Các trẻ trong nhóm cùng bàn bạc về chủ đề chơi, phân vai các thành viên, nội dung chơi, tìm đồ chơi để thực hiện trò chơi.
- Trẻ thể hiện vai chơi tuần tự, chi tiết, tự lập, thể hiện một số chuẩn mực đạo đức nổi bật của vai chơi.
b. Đặc điểm chơi của trẻ
- Trẻ chơi theo nhóm nhỏ và cùng bàn bạc về một chủ đề chơi, nội dung chơi,...
- Trẻ thể hiện vai chơi một cách tuần tự, chi tiết, thể hiện vai chơi qua các hành độngv ới đồ vật và biết thể hiện một số tiêu chuẩn đạo đức của vai chơi.
- Trẻ chơi độc lập và sáng tạo hơn, biết tự đánh giá, nhận xét vai diễn của bản thân và các bạn.
c. Phương pháp hướng dẫn
Bước 1: Thỏa thuận trước khi chơi
Thỏa thuận chơi cho trẻ chủ yếu là thỏa thuận theo nhóm.
- Cô giáo ổn định trẻ bằng cách tổ chức trò chơi chuyển tiếp, điều này phụ thuộc vào sự linh hoạt và sáng tạo của giáo viên.
- Hướng dẫn trẻ bàn bạc về chủ đề chơi bằng cách thăm dò sở thích chơi của một số trẻ. Chủ đề chơi nên được thay đổi thường xuyên tránh sự nhàm chán ở trẻ.
- Trẻ rủ bạn chơi cùng và lựa chọn một góc chơi mà trẻ thích và tiến hành chơi.
- Cô giáo gợi ý cho trẻ thỏa thuận về trò chơi, gợi ý phân vai và thiết lập các mối quan hệ trong trò chơi.
Bước 2 : Hướng dẫn quá trình chơi
- Cô giáo không cần đóng vai và chơi cùng trẻ. Cô cần bao quát các trẻ khi chơi, nắm được ý đồ trẻ khi chơi, tác động phù hợp và đúng lúc để duy trì hứng thú cho trẻ, cô cũng là người tháo gỡ những khúc mắc giữa các trẻ khi cần thiết.
- Người giáo viên cần sử dụng linh hoạt các chức năng để giúp trẻ hoàn thành trò chơi.
- Giúp trẻ phối hợp hành động vai chơi với nhóm chơi, duy trì nhóm chơi bền vững, giúp trẻ thực hiện vai chơi tuần tự và phong phú hơn, thể hiện nhiều hơn những chuẩn mực đạo đức, trau dồi về mặt tình cảm.
- Cuối năm cô giáo phát triển cho trẻ hơn về nội dung chơi cũng như năng lực điều khiển trò chơi trong nhóm nhỏ.
Bước 3: Nhận xét chơi
- Kịp thời khen ngợi trẻ có biểu hiện biết hợp tác cùng bạn để chơi hay có kỹ năng chơi,… đồng thời điều chỉnh, uốn nắn những hành vi, thái độ không phù hợp với các chuẩn mực đạo đức của xã hội.
- Khi tiến hành nhận xét nên theo nhóm, hướng trẻ vào thành tích chung của nhóm.
- Gợi ý nội dung mới tạo sự chờ đợi ở buổi chơi hôm sau.
3. Đối với trẻ mẫu giáo lớn (5 - 6 tuổi).
a. Yêu cầu
- Trẻ biết tự tổ chức trò chơi và biết chơi trong tập thể.
- Trẻ biết cùng nhau thảo luận, bàn bạc về chủ đề, nội dung, phân vai, cách tổ chức trò chơi.
- Trẻ biết tự đánh giá mình và đánh giá bạn dựa vào yêu cầu của tập thể chơi.
b. Đặc điểm chơi
- Trẻ đã có kỹ năng tổ chức trò chơi, trẻ chơi một cách độc lập và sáng tạo, nội dung chơi phong phú, phản ánh được phần nào cuộc sống thực.
- Tạo lập nhóm đã có sự bền vững và liên kết với các nhóm khác tạo nên một tập thể lớn hơn. Đây là giai đoạn phát triển nhất của trẻ về tổ chức trò chơi đóng vai theo chủ đề.
- Trẻ biết chơi trong tập thể, tự thảo luận, bàn bạc, tổ chức chơi, biết giữ nội qui của tập thể, biết sử dụng đồ chơi và đồ dùng thay thế.
c. Phương pháp hướng dẫn
Bước 1: Thỏa thuận trước khi chơi
- Cô tổ chức cho trẻ bàn bạc, thảo luận dưới hình thức cả lớp. Nội dung bàn bạc gồm: chủ đề chơi, phân vai, cách thức tổ chức chơi,… bằng cách đưa ra câu hỏi thăm dò ý đồ của trẻ. Cô gợi ý thiết lập mối quan hệ giữa các vai chơi, các tập thể chơi nhỏ để phục vụ cho chủ đề chơi chung.
- Cô tổ chức để trẻ tụ tìm bạn chơi và tìm một góc chơi thích hợp.
Bước 2: Hướng dẫn chơi
- Nhiệm vụ của cô giáo là quan sát các trẻ thực hiện trò chơi, giúp đỡ trẻ khi cần thiết. Cô giáo không nên áp đặt khi can thiệp mà phải tôn trọng nhiều nhất với ý kiến của trẻ.
- Cô chỉ bước vào hướng dẫn trẻ ở những trò chơi mới lạ, khi trẻ chơi quen cô rút lui để trẻ tự tổ chức, điều khiển trò chơi.
- Cô giáo chuân bị đồ chơi càng phong phú càng tốt để đáp ứng nhu cầu của trẻ.
- Cô theo dõi quá trình chơi của trẻ và để phát huy vai trò giáo dục của trò chơi, cô nên luôn đổi vai chơi cho trẻ.
Bước 3: Nhận xét sau khi chơi
- Cô gợi ý cho trẻ nhận xét lẫn nhau dưới hình thức tập thể, hướng trẻ vào việc sử dụng những tiêu chuẩn đạo đức của vai chơi để nhận xét.
- Cô hướng dẫn trẻ nhận xét buổi chơi, tránh để trẻ chỉ trích nhau, làm mất hứng thú chơi của trẻ, khuyến khích nhận xét những mặt tích cực.
- Cô hướng dẫn trẻ cất đồ chơi đúng nơi qui định và chuyển hoạt động bằng trò chơi chuyển tiếp.
- Kết thúc trò chơi một cách nhẹ nhàng.


TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Phạm Thị Châu, Nguyễn Thị Oanh, Trần Thị Sinh (2008), Giáo dục học mầm non, NXB Đai học quốc gia Hà Nội.
Về Đầu Trang Go down
 
Tổ chức hoạt động vui chơi
Về Đầu Trang 
Trang 1 trong tổng số 1 trang
 Similar topics
-
» trò chơi đóng kịch
» Tổ chức hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp (P2)
» Tổ chức hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp (P1)
»  Hoạt động dạy và hoạt động học
» HOẠT ĐỘNG ĐỒ VẬT CỦA TRẺ

Permissions in this forum:Bạn không có quyền trả lời bài viết
NGÔI NHÀ TRÁI TIM :: TÂM LÝ - GIÁO DỤC HỌC :: Kiến thức chuyên ngành :: Giáo dục học :: Giáo dục học mầm non-
Chuyển đến